Trung Quốc lại áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời với rượu mạnh của EU
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm qua (11/11) cho biết, sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số loại rượu mạnh nhập khẩu có nguồn gốc từ Liên minh châu Âu (EU) từ 15/11.
Đây là lần thứ hai trong hơn 1 tháng, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU. Theo thông báo bổ sung ngày 11/11 của Bộ Thương mại nước này, từ ngày 15/11, Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời dưới hình thức yêu cầu các nhà xuất khẩu rượu mạnh của EU đặt cọc tiền mặt hoặc cung cấp thư bảo lãnh.
Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, sau cuộc điều tra sơ bộ, giới chức nước này đã phát hiện rượu mạnh nhập khẩu từ EU có liên quan đến việc bán phá giá và ngành sản xuất rượu mạnh trong nước đang bị đe dọa chịu các thiệt hại thực chất.
Thông báo nêu chi tiết các công ty mà nhà nhập khẩu sản phẩm phải nộp tiền đặt cọc hoặc thư bảo lãnh, với biên độ phá giá dao động từ 30,6% đến 39%.
Trước đó, hôm 8/10, Trung Quốc cũng từng ra một thông báo tương tự. Theo đó, từ ngày 11/10, nước này chính thức áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU. Các nhà nhập khẩu rượu mạnh có nguồn gốc từ EU sẽ phải đặt cọc, chủ yếu từ 34,8% đến 39,0% giá trị nhập khẩu.
So với thông báo ngày 8/10, thông báo mới nhất của Bộ Thương mại Trung Quốc đã liệt kê phạm vi cụ thể của các sản phẩm bị điều tra - rượu mạnh làm từ rượu chưng cất có nguồn gốc từ EU và được nhập khẩu vào thùng dưới 200 lít. Ngoài ra, tiền đặt cọc được thu theo giá trị đã nộp thuế được cơ quan hải quan phê duyệt. Tuy nhiên, thông báo mới không cho biết khi nào các biện pháp tạm thời mới nhất hết hiệu lực.
Các biện pháp này được cho là một trong những động thái “trả đũa” của Trung Quốc trước việc EU tiến hành điều tra trợ cấp và tuyên bố áp mức thuế cao lên tới 45% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.