Nỗ lực thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành

Hưởng ứng phong trào 'Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm' do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động, thời gian qua, nhiều trường ở quận Đống Đa đã hỗ trợ để lấp đầy những 'khoảng trống' điều kiện dạy học và chuyên môn với nhiều trường ở huyện Sóc Sơn.

Điều này tạo sự gắn kết, trách nhiệm giữa những trường ở nơi thuận lợi với trường ở địa bàn khó khăn để từ đó rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng giáo dục và đem lại sự phát triển tốt nhất cho học sinh…

Các giáo viên của quận Đống Đa và huyện Sóc Sơn chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học.

Nâng cao hơn chất lượng dạy và học

Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025 được Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai từ tháng 12/2022 trong toàn ngành. Phong trào nhằm vận động các nhà trường, nhà giáo ở nơi thuận lợi hỗ trợ các trường, nhà giáo và học sinh ở địa bàn còn khó khăn để qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học.

Hưởng ứng phong trào trên, Phòng GD&ĐT và nhiều trường học trên địa bàn quận Đống Đa đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch kết nối với huyện Sóc Sơn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Bởi thực tế cho thấy, không phải cứ trường học ở khu vực quận tỏng TP - nơi có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi thì không có khó khăn, điểm yếu và ngược lại nhiều trường ở địa bàn khó khăn lại có những sáng kiến, mô hình hay có thể nhân rộng.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Đống Đa cho biết, quận luôn ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học. Để phát huy hiệu quả đầu tư, rất cần sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết của đội ngũ nhà giáo trong việc tăng cường trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp. Với phong trào do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động, các trường học quận Đống Đa mong muốn học hỏi thêm nhiều mô hình hay của giáo dục huyện Sóc Sơn. Đồng thời mong muốn lĩnh vực giáo dục sẽ là “đại sứ, cầu nối” mở ra mối quan hệ hợp tác ở nhiều nội dung khác giữa hai đơn vị.

Theo đó, với phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển”, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa yêu cầu các đơn vị, trường học tổ chức triển khai huy động các nguồn lực của nhà trường và xã hội tham gia, hỗ đơn vị trường học trên địa bàn quận và huyện Sóc Sơn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tổ chức các chuyên đề xây dựng trường học “xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện”. Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng giáo dục trẻ mầm non, các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường tiểu học, THCS, Trung tâm GDNN-GDTX. Thành lập tổ công tác xây dựng thực hiện kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho các đơn vị nhà trường gặp khó khăn về đội ngũ và chất lượng chuyên môn.

Còn đối với phong trào “Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, huy động cán bộ quản lý, giáo viên và các thành phần xã hội chung tay hỗ trợ, giúp đỡ học sinh có khó khăn về điều kiện vật chất, đem đến cho các em học sinh niềm vui đến trường; không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau. Phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, vận động cán bộ, giáo viên tổ chức các lớp phụ đạo giúp đỡ học sinh yếu, kém, có khó khăn trong học tập.

Các buổi trao đổi, chia sẻ thu hút rất đông sự tham gia người làm quản lý giáo dục cũng như các thầy cô giáo của quận Đống Đa và huyện Sóc Sơn.

Tăng cường các hoạt động trao đổi quản lý, chuyên môn

Thời gian qua, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng chuyên môn dạy và học trong nhà trường. Tổ chức triển khai thực hiện một số chuyên đề nâng cao chất lượng chuyên môn theo từng cấp học.

Điển hình, sáng 4/5, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa và huyện Sóc Sơn đã tổ chức hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao chất lượng, nhất là việc ôn tập thi vào lớp 10 THPT. Buổi trao thu hút rất nhiều lãnh đạo, chuyên viên hai phòng GD&ĐT quận Đống Đa và huyện Sóc Sơn cũng như cán bộ quản lý, giáo viên đại diện các trường THCS Bế Văn Đàn, Đống Đa, Thái Thịnh và hàng trăm thầy cô giáo của 27 trường của huyện Sóc Sơn tham dự. Buổi trao đổi đã tổ chức 3 chuyên đề tương ứng với 3 bộ môn học sinh sẽ dự thi vào lớp 10 THPT đó là Ngữ Văn, Tiếng Anh và Toán.

Là người trực tiếp tham gia vào các hoạt động này, Hiệu trưởng trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) Đào Thị Hồng Hạnh cho biết, chương trình chia sẻ kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 THPT do quận Đống Đa thực hiện tại huyện Sóc Sơn là một chương trình thật sự hiệu quả, mang tính thời sự. Theo đó, các thầy cô giáo của quận Đống Đa đã chia sẻ kinh nghiệm ôn thi và các thầy cô giáo huyện Sóc Sơn chia sẻ những khó khăn thường gặp. Chương trình là một hình thức sinh hoạt chuyên môn sâu, giúp các nhà trường gắn kết, rút ngắn khoảng cách giữa quận và huyện.

Trong thời gian tới, các nhà trường sẽ chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh về giảng dạy các môn học trong chương trình phổ thông 2018. Đặc biệt, trong chương trình giáo dục địa phương, học sinh huyện Sóc Sơn có thể tìm hiểu về Gò Đống Đa, Văn Miếu Quốc Tử Giám còn học sinh quận Đống Đa tham quan trải nghiệm di tích đền Gióng…

Hiệu trưởng Trường THCS Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) Hồ Thị Xuân Hương chia sẻ, chương trình hợp tác chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà trường là một hoạt động ý nghĩa. Qua buổi giao lưu, chia sẻ sẽ phát huy được tinh thần trách nhiệm sáng tạo của giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học của các trường nói chung trên toàn huyện. Buổi thảo luận giúp tìm ra những giải pháp phát huy hiệu quả giúp học sinh có kết quả tốt hơn trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Đặc biệt buổi trao đổi chuyên môn tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa hai nhà trường, hai phòng giáo dục, các thầy cô có dịp làm quen trao đổi những khó khăn, học hỏi, sẻ chia kinh nghiệm về chuyên môn, cách quản lý giảng dạy trong nhà trường.

Nguyên Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/no-luc-thu-hep-khoang-cach-chat-luong-giao-duc-giua-noi-va-ngoai-thanh.html