Nỗ lực 'trồng người' nơi hải đảo
Gần 25 năm hình thành và phát triển, Trường Trung học phổ thông (THPT) Ngô Quyền ở Đặc khu Phú Quý đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thi đua 'Dạy tốt, học tốt', nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần quan trọng trong sự nghiệp trồng người.

Trường THPT Ngô Quyền đi đầu trong chuyển đổi số.
Đổi mới phương pháp dạy và học
Thầy Nguyễn Hải Thọ - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, cho biết: “Trường được thành lập từ ngày 8/9/2000, trong gần 25 năm qua, dù còn có những khó khăn, thiếu thốn nhưng với quyết tâm cao, đội ngũ thầy và trò Trường THPT Ngô Quyền đã kiên trì bền bỉ, tìm tòi sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường”. Trong đó, nhà trường đã quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học bằng cách tập trung nền nếp dạy học, chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn trong việc quản lý học tập và nền nếp của học sinh...
Với nhiều đổi mới trong dạy và học, chất lượng giáo dục toàn diện của trường được nâng lên rõ rệt. Tuy là đơn vị đóng chân trên địa bàn hải đảo, có chất lượng tuyển sinh đầu vào hàng năm thấp nhất tỉnh, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT từ 2020 đến năm 2024 luôn ở mức bằng hoặc cao hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh (đạt 98,27%).
Đi đầu chuyển đổi số
Bên cạnh đó, Trường THPT Ngô Quyền đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ, giáo viên trong việc soạn bài và giảng dạy bằng giáo án điện tử. Thực hiện “3 công khai” để người học và xã hội giám sát, đánh giá: Công khai cam kết và kết quả chất lượng đào tạo; công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; công khai thu chi tài chính. Đặc biệt, từ năm học 2018-2019, nhà trường đã đi đầu trong nỗ lực chuyển đổi số trong dạy học và quản lý.
Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhân lực liên tục được chú trọng. “Hiện nay, tất cả các phòng học của trường đều được trang bị phương tiện dạy học hiện đại. Nhà trường tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ quản lý nhà trường trên các ứng dụng của Microsoft Office 365, đồng thời thực hiện học bạ, sổ điểm điện tử trên vnEdu. Đề tài chuyển đổi số của nhà trường đã được Hội đồng Khoa học, Sáng kiến tỉnh công nhận có phạm vi ảnh hưởng toàn tỉnh. Hiện nhà trường đã có 2 cán bộ quản lý và giáo viên được Microsoft công nhận là Chuyên gia giáo dục sáng tạo (MIEE)”, thầy Thọ cho biết thêm.
Song song đó, nhà trường đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ một phần kinh phí trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh; vận động các tổ chức xã hội hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo có thành tích cao trong học tập...
Với những nỗ lực trong thời gian qua, Trường THPT Ngô Quyền được công nhận là tập thể lao động tiên tiến nhiều năm liền, 5 năm liên tục (từ năm học 2019 - 2020 đến năm học 2023 - 2024 nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận (cũ) khen thưởng Trường THPT Ngô Quyền là đơn vị điển hình tiên tiến cấp cơ sở giai đoạn 2020-2025…
Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, Trường THPT Ngô Quyền đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề năm gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động ‘‘Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cùng với đó, chú trọng giáo dục thể chất, rèn luyện thân thể cho học sinh thông qua chương trình bộ môn thể dục và các hoạt động thể dục, thể thao góp phần phát triển toàn diện học sinh. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông…
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/no-luc-trong-nguoi-noi-hai-dao-381787.html