Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

10 giờ, bà Nguyễn Thị Nụy (86 tuổi, ở phường Lào Cai, thành phố Lào Cai) lại chất đồ đạc lên chiếc xe đạp cũ để đi bán nước ở vỉa hè. Bà Nụy thường bắt đầu công việc từ 10 giờ sáng và trở về nhà lúc 3 giờ chiều mỗi ngày.

Bà Nụy cho biết: Ngày đông khách thì thu nhập khoảng 100.000 đồng, ngày ít thì khoảng 50.000 - 60.000 đồng. Tôi có 4 con, 3 người đã lập gia đình nhưng cuộc sống của chúng không dễ dàng gì nên không muốn nhận trợ cấp từ chúng. Ngày nào còn khỏe thì ngày đó tôi còn làm việc để nuôi sống bản thân.

Hơn 30 năm trước, bà Nụy cùng chồng từ Hưng Yên lên Lào Cai sinh sống. Người con trai út của ông bà đã ngoài 40 tuổi, bị khuyết tật trí tuệ, ở với bố mẹ. Vậy nên, cuộc sống của vợ chồng già không có lương hưu và người con trai tật nguyền càng thêm khó khăn. Mặc dù mỗi tháng bà Nụy và chồng được nhận trợ cấp xã hội 360.000 đồng/người nhưng số tiền này chẳng thấm tháp vào đâu vì thường xuyên phải mua thuốc chữa bệnh cho con trai.

Bà Phạm Thị Ân (75 tuổi) ở xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai) cũng đang vất vả mưu sinh, bởi mỗi tháng chỉ nhận được nguồn trợ cấp dành cho người cao tuổi với mức 360.000 đồng/người từ chồng của bà, không đủ trang trải cuộc sống. Mặc dù đã hơn 80 tuổi nhưng hằng ngày, ông Hùng (chồng bà Ân) vẫn phải làm đất trồng rau, nuôi gà, còn bà Ân gánh rau, củ ra chợ bán. Bà Ân cho biết, con cháu cũng khổ nên bà cố gắng đi bán hàng để có thêm thu nhập. Ngoài tiền chợ còn phải chi thêm các khoản ma chay, cưới hỏi và thuốc thang lúc nhà có người ốm đau nên nghỉ chợ ngày nào là bà lo ngày đó. “Theo quy định, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mới được nhận trợ cấp xã hội, như vậy là quá lâu. Tôi mong sớm được nhận trợ cấp xã hội và mức trợ cấp xã hội có thể tăng lên” - bà Ân tỏ bày.

Bà Nụy, bà Ân và nhiều lao động lớn tuổi mặc dù có hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết vẫn phải mưu sinh, lo cho cuộc sống bản thân và gia đình khi quá tuổi lao động vì không có lương hưu.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 77.200 người cao tuổi - người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ, từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tuy nhiên, số người có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội chỉ hơn 24.166 người (chiếm khoảng 31% số người nghỉ hưu).

Thực tế, số người có lương hưu, có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thấp sẽ làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội. Bởi vậy, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng.

Gần đây nhất, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã đề xuất hạ độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20/2021/NĐ-CP với mức đề xuất nhận trợ cấp là 500.000 đồng/tháng (tăng 140.000 đồng/tháng so với mức trợ cấp hiện tại).

Theo quy định của Nghị định 20/2021/NĐ-CP, người cao tuổi thuộc 1 trong các trường hợp quy định sẽ hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, trong đó người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng sẽ được nhận trợ cấp 360.000 đồng/tháng.

Bà Hà Thị Thiệp, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế. Chúng tôi mong sớm thay đổi cơ chế để đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội trong thời gian sớm nhất. Đối với người cao tuổi không có lương hưu thì trợ cấp xã hội là động lực để vơi đi nỗi lo cơm áo gạo tiền và phiền muộn con cái.

Những cuộc mưu sinh ở tuổi xế chiều bao giờ cũng nhọc nhằn, vất vả. Với nhiều người cao tuổi, gánh nặng này đè nặng lên vai khiến việc tận hưởng cuộc sống an nhàn, sum vầy cùng con cháu còn xa vời.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/noi-niem-cua-nguoi-cao-tuoi-khong-co-luong-huu-post382911.html