Nông dân An Thạnh tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình
Những năm gần đây, người dân vùng nông thôn huyện Bến Cầu đã và đang quan tâm đến việc thuần dưỡng các loài động vật hoang dã trở thành vật nuôi, qua đó giúp tăng thêm thu nhập đáng kể; trong đó có nghề nuôi dơi lấy phân và nuôi chồn hương của một số nông dân xã An Thạnh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Mô hình nuôi dơi lấy phân mang lại thu nhập ổn định
Tại ấp Chánh, xã An Thạnh, ông Hồ Minh Tâm là một trong những người tiên phong và thành công với mô hình nuôi dơi lấy phân.
Ông Tâm cho biết, trước đây gia đình có hơn 1 ha đất chuyên trồng lúa cho thu nhập không cao. Năm 2019, trong một lần đến nhà người quen ở Long An, thấy mô hình nuôi dơi lấy phân đem lại hiệu quả, vợ chồng ông quyết định học hỏi kinh nghiệm. Cuối năm đó, ông mạnh dạn đầu tư hơn 130 triệu đồng làm 2 chuồng nuôi dơi trên phần đất ruộng của gia đình. Chuồng được thiết kế theo hình lục giác, cao 12,5m. Riêng nóc chuồng cao 1,5m, cột bằng cây, mái lợp tôn, bên trong treo nhiều lá thốt nốt làm tổ cho dơi trú ngụ, bên dưới chuồng làm lưới để chứa phân dơi.
Nhờ chăm sóc tốt, dơi hoang vào chuồng ở ngày càng nhiều, đến năm 2022, được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã An Thạnh, ông Tâm vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư làm thêm chuồng thứ ba. Hiện, với 3 chuồng nuôi dơi, mỗi ngày gia đình ông Tâm thu được khoảng 7kg phân dơi khô, giá bán trung bình 60.000 đồng/kg, ước tính mỗi tháng, gia đình ông thu về hơn 12 triệu đồng.
Chuồng nuôi dơi của hộ ông Hồ Minh Tâm ở ấp Chánh, xã An Thạnh.
Theo ông Tâm, dơi là loài động vật tự săn mồi, thức ăn của chúng là các loại côn trùng, người nuôi không phải tốn chi phí mua thức ăn hay chăm sóc. Dơi có tập tính đi kiếm mồi vào ban đêm, trở về tổ khi trời sáng và bắt đầu thải phân, đến chiều mỗi ngày, người nuôi chỉ cần mang dụng cụ ra xúc phân có sẵn trong lưới và đem phơi khô, sẽ có thương lái đến tận nhà thu mua.
“Ban đầu mua dơi về phải nhốt trong lồng, đặt trong chuồng khoảng một vài ngày để dơi làm quen với chuồng trại, đồng thời, dơi mồi phát ra tiếng kêu thu hút thêm đàn dơi hoang vào chuồng ở. Loài dơi rất sợ rắn lục, rệp, chim heo (hoặc chim lợn- thường gọi là cú lợn, một số nơi còn gọi là cú mặt khỉ), vì vậy, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra chuồng và có biện pháp phòng ngừa những loại thiên địch của loài dơi, giữ cho chuồng luôn khô ráo, yên tĩnh và kín đáo”- ông Tâm chia sẻ thêm về cách nuôi dơi.
Với hai chuồng nuôi dơi, mỗi ngày, gia đình bà Trần Thị Châu (ngụ ấp Bến, xã An Thạnh) thu hoạch được từ 3 - 4kg phân dơi phơi khô, theo thời giá hiện tại, trung bình gia đình bà Châu có nguồn thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày.
Bà Châu cho biết, nhờ sự hướng dẫn của ông Tâm, năm 2022, gia đình bà đầu tư 2 chuồng nuôi dơi trên mảnh đất trống của gia đình, nguồn thu nhập hiện có tuy khá ít ỏi nhưng cũng đủ để gia đình bà trang trải chí phí hàng ngày mà không phải lo đi làm thuê như trước đây.
Theo bà Châu, mô hình nuôi dơi lấy phân rất đơn giản, chỉ tốn tiền làm chuồng, cũng không phải cho ăn, lại ít rủi ro hơn so với các loài vật nuôi khác.
“Để nuôi dơi, người nuôi chỉ việc mướn thợ làm chuồng đúng kỹ thuật, sau đó dơi sẽ từ từ kéo đến ở. Trưa mỗi ngày thì thu hoạch, tôi chỉ việc ra thu gom phân dơi có sẵn trong lưới, đem phơi khô bán cho thương lái và các nhà vườn trồng cây ăn trái”- bà Châu cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh cho biết, trên địa bàn xã có 3 hộ nuôi dơi lấy phân, trong đó, gia đình ông Hồ Minh Tâm là một trong những hộ đầu tiên đầu tư làm chuồng nuôi. Qua thời gian dài, dơi kéo về ở ngày càng nhiều, số lượng phân thu được cũng tăng theo. Đây là mô hình chăn nuôi hiệu quả, được địa phương khuyến khích, bởi dơi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho bà con, mà còn làm giảm các loại côn trùng gây hại khác, góp phần bảo vệ cây cối, mùa màng.
