Nơi đau thương thành biểu tượng hợp tác Việt - Mỹ

Trong những ngày không thể nào quên của năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bốn lần bị 'pháo đài bay' B52 của Mỹ ném bom khốc liệt. Ngày nay, nơi đây trở thành một trong những biểu tượng của hợp tác Việt - Mỹ.

Ngay sau khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, GS.BS Carl Edwin Bartecchi, một cựu binh Mỹ công tác tại ĐH Colorado, trở lại Việt Nam và thăm Bệnh viện Bạch Mai. Trong chuyến thăm đó, GS Bartecchi gặp GS Vũ Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thời đó. Sau đó, vị giáo sư người Mỹ thành lập dự án Bệnh viện Bạch Mai và cống hiến gần 30 năm thúc đẩy hợp tác giữa bệnh viện và các đối tác Mỹ.

Hợp tác y tế

Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của GS Bartecchi, nhiều đoàn bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai được cử đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn về cấp cứu, hồi sức, chống độc ở Mỹ, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh. Dự án còn đưa các giáo sư hàng đầu của Mỹ và thế giới đến giảng dạy cho sinh viên y khoa Việt Nam và trao đổi báo cáo nghiên cứu khoa học.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (giữa) tại buổi lễ khánh thành lắp đặt hệ thống ôxy lỏng và trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/6. Ảnh: Trần Minh

Dự án của GS Bartecchi đặt nền móng cho việc xây dựng và kết nối các mối quan hệ, dẫn đến nhiều hỗ trợ của Mỹ cho Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều năm qua. Kế thừa nỗ lực đó của GS Bartecchi, hai giáo sư Mỹ Nancy Henry và Yves Ouellette cũng đã đồng hành với Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều năm, tham gia tổ chức thành công nhiều hội nghị chuyên khoa về cấp cứu, hồi sức chống độc, nhi khoa, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch.

Hợp tác lĩnh vực y tế trở thành một trong những trụ cột quan trọng đưa quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển.

Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai được Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) hỗ trợ xây dựng hệ thống ôxy lỏng, góp phần nâng cao năng lực chăm sóc người bệnh tại bệnh viện. Buổi lễ khánh thành hệ thống vào tháng 6 năm nay có sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. Hệ thống ôxy lỏng tại Bệnh viện Bạch Mai là hệ thống lớn nhất trong 13 hệ thống tương tự do USAID tài trợ và lắp đặt trên cả nước, nhằm hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng và điều trị các bệnh nhân khác cần ôxy. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai được Mỹ hỗ trợ nâng cao năng lực và cung cấp dịch vụ phòng chống HIV từ năm 2009, giúp bệnh viện này trở thành trung tâm hàng đầu về phòng chống HIV tại Việt Nam.

Xoa dịu nỗi đau

Trong một nỗ lực khác nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau của quá khứ, USAID triển khai dự án 7,4 triệu USD về giám định hài cốt để giúp Việt Nam nâng cao khả năng giám định hài cốt trong chiến tranh. Ủy ban Quốc tế về Tìm kiếm người mất tích (ICMP) của Mỹ đã phát triển công nghệ tách chiết ADN nhân nhằm giải quyết thách thức của Việt Nam khi xác định những mẫu hài hốt bị phân hủy nặng.

Thông qua ICMP, USAID trang bị cho Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam một phòng xét nghiệm với các thiết bị, kỹ thuật và vật liệu giám định ADN tiên tiến, giúp Trung tâm đủ khả năng tách chiết thành công ADN có thể sử dụng được từ các mẫu xương bị phân hủy nặng.

Cuối tháng 7 vừa qua, trong chuyến thăm Trung tâm, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper tái khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ Việt Nam xác định danh tính hài cốt trong chiến tranh nhằm đưa về với gia đình.

“Chúng tôi sát cánh cùng Việt Nam, cùng nhau nhận thức ý nghĩa sâu sắc của việc đem đến lời giải đáp cho các gia đình đã trải qua hàng thập kỷ ngóng đợi thông tin”, Đại sứ Knapper nói.

Hợp tác chặt chẽ để giải quyết những vấn đề còn tồn lại từ chiến tranh là một minh chứng nữa về cam kết của Việt Nam và Mỹ trong việc tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.

Đại sứ Knapper cho biết, từ trước năm 1995, Mỹ đã bắt đầu công việc này với nỗ lực tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích, sau đó phát triển thành nỗ lực chung để xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ, tẩy độc những khu vực nhiễm chất độc da cam/dioxin như sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, đồng thời giúp đỡ người khuyết tật. Những nỗ lực đó thực sự giúp xây dựng lòng tin, tạo nên nền tảng cơ bản để hai quốc gia mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong 28 năm qua và xa hơn nữa.

Đại sứ Knapper khẳng định, đây là vấn đề mà Mỹ cam kết đầy đủ, vì nó đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. “Đó cũng là điều đúng đắn và chúng tôi có nghĩa vụ đạo đức phải thực hiện. Đó là cam kết mà chúng tôi đang thực hiện nghiêm túc, và sẽ tiếp tục làm trong những năm sau này”, ông nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Tiền Phong gần đây.

Khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013, Việt Nam và Mỹ xác định 9 nội dung hợp tác ưu tiên: chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - y tế, văn hóa - thể thao, giao lưu nhân dân, giải quyết hậu quả chiến tranh và quyền con người. Qua 10 năm, hai bên đều nhìn thấy bước phát triển rất đáng kể trên cả 9 trụ cột đó, nổi bật nhất là kinh tế - thương mại.

Nhìn về chặng đường tiếp theo, Việt Nam và Mỹ xác định các lĩnh vực như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo… sẽ là những trụ cột mới. Trước khi Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam (ngày 10-11/9), chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Tổng giám đốc USAID Samantha Power hay đoàn doanh nghiệp hùng hậu của Mỹ cho thấy hướng đi sắp tới trong hợp tác giữa hai nước.

Nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7, bà Yellen thăm một nhà máy xe điện ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bà được mời tham quan dây chuyền lắp ráp, sản xuất, ngồi thử và trải nghiệm thay pin cho xe.

Bà Yellen cho biết, kể từ đại dịch COVID-19, Mỹ đang tích cực cố gắng bảo đảm khả năng phục hồi cao hơn trong chuỗi cung ứng của mình. Mỹ mong thấy hệ sinh thái năng lượng sạch phát triển và thịnh vượng, tạo nên các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt giữa Mỹ và các đối tác thương mại đáng tin cậy như Việt Nam, khái niệm mà bà gọi là “đặt sản xuất ở quốc gia bằng hữu”.

Khi thăm Việt Nam vào tháng 3, Tổng giám đốc USAID Power trải nghiệm ngồi xe máy điện trên đường phố Hà Nội. Xe máy điện là sản phẩm của một công ty khởi nghiệp của Việt Nam mà USAID có hỗ trợ.

Thu Loan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-dau-thuong-thanh-bieu-tuong-hop-tac-viet-my-post1567856.tpo