Những việc cần làm ngay

Chiều 17-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Như vậy, từ đầu năm 2021 hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Suốt gần 2 năm qua, chính quyền TPHCM đã mạnh dạn đề xuất và kiên trì kiến nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, vì không đảm bảo quy định về an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; núp bóng doanh nghiệp, cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và đối tượng hình sự, băng nhóm tội phạm, tổ chức đi đòi nợ kiểu giang hồ, gây bất an trong khu dân cư, gây phức tạp về an ninh trật tự.

Tuy nhiên, không dễ để kiến nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê được tán thành. Cấm hay không dịch vụ đòi nợ thuê đã là một nội dung có nhiều ý kiến trái chiều trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư (sửa đổi), do có luồng ý kiến e ngại, cho rằng không nên quản lý nhà nước và thực thi pháp luật theo cách hễ không quản được thì cấm.

Trong hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, có những khoản cho vay rồi khó đòi được nợ, vì người thiếu nợ mất khả năng chi trả hoặc không có thiện chí trả. Nếu chỉ trông cậy tòa án sẽ mất rất nhiều thời gian, nếu thắng kiện cũng không dễ thi hành án được.

Trong khi đó, nếu thông qua công ty đòi nợ thuê, tuy vẫn có những rủi ro nhất định và phải trả phí cao, nhưng có thể giúp can thiệp đòi nợ nhanh hơn, hiệu quả hơn, do vậy đây là nhu cầu có thật. Nhưng đó là lý thuyết về sự ra đời và tồn tại dịch vụ đòi nợ thuê, còn thực tế hoạt động của dịch vụ đòi nợ thuê đã biến tướng rất tệ hại. Các tổ chức tín dụng đen dùng hoạt động đòi nợ thuê để bảo kê việc cho vay nặng lãi, đây là kinh doanh bạo lực, dùng bạo lực để đòi nợ, để thu lợi nhuận. Khi người vay không có tiền để trả góp hàng ngày, liền bị đòi nợ kiểu xã hội đen: khủng bố tinh thần, chửi bới, đe dọa, đánh đập, đập phá nhà cửa, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc, siết nhà đất để trừ nợ.

Trong quá trình góp ý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm kinh doanh. Tuy nhiên cũng đã có nhiều ý kiến băn khoăn: Nếu chỉ đơn giản là cấm thì có giải quyết được những tồn tại, bất cập của việc đòi nợ trong thời gian qua? Khi cấm dịch vụ đòi nợ thuê, các chủ nợ có nhu cầu đòi nợ sẽ tìm thuê các băng nhóm xã hội đen hoạt động đòi nợ chui, vậy làm cách gì ngăn chặn phát sinh nhiều hệ lụy hơn? Có giải pháp nào thay thế dịch vụ đòi nợ thuê?... Nay, khi Quốc hội đã quyết nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, cần có những lời giải thuyết phục cho những câu hỏi đó.

Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quy định rõ: Các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành. Từ nay đến lúc đó chỉ còn nửa năm, sẽ có rất nhiều việc phải làm, trước hết là cần hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục những hạn chế của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp về vay nợ và những bất cập trong việc thi hành án dân sự, có chế tài cụ thể, nghiêm minh. Xử lý sai phạm để quản lý chặt chẽ, ngăn chặn việc các công ty đòi nợ thuê chuyển thành các băng nhóm đòi nợ thuê hoạt động chui.

Có ý kiến đề xuất thay thế dịch vụ đòi nợ thuê bằng loại hình thừa phát lại. Là địa phương đã mạnh dạn đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, TPHCM có thể đi đầu trong việc ngăn chặn các tổ chức tín dụng đen dùng bạo lực cho việc đòi nợ vay nặng lãi; đồng thời có mô hình phối hợp giữa các ngành chức năng liên quan cùng đôn đốc giải quyết tranh chấp về vay nợ và thi hành án thanh toán nợ trên địa bàn TPHCM.

Rất cần có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phát triển để thu hẹp thị trường tín dụng phi chính thức là tín dụng đen; rà soát lại các văn bản pháp quy và các quy trình vay tín dụng tiêu dùng, để làm sao tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận được tới nguồn vốn này.

HUỲNH THANH LUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-viec-can-lam-ngay-668095.html