Những triệu phú họ Hồ

Thời gian qua, cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời từ cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và hướng đến làm giàu chính đáng.

Mở đại lý phân bón

Ngôi nhà của anh Hồ Văn Phòn được xây dựng bằng bê tông, cốt thép vững chãi nằm dưới chân đèo Sa Mù, thuộc thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Trước sân nhà, hàng trăm bao phân bón được xếp chồng lên nhau. Cạnh đó, chiếc xe tải nằm ngơi nghỉ sau chuyến vượt đèo chở phân bón cho khách.

Anh Hồ Văn Phòn mở đại lý phân bón, giúp người dân trong vùng tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại - Ảnh: T.T

Anh Phòn đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt và nụ cười hồn hậu. Rót ly nước chè mời khách, anh Phòn kể: “Năm 2004, tôi lấy vợ rồi ra ở riêng, chưa có vốn liếng nên ai thuê gì làm nấy. Chúng tôi làm việc bất kể ngày đêm, không kể nặng nhọc miễn có thêm thu nhập để nuôi các con. Sau nhiều năm miệt mài làm việc, tích lũy, đến năm 2014 chúng tôi mua một mảnh đất để trồng cà phê. Cuộc sống dần đổi thay từ đó”.

Cũng trong năm 2014, nhận thấy người dân trong thôn trồng nhiều cà phê nhưng đầu ra chưa ổn định, anh Phòn thu mua cà phê của họ rồi nhập cho các đại lý.

Từ hoàn cảnh thực tế của bản thân là mỗi khi trồng cây, muốn mua phân bón phải đi rất xa, anh Phòn quyết định mua phân bón từ một công ty ở huyện Hải Lăng về bán cho người dân.

Từ đó, người dân thôn Chênh Vênh và các thôn lân cận tiết kiệm được thời gian. Khi nhu cầu của người dân tăng cao anh mở đại lý phân bón mỗi năm bán từ 30-40 tấn.

Trong 2 năm 2019-2020, anh mở rộng diện tích sản xuất, trồng thêm cây sắn trên các vùng đồi và mua bò sinh sản về nuôi. Đến mùa thu hoạch, anh thu mua sắn của người dân, sau đó nhập cho các thương lái.

Chưa dừng lại ở đó, khi đã tích lũy được số vốn kha khá, anh Phòn sắm một chiếc xe tải để phục vụ sản xuất. Đến nay, gia đình anh có 2 ha cà phê, 2 ha sắn, 5 con bò. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, gia đình thu lãi ròng trên 100 triệu đồng.

Đàn gia súc nhiều nhất thôn

Cách nhà anh Phòn không xa là căn nhà 2 tầng khang trang, bề thế của anh Hồ Văn Quý. Hôm chúng tôi đến, anh Quý bận đi cưa gỗ tràm cho người dân trong vùng. Phải đến khi mặt trời khuất núi, anh mới trở về.

Anh Hồ Văn Quý có đàn gia súc nhiều nhất thôn Chênh Vênh - Ảnh: T.T

Ngồi trong ngôi nhà mới, anh Quý hồi tưởng về quá trình lập nghiệp đầy gian truân. “Trước đây, tôi sống cùng bố mẹ ở thị trấn Lao Bảo. Năm 1998, tôi lấy vợ. Lúc bấy giờ, bố mẹ cho vợ chồng tôi một mảnh đất rẫy nhỏ để trồng lúa. Lúa rẫy mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ nên không đủ cái ăn. Vì thế, tôi và vợ phải làm thêm nhiều nghề. Vợ tôi đi làm thuê quanh thị trấn, còn tôi vào rừng nhặt củi khô về bán”.

Năm 2007, bố mẹ cho vợ chồng anh Quý một mảnh đất ở thị trấn Lao Bảo. Vợ chồng anh bàn với nhau rồi đi đến thống nhất bán miếng đất ấy để trở về sinh sống ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng. Với số tiền 100 triệu đồng bán đất, anh mua mảnh đất nhỏ sát dưới chân đèo Sa Mù để dựng nhà, gầy dựng cuộc sống mới. Số tiền còn lại, anh mua 1 cặp bò sinh sản làm vốn. Sau đó ít lâu, anh mua một máy cưa xích để nhận cưa tràm thuê cho các chủ rừng trong thôn.

Cuộc sống gia đình anh dần ổn định hơn. Năm 2009, anh huy động nguồn vốn mua thêm đất của người dân trong thôn để trồng cà phê, cao su. Khi đàn bò lớn, anh bán bớt để lấy tiền mua thêm trâu, dê về chăn thả dưới tán rừng.

Nhờ nguồn thức ăn dồi dào, đàn gia súc của gia đình anh sinh trưởng và phát triển nhanh nay gia đình anh có đàn gia súc nhiều nhất thôn với 30 con bò, 3 con trâu, 10 con dê, đàn gia cầm khoảng 30 con. Diện tích rừng của anh cũng tăng dần qua thời gian.

Ngôi nhà của anh Hồ Văn Quý to và đẹp nhất thôn Chênh Vênh - Ảnh: T.T

Hiện nay anh có 1,5 ha cà phê, 1 ha cao su, 1 ha sắn, 1 ha chuối. Mỗi năm, gia đình anh Quý lãi ròng trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí.

Vợ chồng anh Quý không chỉ được biết đến với bản tính cần cù, chăm chỉ làm ăn mà còn là tấm gương sáng trong việc giáo dục, nuôi dạy con cái. 5 người con của vợ chồng anh đều được ăn học đàng hoàng, trong đó người con thứ 2 đang là sinh viên năm 3, Trường Đại học Y dược Huế.

Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi

Rời xã Hướng Phùng, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hồ A Kiêm (sinh năm 1979) ở thôn Úp Ly 2, xã Thuận. Anh Kiêm hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận, Bí thư chi bộ thôn Úp ly 2. Khi được hỏi về quá trình phát triển kinh tế gia đình, anh kể: “Năm 2006, trên diện tích đất đồi quanh nhà, vợ chồng tôi mua giống cây sắn về trồng. Gia đình vốn có nghề nấu rượu nếp nên vào năm 2010, tôi dựng lò nấu rượu. Mỗi năm, tôi thu mua khoảng 1 tấn lúa nếp để nấu được khoảng 400 lít rượu gạo. Vài năm sau, tôi đầu tư làm đất, trồng cây cao su để nâng cao thu nhập. Qua quá trình làm ăn, tôi tích lũy được một số vốn nhỏ và có thêm kinh nghiệm. Năm 2020, tôi mua bò sinh sản về chăn thả trong vườn và đào ao nuôi cá nước ngọt”.

Anh Hồ A Kiêm chăm sóc bò - Ảnh: T.T

Hiện nay, tổng diện tích đất sản xuất của gia đình anh Kiêm khoảng 5,6 ha. Trong đó, 2 ha trồng cây cao su, 3 ha trồng sắn, 0,5 ha nuôi cá nước ngọt, 0,1 ha trồng cây ớt rừng làm men nấu rượu. Đàn bò hiện có 3 con. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình lãi ròng khoảng 90 triệu đồng.

Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, Bí thư Chi bộ thôn Úp Ly 2, anh Kiêm thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân trên địa bàn chủ động tìm tòi, học tập thêm kiến thức để sử dụng nguồn vốn, đầu tư vào sản xuất có hiệu quả.

Tích cực thực hiện các phong trào “Nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”.

Tham mưu hội cấp trên quan tâm, hỗ trợ hội viên nông dân hình thành những mô hình sản xuất có thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh liên kết thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ đó, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/nhung-trieu-phu-ho-ho/178143.htm