Nuôi chồn hương- mô hình chăn nuôi nhiều triển vọng
Những năm qua, ông Đặng Tuấn Kiệt (ngụ ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) tích cực thử nghiệm nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau. Hiện, ông Kiệt đã thực hiện thành công ý tưởng khởi nghiệp bằng mô hình nuôi chồn hương sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về mối “lương duyên” đưa mình đến với nghề nuôi chồn hương, ông Kiệt cho biết: “năm 2022, trong lúc ngồi xem một số tin về nông nghiệp trên mạng internet, tôi tình cờ thấy bài viết giới thiệu về mô hình nuôi chồn hương của một trang trại ở miền Tây có hiệu quả kinh tế cao, nên tôi tìm đến tận nơi tham quan, học hỏi. Được sự tư vấn và hỗ trợ của Hội Nông dân xã, sau khi xin được giấy phép chăn nuôi (do chồn hương là động vật hoang dã nhóm IIB), tôi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để làm chuồng trại và mua 3 con giống (2 con cái, 1 con đực) về nuôi thử nghiệm".
Sau 2 tháng nuôi, chồn hương bắt đầu sinh sản, mỗi lứa đẻ từ 2 đến 5 con. Một năm, chồn hương cái đẻ từ 2 đến 3 lứa. Đến nay, đàn chồn hương của gia đình ông Kiệt đã lên đến 30 con (15 cặp, gồm 1 con đực và 1 con cái).
Gần 2 năm gắn bó với mô hình nuôi chồn hương, theo ông Kiệt, đây là con vật có sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Thức ăn của chồn là những loại rất dễ kiếm như chuối, mít, cá, thịt gà, ếch,... nên rất dễ nuôi. Mỗi ngày, một con chồn hương chỉ tốn khoảng 4.000 - 5.000 đồng thức ăn, quá trình nuôi không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần người nuôi biết cách làm chuồng, chăm sóc bảo đảm vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh và phối giống kỹ lưỡng thì sẽ đạt được thành công.
Thực tế chăn nuôi tại gia đình ông Kiệt cho thấy, chồn hương con nuôi khoảng 2 tháng có thể bán giống. Tính đến nay, ông Kiệt đã xuất bán khoảng 10 cặp chồn hương giống với giá 7 triệu đồng/cặp.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, ông Kiệt cho biết sẽ tiếp tục xây dựng chuồng trại quy mô, bài bản hơn để mở rộng mô hình, nâng cao sản lượng và chất lượng chồn hương giống cũng như thương phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch Hội nông dân xã An Thạnh cho biết, mô hình nuôi chồn hương sinh sản của hộ ông Đặng Tuấn Kiệt là là hướng đi mới ở địa phương, bước đầu cho thấy nhiều triển vọng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục giới thiệu để ông Kiệt được tiếp cận nguồn vốn chính sách với lãi suất thấp, có điều kiện đầu tư mở rộng chuồng nuôi, gia tăng tổng đàn phát triển kinh tế gia đình ổn định.
Theo ông Nguyễn Thái Bình – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cầu, những năm gần đây, tình hình nông nghiệp- nông dân- nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Các hộ nông dân chủ động học tập, đầu tư nhiều mô hình nông nghiệp mới, đem lại thu nhập ổn định. Trong đó, mô hình làm chuồng nuôi dơi được nhiều nông dân áp dụng, tính đến nay, trên địa bàn huyện Bến Cầu có khoảng 22 nhà nuôi dơi lấy phân, đa phần có nhiều dơi đến ở, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Riêng mô hình nuôi chồn hương là mô hình mới, chỉ có 2 hộ nuôi (ngoài hộ ông Đặng Tuấn Kiệt còn có một hộ nuôi tại xã Long Chữ), bước đầu cho thấy tiềm năng của loài động vật này còn rất lớn. Tuy nhiên, để duy trì và nhân rộng mô hình cần quan tâm đến một số vấn đề như người nuôi cần nắm rõ các đặc tính, quy trình chăn nuôi; chú ý các biện pháp phòng chống dịch bệnh; đặc biệt là thường xuyên tìm hiểu về nhu cầu thị trường để có hướng đầu tư phù hợp.
Bên cạnh đó, người nuôi chồn hương phải lập sổ theo dõi quá trình nuôi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.