Nỗi lo sử dụng đường điện tự kéo ở Lương Sơn
Mặc dù đã 'về đích' nông thôn mới nhưng nhiều năm qua, hàng chục hộ ở xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên) vẫn phải sử dụng đường dây điện tự kéo, không đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.
Chỉ tay về phía đường dây điện của gia đình, ông Phạm Văn Lục (thôn Lương Hải) cho biết: Do nhà xa cột điện chính nên gia đình đã tự mua dây để kéo điện về dùng. Kinh phí ít nên gia đình dùng tre và gỗ làm cột điện. Qua thời gian sử dụng, cột đã bị mục, nghiêng ngả, nhiều đoạn dây điện rủ xuống đường đi, vườn rau, ao cá của các hộ lân cận. Dây dẫn điện kém lại kéo xa nên điện yếu, nguồn điện không ổn định, hao tổn lớn. Mới đây, gia đình ông mua máy xát về xát thóc, ngô nhưng máy không chạy nổi. “Nhà chỉ có điện thắp sáng, ti vi và nồi cơm điện nhưng khi nấu cơm phải tắt bớt các thiết bị khác thì cơm mới chín” - ông Lục nói.
Không chỉ gia đình ông Lục, thôn Lương Hải còn có hơn 30 hộ cũng phải sử dụng nguồn điện chập chờn, không đảm bảo sinh hoạt và sản xuất. Ông Nguyễn Văn Sĩ, Trưởng thôn Lương Hải cho biết: Mặc dù Nhà nước quan tâm đầu tư kéo điện lưới quốc gia về thôn nhưng một số khu dân cư vẫn còn cách khá xa cột điện chính. Thôn hiện có 3 tuyến đường điện dài gần 1 km do người dân tự kéo, cột điện và dây điện không đủ tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Tại thôn Pịt, ngay sau chiếc cổng thôn là hàng dài cột tre và đường dây tự kéo nhằng nhịt qua cánh đồng, vườn cây của người dân. Mỗi nhà có một cột điện, một đường dây. Có cột điện bằng sắt, nhưng cũng không thiếu những cột bằng gỗ và tre. Sau trận mưa giông vừa qua, nhiều cột điện đổ rạp xuống, rất may không xảy ra sự cố. Ông Hoàng Văn Thuận, Trưởng thôn Pịt cho biết, còn một nửa số hộ trong thôn chưa có nguồn điện ổn định để sử dụng. Nhiều hộ mua máy xát, máy hàn sắt để làm dịch vụ nhưng mua về đành bỏ không vì máy không chạy được.
Theo thống kê của xã Lương Sơn, trên địa bàn có 10 tuyến đường điện do người dân tự kéo với tổng chiều dài 5,3 km. Ông Hoàng Trên Đồn, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: Tại nhiều cuộc họp, người dân luôn đề nghị xã có ý kiến với các đơn vị liên quan sớm đầu tư đường điện đến các khu dân cư để người dân yên tâm sinh sống và phục vụ sản xuất. Trong khi chờ phương án đầu tư đường dây đến các cụm dân cư, xã vận động người dân thay thế những trụ điện đã gãy đổ và thường xuyên kiểm tra độ an toàn của các đường dây điện.
Được biết, năm 2020, Công ty Điện lực Lào Cai có kế hoạch đầu tư xây dựng 5 dự án, gồm: Xây dựng mạch vòng An Thắng - Cam Cọn, cải tạo đường dây 35 kV giảm bán kính cấp điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện khu vực huyện Bảo Yên; công trình chống quá tải, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng điện năng lưới điện các xã Bảo Hà, Nghĩa Đô, Yên Sơn, Điện Quan, thị trấn Phố Ràng; công trình chống quá tải, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng điện năng lưới điện các xã Kim Sơn, Minh Tân và xã Tân An; công trình chống quá tải, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng điện năng lưới điện các xã Long Khánh, Long Phúc, Lương Sơn, Việt Tiến; xây dựng xuất tuyến 35 kV (mạch 2) sau trạm biến áp 110 kV Bảo Yên. Những dự án này sau khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất và vấn đề an toàn điện tại khu vực dân cư.
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Điện lực Bảo Yên cho biết, riêng tại một số khu vực thuộc xã Lương Sơn như thôn Phia 1, Chiềng 1, Pịt, Sài 1, Sài 2, Lương Hải 1, Lương Hải 2, người dân sử dụng điện tự kéo với cột bằng tre, gỗ nên chưa đảm bảo an toàn và rất nguy hiểm. Điện lực Bảo Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương đưa ra biện pháp khắc phục. Đơn vị tham mưu cho UBND huyện Bảo Yên lập các danh mục đầu tư trình UBND tỉnh bố trí nguồn vốn. Trong thời gian chưa được đầu tư xây dựng đường dây mới, Điện lực Bảo Yên thường xuyên phối hợp với xã Lương Sơn đề nghị các hộ đang sử dụng điện tự kéo theo tổ kiểm tra, thay thế các vị trí cột điện bằng tre, gỗ đã mục bằng cột bê tông cho đường dây sau công tơ về các hộ.