Nỗ lực di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư
Bài 1: Còn nhiều khó khăn
LCĐT - Từ ngày 1/1/2020, Luật Chăn nuôi 2018 chính thức có hiệu lực. Một trong những điều luật được người chăn nuôi quan tâm chính là nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư. Đã qua 2 tháng Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực, tỉnh đang tích cực, gấp rút triển khai việc chấm dứt hoạt động, di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không đủ điều kiện ra khỏi các khu dân cư không được phép chăn nuôi.
Gia đình ông Phạm Tuấn Trường ở tổ 15, phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) có thu nhập chính từ nuôi lợn và nấu rượu. Ngôi nhà của ông nằm ngay mặt đường lớn nhưng phần đất phía sau nhà còn khá rộng nên được tận dụng để xây chuồng nuôi lợn. Mỗi năm, gia đình ông nuôi 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa hơn 20 con. Mặc dù gia đình đã đầu tư công trình biogas để chứa chất thải và thường xuyên vệ sinh chuồng nhưng vẫn không tránh khỏi những ý kiến của các hộ xung quanh về mùi hôi do chăn nuôi lợn gây ra. Cùng với đó, việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019 vừa qua, gia đình ông bị thiệt hại nặng, phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn do nhiễm bệnh.
Ông Trường cho biết: Sau đợt tiêu hủy, tôi định nuôi lợn trở lại nhưng có quy định không được nuôi lợn ở đây nữa. Có lẽ gia đình tôi sẽ chuyển sang trồng rau và trồng nấm. Luật đã ban hành thì bắt buộc phải tuân thủ, nhưng để chuyển đổi ngay rất khó khăn. Tôi cần có thời gian để tham gia tập huấn, học nghề trước khi đầu tư chuyển đổi nên vẫn muốn tái đàn.
Cốc Lếu là phường trung tâm thành phố Lào Cai, tập trung đông dân cư sinh sống và làm việc. Tuy vậy, từ nhiều năm nay, trên địa bàn phường có 3 hộ chăn nuôi với số lượng tương đối lớn đã làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và cuộc sống của nhiều hộ xung quanh. Tại nhiều buổi đối thoại, vấn đề này luôn được người dân ở đây nêu lên với nhiều ý kiến bức xúc, đề nghị phường giải quyết dứt điểm.
Ông Đặng Thanh Hương, Chủ tịch UBND phường Cốc Lếu cho biết: trước đây, việc buộc những hộ có kinh tế phụ thuộc vào chăn nuôi lợn phải dừng chăn nuôi hoặc chuyển đi nơi khác rất khó. Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực, trong đó nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư đã tạo cơ sở pháp lý để địa phương thực hiện, tuyên truyền cho người dân. Luật ban hành nên các hộ chăn nuôi đã nghiêm túc thực hiện, giải quyết được những bức xúc kéo dài trong khu dân cư suốt thời gian qua. Đến nay, phường Cốc Lếu cơ bản không còn hộ chăn nuôi trong khu vực dân cư.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai, thành phố có 143 hộ chăn nuôi tại 12 phường, xã có khu vực không được phép chăn nuôi trong khu dân cư. Theo ông Đoàn Đức Luyện, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố, ngoài việc tăng cường tuyên truyền đến các hộ, Phòng Kinh tế đang tham mưu với UBND thành phố, các cấp, các ngành hỗ trợ người chăn nuôi bị ảnh hưởng, đặc biệt là hỗ trợ việc chuyển đổi sang các ngành nghề khác.
Tại các huyện, thị xã vùng cao, người dân nông thôn cơ bản được phép đầu tư chăn nuôi nên ít chịu ảnh hưởng từ Luật Chăn nuôi. Tuy nhiên, tại một số khu dân cư đông đúc, trung tâm các thị trấn, nhiều hộ chăn nuôi cũng nằm trong diện phải di dời sang khu vực khác. Việc thực hiện luật này cũng không mấy dễ dàng vì nhiều hộ vùng cao dù sống ở các thị trấn nhưng vẫn thuần nông. Theo ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, người dân nông thôn, đặc biệt là các huyện vùng cao có kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Việc di dời khiến họ phải bố trí được quỹ đất hợp lý nên gần như khó thực hiện. Hầu hết các hộ dân trong diện phải di dời sẽ lựa chọn phương án dừng chăn nuôi để chuyển đổi ngành nghề, nhưng chuyển đổi ngành nghề cần rất nhiều thời gian do thói quen, tập quán sản xuất. Vì vậy, để thực hiện tốt Luật Chăn nuôi cần có lộ trình dài và có phương án, cơ chế phù hợp với đặc thù địa phương.
Khoảng 80% dân số của tỉnh có kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, trong đó chăn nuôi giữ vai trò quan trọng. Dù nhiều hộ sống trong các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư đông đúc nhưng vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp, họ là những nông dân đích thực chưa thể chuyển thành “thị dân”. Tuy ngày 1/1/2020, Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực, song vẫn chưa thể thực thi ngay vì cần các cơ quan chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn. Với lộ trình di dời là 5 năm, các hộ chăn nuôi sẽ có thời gian để nuôi, bán hết vòng đời của vật nuôi, sau đó sẽ chuyển đổi ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển đô thị văn minh, hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường.