Nỗi đau chốn học đường
Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng khi theo dõi thông tin vụ việc em Y.N, nữ sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Đại học Vinh tự tử tại nhà, nghi do bạo lực học đường (BLHĐ).
Là học sinh giỏi, được nhận xét chăm ngoan nhưng theo người thân của em, Y.N thường xuyên bị cô lập, bạo lực bằng nhiều hình thức khác nhau, thậm chí còn bị lập nhóm đưa lên mạng xã hội để “anti” (chống đối, phản đối) như “Anti thành phần khốn nạn”, “Anti…Y.N”... Sự việc đau lòng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về bạo lực, nỗi đau chốn học đường.
Nguyên nhân của vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nhưng rõ ràng nữ sinh này đã chịu áp lực tinh thần quá lớn khi đến trường. Những bất ổn tâm lý của em mặc dù phần nào được bộc lộ trong thời gian dài với phụ huynh và bày tỏ nguyện vọng lên giáo viên, nhà trường rằng muốn chuyển lớp. Thế nhưng điều đó chưa được quan tâm giải quyết và chính người lớn không nhận ra ca bạo lực nghiêm trọng này, đẩy em vào ngõ cụt.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, rất nhiều thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh lên tiếng về vấn nạn BLHĐ hiện nay, cách nhận diện cũng như khuyến cáo phương pháp giải quyết, vai trò của gia đình, nhà trường. Không chỉ đơn giản là ngược đãi, đánh đập, làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể mà BLHĐ còn thể hiện ở việc nạn nhân bị sỉ nhục, lăng mạ danh dự và nhân phẩm; bị tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy dẫn đến tinh thần ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Bắc Giang đã có nhiều trường hợp bị đánh hội đồng ngay trong lớp học hoặc hẹn nhau ra ngoài trường đánh nhau, thậm chí còn tự quay clip đưa lên mạng xã hội.
Trước mỗi vụ việc xảy ra, dư luận thường tập trung chỉ trích nhà trường và cho rằng, để xảy ra sự việc như trên hoàn toàn do giáo dục chưa nghiêm, nhà trường phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thật công tâm, khách quan ở vai trò của gia đình, nhất là cha mẹ mới thật sự quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến tính cách của mỗi học sinh. Rất nhiều trường hợp bị kỳ thị, bị cô lập bởi những lý do hết sức vô lý của tuổi mới lớn nhưng có em sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ để được tư vấn giải quyết, có em lại tự chịu đựng hoặc xử sự theo cách riêng.
Mới đây, em G.T.C, học sinh lớp 8, Trường THCS Xuân Nộn (Hà Nội) bị nhóm học sinh xông vào đánh hội đồng dẫn tới chấn thương, phù nề vùng mặt, sang chấn tâm lý... phải nhập viện điều trị. Những gì em trải lòng trong một bức thư đáng để mỗi phụ huynh suy nghĩ, quan tâm nhiều hơn đến con em mình trong thời gian ở trường. G.T.C viết: “Ba mẹ ơi con sợ lắm. Con không thể đi học được nữa, con sợ các bạn đánh con vì bao lần rồi con bị đánh, con không dám nói. Tại sao con xin lỗi bạn T. rồi mà bạn T. vẫn không bỏ qua cho con,… Con xin lỗi ba mẹ vì con không nói với ba mẹ để ba mẹ biết…”.
Rõ ràng, nỗi đau BLHĐ phải được nhìn nhận trách nhiệm ở nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội để có cách giải quyết phù hợp. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, muốn con cái chăm ngoan, lễ phép thì cha mẹ phải là tấm gương sáng. Khi ở trường, giáo viên có quyền răn dạy để các em biết tôn trọng và nghe lời hơn trong mối liên hệ với gia đình cùng phối hợp giáo dục.
Nhà trường có quy định xử phạt nghiêm khắc những trường hợp cố tình vi phạm nội quy, có biểu hiện gom bè phái, tập hợp hội nhóm lêu lổng, hay dùng bạo lực với bạn. Các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, nhất là đoàn thanh niên tăng cường phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động tập thể hấp dẫn thu hút các em tham gia, hướng thiện nhằm định hướng nhân cách làm cho mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Bảo Khánh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/403380/noi-dau-chon-hoc-duong.html