Nỗ lực ngăn chặn xung đột leo thang tại Trung Đông
Ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhấn mạnh về các nỗ lực giảm leo thang căng thẳng trong khu vực, nhất là sau khi thủ lĩnh cấp cao phong trào Hamas bị ám sát tại Iran.
Tổng thống Biden cũng tái khẳng định cam kết của Washington bảo vệ an ninh của Israel, đề cập việc hỗ trợ Tel Aviv phòng thủ trước các mối đe dọa, như tên lửa đạn đạo, thiết bị bay không người lái...
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ điện đàm với người đồng cấp Saudi Arabia, thảo luận về tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Hai nhà ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và ngăn chặn xung đột lan rộng.
Căng thẳng chưa hạ nhiệt
Phong trào Hezbollah ở Liban thông báo đã nã loạt tên lửa vào miền bắc Israel ngày 1/8, đáp trả cuộc tấn công của Israel vào miền nam Liban. Lực lượng không quân Israel mau chóng đáp trả, tấn công bệ phóng tên lửa của Hezbollah. Trước đó, Bộ Y tế Liban cho biết, 4 người Syria thiệt mạng và 5 công dân Liban bị thương trong cuộc tấn công của Israel vào làng Shama ở phía nam Liban.
Thủ lĩnh Hezbollah tuyên bố lực lượng này sẽ đáp trả sau vụ chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của Hezbollah thiệt mạng, cho rằng vụ việc này cùng vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas đã khiến tình hình vượt “lằn ranh đỏ”. Trước đó, quân đội Israel cũng xác nhận chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của Hezbollah đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel nhằm vào ngoại ô thủ đô Beirut của Liban.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Israel đã chuẩn bị cho mọi kịch bản để đáp trả mạnh mẽ bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào nước này. Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ, Tel Aviv đang trong tình trạng cảnh giác cao, trong bối cảnh Iran và các lực lượng ở Liban, Iraq và Yemen có thể đáp trả sau vụ thủ lĩnh Hamas thiệt mạng tại Iran.
Giới chức Anh bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang giữa Israel và phong trào Hezbollah. Trong chuyến thăm Liban và thảo luận với đại diện nước chủ nhà, phái đoàn Anh, gồm Bộ trưởng Ngoại giao David Lammy và Bộ trưởng Quốc phòng John Healey, nhấn mạnh bất kỳ tính toán sai lầm nào đều có thể khiến xung đột lan rộng. Phía Liban tuyên bố sẵn sàng tự vệ dù không muốn xung đột xảy ra.
Do căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah, một số hãng hàng không quốc tế thông báo hủy các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Beirut của Liban. Hãng hàng không Kuwait Airways thông báo ngừng các chuyến bay đến Beirut từ ngày 4/8. Hãng hàng không quốc gia Air Algerie của Algeria cũng thông báo quyết định tạm thời hủy các chuyến bay đến Liban.
Cảnh báo về “tình trạng kiệt quệ” của dân thường
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Gaza và Bờ Tây, đồng thời nhấn mạnh về tình trạng kiệt quệ của người dân tại các vùng lãnh thổ Palestine. Theo OCHA, tình trạng xung đột, lệnh sơ tán liên tục, trở ngại trong tiếp cận viện trợ và nhiều thách thức khác đã ngăn cản nỗ lực cứu trợ cho người dân Gaza. Các đối tác nhân đạo của Liên hợp quốc cũng nêu bật lo ngại về nguồn nước sinh hoạt và hệ thống vệ sinh.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và nhiều tổ chức khác cho biết không thể chuyển đủ lương thực viện trợ Gaza, do thiếu cửa khẩu hoạt động, khó xin giấy phép di chuyển trong Gaza và tình trạng không an toàn, mất trật tự công cộng. Trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và nguồn dự trữ hạn chế, WFP phải giảm viện trợ cho mỗi gia đình xuống mức thấp nhất.
Trong khi đó, Cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) đã khởi động chương trình đưa trẻ em tại Gaza quay lại trường học. Người đứng đầu UNRWA nhấn mạnh, đây là bước đầu trên chặng đường dài, trong đó tập trung trước mắt vào các hoạt động nhằm giúp trẻ em có nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh xung đột vẫn diễn ra.