Niềm vui của những người thầm lặng sản xuất lúa ST
Trong tiết trời se lạnh của những ngày chớm xuân, dưới ánh nắng ban mai của buổi sớm rực rỡ cờ hoa trên quê hương tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên, tạo nên khung cảnh làng quê đẹp đến lạ thường. Từng khóm lúa đang giai đoạn đòng trổ xanh mượt, bông lúa thẳng đứng, đều hàng, trên con đường có nhiều ngôi nhà khang trang nằm san sát nhau. Người dân nơi đây có cuộc sống rất sung túc, ấm no thông qua việc sản xuất con tôm, cây lúa.
Nông dân phấn khởi với giống lúa ST
Nhóm lúa ST do Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cùng nhóm nghiên cứu lai tạo thành công và đưa đến để bà con nông dân sản xuất. Đây là một niềm vui lớn của hầu hết nông dân gắn bó bao đời cùng cây lúa, bà con cho rằng giống lúa thích hợp nhiều vùng đất, hạn chế sâu hại tấn công, các loại dịch bệnh… nên việc canh tác gặp rất nhiều thuận lợi, giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất, năng suất cao, giá thành tốt, lợi nhuận ổn định, bền vững thông qua việc được doanh nghiệp liên kết, bao tiêu lúa đầu ra sau thu hoạch.
Trong những ngày này, tuyến đường nông thôn mới đầy hoa trải dài với đủ màu sắc và hai bên đường là những ruộng lúa bạt ngàn được canh tác trên nền tôm, lúa đều ở giai đoạn trổ đòng đòng rất đẹp mắt. Dừng xe bên đường để hỏi một nông dân về giống lúa đang sản xuất và không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi - đó là giống lúa ST24 đạt top 3 “Gạo ngon nhất thế giới năm 2017”. Đưa tay vuốt nhẹ từng bông lúa ST24 đang trổ, ông Huỳnh Công Danh, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên) bộc bạch: “Tôi gắn bó cùng cây lúa ST24 tính đến nay đã 4 năm. So với các giống tôi đã từng làm trước đây, lúa ST24 chưa bao giờ bị dịch hại tấn công, năng suất cao, đặc biệt là sau khi thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, giá bán cao gần gấp đôi so với các giống lúa khác. Tôi tâm đắc nhất là việc trồng lúa ST24 rất thích hợp tại vùng đất nuôi 1 vụ tôm, trồng 1 vụ lúa. Làm lúa ST24 không cần phải sử dụng các loại thuốc phòng trị, kể cả các loại thuốc vi sinh. Chủ yếu lúa làm theo cách “xa xưa” hoàn toàn dựa vào tự nhiên, chỉ việc cấy lúa, chăm sóc cung cấp đủ lượng nước, bổ sung cho lúa một số loại phân bón hữu cơ cần thiết theo giai đoạn phát triển theo hướng dẫn của doanh nghiệp cho đến thu hoạch nên nông dân nhàn nhã, lúa thu hoạch đảm bảo chất lượng gạo sạch cho người sử dụng…”.
Cách ruộng lúa của ông Danh không xa là ruộng lúa của ông Quách Phi Hổ cùng ấp Thạnh Hòa. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hổ tâm tình: “Nghe tin gạo ST24, ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, tôi rất tự hào cho người dân Sóc Trăng quê mình. Tác giả Hồ Quang Cua - người đã lai tạo ra giống lúa có tính tình cởi mở, rất gần gũi, thân thiện với người nông dân chúng tôi. Chính ông đã tận tình hướng dẫn bà con nơi đây áp dụng quy trình sản xuất lúa trên nền tôm theo hướng hữu cơ, nông dân làm theo đạt kết quả rất tốt. Tôi có hơn 2ha sản xuất lúa ST24, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, với giá bán tốt, lợi nhuận thu về từ 25 - 30 triệu đồng/vụ/ha. Nhờ làm lúa ST24 giá tốt, nông dân có thu nhập ổn định. Sản xuất giống lúa này, nông dân được doanh nghiệp đến tận ruộng thuê nhân công cấy lúa, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc và tới vụ thu hoạch, bà con lãi to...”.
Cuộc sống sung túc hơn nhờ gạo “sạch”
Cũng theo ông Huỳnh Công Danh, niềm vui của nông dân là đã góp phần tạo nên những hạt lúa “sạch” cung ứng cho doanh nghiệp bán buôn trên thị trường để người tiêu dùng thưởng thức đúng chất lượng gạo ST24, vừa an toàn sức khỏe người tiêu dùng, vừa góp phần giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống… Còn theo chia sẻ của ông Quách Phi Hổ, chính nhờ sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ, ông nuôi thêm tôm càng xanh, tôm sú trong ruộng lúa. Theo đó, tôm nuôi không cần phải cho ăn thức ăn, chúng tự kiếm thức ăn là các loại rong rêu. Như vậy, thu hoạch lúa kết hợp thu hoạch tôm, mỗi vụ bỏ túi gần cả trăm triệu đồng… “Mong muốn của tôi là tiếp tục duy trì làm với giống lúa ST24 cũng như được doanh nghiệp triển khai sản xuất lúa ST25 và tiếp tục bao tiêu đầu ra, để việc sản xuất lúa bền vững, đảm bảo nông dân canh tác lúa có cuộc sống ấm no, sung túc” - ông Quách Phi Hổ thổ lộ.
Chia tay huyện Mỹ Xuyên, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến TX. Ngã Năm - đây cũng là địa phương có diện tích sản xuất các giống lúa ST lớn, lên đến hàng trăm hécta/vụ. Ghé thăm ruộng lúa của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hòa Phát, xã Long Bình, được Giám đốc HTX Huỳnh Thanh Phong thông tin: “Hơn 3 năm qua, HTX liên kết cùng DNTN Hồ Quang sản xuất giống lúa ST24 cho doanh nghiệp và giá bao tiêu đầu ra rất tốt nên các thành viên HTX rất phấn khởi. Do đó, khi hạt gạo ST24 đạt giải gạo ngon thế giới, HTX vui mừng bởi đã góp chút ít công sức vào sự thành công chung trong việc nhân rộng giống lúa đến người dân sản xuất, tăng thu nhập cho hàng ngàn nông dân khi tham gia sản xuất với các giống lúa ST…”.
Theo TS. Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhóm giống lúa ST ra đời từ những năm 2001 do Anh hùng lao động Hồ Quang Cua và cộng sự sưu tập, lai tạo. Đến năm 2003, giống lúa ST3 được công nhận là giống lúa cấp quốc gia và giống lúa ST vẫn tiếp tục được lai tạo cho đến ngày hôm nay đã là ST25. Như chúng ta đã biết, giống lúa ST24, ST25 đã đạt giải cao tại các cuộc thi gạo ngon nhất thế giới được tổ chức tại Macau năm 2017, Philippines năm 2019 và mới đây nhất (năm 2020) gạo ST25 đạt giải cao tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới được tổ chức tại Mỹ. Điều đó khẳng định rằng, chất lượng gạo Việt Nam trên thế giới và niềm vui không chỉ riêng của nhóm tác giả đạt giải mà đó còn là niềm vui chung của cả người nông dân tham gia sản xuất lúa, bởi giá trị hạt gạo được nâng lên, nông dân sản xuất ra bán sản phẩm giá tốt hơn, lợi nhuận cao hơn.