Nỗ lực dập dịch châu chấu tre hại cây trồng

Tỉnh Cao Bằng đã công bố dịch châu chấu tre gây hại trên trên cây rừng và cây trồng nông nghiệp ở huyện Nguyên Bình, Hòa An, Thạch An từ ngày 7/6. Đến nay, diện tích bị nhiễm là trên 856 ha, tăng 339 ha từ khi công bố dịch. Ngành chức năng và nông dân các địa phương đang tăng cường các giải pháp dập dịch châu chấu gây hại.

Châu chấu tre lưng vàng hoành hành ở Cao Bằng. Ảnh: TTXVN phát

Châu chấu tre lưng vàng hoành hành ở Cao Bằng. Ảnh: TTXVN phát

Châu chấu bước vào thời kì phá hoại mạnh hơn

Sau công bố dịch, đến nay châu chấu đang bước vào giai đoạn tuổi 4 - 5 có cánh khả năng di chuyển nhanh, sức phá hoại mạnh hơn. Trong trường hợp các địa phương không tổ chức phun trừ thì châu chấu di chuyển vào gây hại cây rừng, do đây là nơi trú ẩn và nơi để châu chấu đẻ trứng.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Thuấn, hiện nay tình hình châu chấu tre vẫn tiếp tục gây hại trên trên cây rừng và cây trồng nông nghiệp. Cụ thể, châu chấu gây hại trên cây ngô với mật độ phổ biến 2 - 4 con/m2, nơi cao 15 - 20 con/m2; trên cỏ dại mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, nơi cao 300 - 400 con/m2; trên rừng vầu mật độ phổ biến 800 - 1.500 con/m2, nơi cao 2.500 - 3.500 con/m2, cục bộ 6.000 - 8.000 con/m2.

Bà Đoàn Thị Thuấn nhấn mạnh, chính quyền địa phương có ổ dịch đã tăng cường tổ chức phun diệt trừ những diện tích bị nhiễm châu chấu gây hại. Tuy nhiên, những đợt mưa lớn cùng với việc châu chấu tre đang thời kì di chuyển nhanh, dẫn đến khi phun, thuốc ít hiệu quả hơn so với thời kì đầu. Nhiều diện tích trồng vầu có địa hình đi lại khó khăn nên các địa phương chưa tổ chức phun diệt trừ được, dẫn tới nhiều diện tích vầu tiếp tục nhiễm chấu chấu gây hại…

Do ảnh hưởng từ dịch châu chấu, sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ gia đình tại các địa phương công bố dịch đã bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, các hộ nông dân cũng đã tự chủ động phun trừ bằng máy phun gia đình.

Chị Lý Thị Mùi, xóm Xè Pàng (xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình) cho biết, nhà chị bị châu chấu gây hại gần 1 ha ngô. Giai đoạn châu chấu đang nở và bắt đầu di chuyển vào tấn công cây ngô với mật độ rất dày, có thời điểm trên 1 cây ngô có hàng trăm con châu chấu. Gia đình đã mua thuốc bảo thực thực vật về tự phun. Qua theo dõi, khi phun một số con bị chết, còn lại thì bay đi. Sau một thời gian khi dư lượng thuốc ít hơn, châu chấu lại tiếp tục trở lại trên cây ngô để ăn lá. Châu chấu gây hại đúng thời điểm cây ngô đang thụ phấn nên dự kiến năng suất vụ ngô này của gia đình chị Mùi sẽ bị giảm một nửa so với năm 2023.

Chị Mùi băn khoăn lo lắng khi dịch châu chấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của gia đình. Châu chấu không chỉ gây hại cây trồng mà còn bay vào nhà, khiến gia đình chị phải thường xuyên đóng cửa, bịt kín các lỗ trống để châu chấu không bay vào nhà. Bên cạnh đó, việc thường xuyên phun, khiến lượng lớn châu chấu bị ngấm thuốc chết, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn nước của người dân trong xóm…

Tương tự như gia đình chị Mùi, nhiều gia đình ở xóm Bốc Thượng (xã Bạch Đằng, huyện Hòa An) cũng đang lo lắng và nỗ lực dập dịch châu chấu tre bằng việc chủ động đi mua thuốc về phun. Ban đầu châu chấu tre ăn lá cây rừng, cây tre, vầu. Sau đó, châu chấu bay theo từng đàn di chuyển xuống ăn lá ngô, lá chuối với số lượng và mật độ dày đặc, sức tàn phá lớn, khó kiểm soát. Người dân đang lo lắng khi các ruộng mạ phục vụ cho sản xuất vụ Mùa năm 2024 đang có nguy cơ bị châu chấu tre lưng vàng xâm hại. Hiện nay, cùng với sử dụng các loại thuốc được Nhà nước hỗ trợ, người dân cũng chủ động mua thêm thuốc để diệt trừ châu chấu…

Nỗ lực dập dịch

Châu chấu bám dày đặc trên cây trồng. Ảnh: TTXVN phát

Châu chấu bám dày đặc trên cây trồng. Ảnh: TTXVN phát

Trước việc châu chấu đang di chuyển nhanh, các địa phương có dịch đã huy động lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với người dân thành lập tổ phun trừ; sử dụng máy phun dạng khói để phun.

Bà Lô Thị Hồng Mẫn, cán bộ địa chính xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình cho biết, hiện nay diện tích rừng tự nhiên của xã rất lớn, trong khi đó các nương, rãy trồng ngô lại nằm rừng. Vì vậy khi phun trừ mặc dù tỷ lệ chết khá cao nhưng sau đó châu chấu ở trong các rừng tự nhiên lại bay vào ăn lá cây ngô và các hoa màu khác. Người dân xã Thịnh Vượng đã chủ động phun thuốc nhiều lần nhưng khả năng tái nhiễm vẫn rất cao…

Cùng với xã Thịnh Vượng, các huyện có ổ dịch đã chỉ đạo các địa phương huy động các máy phun sẵn có của nhân dân và máy phun động cơ dạng khói của các huyện vừa trang bị để tổ chức phun đồng loạt. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương về tình hình châu chấu tre và các biện pháp phòng trừ; vận động và khuyến khích chủ rừng, người dân chủ động tham gia phun thuốc diệt trừ châu chấu tre đúng thời điểm, thời gian và yêu cầu kỹ thuật theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, đảm bảo hiệu quả phòng trừ cao nhất…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Thuấn cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục cử cán bộ hỗ trợ các địa phương có ổ dịch châu chấu thực hiện các biện pháp chống dịch. Đồng thời điều phối máy phun động cơ và máy phun động cơ dạng khói cho các huyện có ổ dịch…

Chu Hiệu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/no-luc-dap-dich-chau-chau-tre-hai-cay-trong-20240619150357198.htm