Nở rộ các cửa hàng tiện lợi

Những năm gần đây, ngoài các siêu thị, trung tâm thương mại thì các cửa hàng tiện lợi chuyên doanh và tổng hợp trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ. Loại hình kinh doanh này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng bởi sự tiện lợi trong mua sắm.

Tiện lợi cho người tiêu dùng

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường ở TP. Sóc Trăng, chúng ta dễ dàng bắt gặp các cửa hàng tiện lợi, có thể kể đến như: chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, VinMart+, Con Cưng, Co.op Food… Các cửa hàng này chủ yếu nằm dọc những tuyến đường lớn, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Nếu trước đây, khi muốn mua những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, người tiêu dùng thường đến siêu thị lớn, chợ truyền thống hay tiệm tạp hóa thì hiện nay nhiều người đã tìm đến các cửa hàng tiện lợi.

Cửa hàng tiện lợi Co.op Food phong phú nhiều mặt hàng. Ảnh: HẢI HÀ

Cửa hàng tiện lợi Co.op Food phong phú nhiều mặt hàng. Ảnh: HẢI HÀ

Chia sẻ lý do thay đổi thói quen khi mua sắm, chị Hồ Hoàng Yến, ở Phường 2 (TP. Sóc Trăng) cho biết: “Khi mình mua sắm ở cửa hàng tiện lợi thì có cảm giác yên tâm hơn so với một số cửa hàng tạp hóa khác, bởi hàng hóa có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Còn bà Trần Thị Mai, ở Phường 7 (TP. Sóc Trăng) cũng tỏ ra rất hài lòng khi đến mua thực phẩm tại cửa hàng Co.op Food trên đường Trương Công Định để về chế biến bữa cơm tối cho gia đình. Bà Mai chia sẻ: “Mua hàng ở đây rất tiện vì ban đêm mình vẫn có thể lựa chọn các mặt hàng thực phẩm tươi sống, bảo đảm chất lượng. Giá cả so với ở ngoài cũng không chênh lệch bao nhiêu, nhất là những đợt cửa hàng có chương trình khuyến mại thì nhiều mặt hàng có giá bán còn rẻ hơn ngoài chợ”.

Theo khảo sát của phóng viên, các cửa hàng tiện lợi bày bán khá phong phú nhiều mặt hàng từ nhóm hàng thực phẩm ăn liền, thực phẩm tươi sống đến hóa, mỹ phẩm… cách phục vụ của nhân viên nơi đây văn minh, lịch sự. Ưu điểm của cửa hàng tiện lợi là kiểm soát đầu vào hàng hóa chặt chẽ, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay khi người tiêu dùng ý thức hơn về việc sử dụng sản phẩm sạch. Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi còn khắc phục được một số nhược điểm từ các siêu thị lớn như mất nhiều thời gian gửi xe, chờ đợi thanh toán. Nhiều cửa hàng cũng thực hiện các chương trình tư vấn, tích điểm dựa trên hóa đơn để giữ khách hàng.

Không chỉ tại TP. Sóc Trăng, hiện nay nhiều cửa hàng tiện lợi đã được mở rộng mạng lưới ra vùng sâu, vùng xa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong số 72 cửa hàng tiện lợi hiện nay đã có đến 30 cửa hàng Bách Hóa Xanh được mở tại các huyện, thị xã, thành phố. Theo đánh giá của Sở Công thương, từ khi phát triển các cửa hàng tiện lợi, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn trong mua sắm, một số đơn vị cũng tham gia vào chương trình bình ổn thị trường. Sự phát triển của loại hình kinh doanh này còn hướng người tiêu dùng đến sử dụng hàng Việt chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh. Báo cáo của Sở Công thương cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 của tỉnh là 10,94%/năm.

Cần đẩy mạnh liên kết tiêu thụ

Dự kiến trong thời gian tới, các cửa hàng tiện lợi có thể tăng thêm do nhà bán lẻ đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động ở những địa phương có tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn hàng được bày bán hiện nay của các cửa hàng như: chuỗi Bách Hóa Xanh hay Co.op Food (trực thuộc Co.opmart Sóc Trăng) phần lớn được cung ứng từ các nhà cung cấp ngoài tỉnh, chỉ có số lượng khá ít là nhà cung cấp trong tỉnh.

Theo chị La Ngọc Trương - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng, hiện nay siêu thị đã liên kết với khoảng 10 nhà cung cấp của tỉnh để bán các mặt hàng, như: sữa tươi Ba Xuyên, nấm bào ngư của Công ty TNHH MTV Thiên Vạn Tường, trà mãng cầu Cẩm Thiều, tỏi Vĩnh Châu… một số mặt hàng này cũng được điều tiết qua cửa hàng Co.op Food để bày bán. Do tiêu chuẩn hàng hóa đầu vào phải qua hệ thống kiểm tra chất lượng rất nghiêm túc, nếu nhà cung cấp không thực hiện đúng các yêu cầu theo quy định bắt buộc thì không đưa hàng vào siêu thị được.

Đối với Bách Hóa Xanh, chuỗi cửa hàng bán lẻ này cũng đòi hỏi nguồn hàng cung ứng phải đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của đơn vị. Anh Bùi Minh Tuấn - Quản lý Bách Hóa Xanh khu vực Sóc Trăng chia sẻ: “Hiện nay, các mặt hàng được bán tại Sóc Trăng đa số được lấy từ vùng khác. Chúng tôi cũng đang tìm nguồn cung ứng thủy sản tại Sóc Trăng và đã có đối tác đang chào hàng nhưng còn phải kiểm tra cẩn thận chất lượng để đảm bảo theo yêu cầu”.

Để góp phần giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa hàng vào siêu thị, thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh với các nhà phân phối, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đồng chí Hứa Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan để làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà phân phối. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu, chưa đáp ứng đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị. Để góp phần khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp, Sở Công thương sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ công nghệ sản xuất, kết nối tiêu thụ và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động. Nếu được đẩy mạnh liên kết tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh với các siêu thị, nhà bán lẻ hơn nữa thì sẽ góp phần tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt, thúc đẩy kinh tế - xã hội nói chung và thị trường bán lẻ của tỉnh nói riêng ngày càng phát triển.

HẢI HÀ

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/no-ro-cac-cua-hang-tien-loi-45787.html