Những trận hải chiến được thực hiện từ xa
Cuộc xung đột ở Ukraine đang chứng minh cho sự thay đổi về mô hình tác chiến với những loại vũ khí mới không chỉ trên không mà còn ở trên biển.
Thay đổi cán cân
Ngày 25/5/2023, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo cho biết ba xuồng không người lái của Ukraine đã tấn công tàu trinh sát Ivan Khurs của họ vào một ngày trước đó khi con tàu này đang tuần tra đường ống khí đốt ở Biển Đen. Một đoạn video được công bố cho thấy các thủy thủ tàu Ivan Khurs đã phá hủy các xuồng máy này khi chúng đang tìm cách tiếp cận và tấn công con tàu. Đây là lần đầu tiên, một cuộc tấn công bằng xuồng không người lái của hải quân Ukraine được ghi nhận chính thức.
Không lâu sau đó, ngày 11/6, cũng chính Bộ Quốc phòng Nga công bố đoạn video khác về một cuộc tấn công của sáu chiếc máy bay không người lái nhắm vào tàu Priazovye của Nga ở vị trí cách cảng Sevastopol khoảng 300 km. Cuộc tấn công này cũng đã bị ngăn chặn thành công. Nhưng chỉ hai tháng sau, chính xác là ngày 4/8/2023, một cuộc tấn công thắng lợi của vũ khí điều khiển từ xa trên biển đã được ghi nhận. Đó là cuộc tấn công vào căn cứ hải quân ở Novorossiysk, nơi trước đây được coi là điểm trú ẩn an toàn của hải quân Nga. Trong cuộc tấn công này, tàu chở dầu SIG có tải trọng 5.000 tấn đã bị cháy rụi. Những nguồn tin khác cho biết tàu đổ bộ tấn công Olenegorskiy Gornyak cũng đã bị hư hại nặng, còn tàu Suworowetz có thể đã bị đánh chìm.
Theo ghi nhận, thứ vũ khí được Ukraine sử dụng là những chiếc xuồng tấn công không người lái được thiết kế nhỏ gọn, có tốc độ cao và phạm vi hoạt động rộng. Loại thiết bị này được giới quân sự phương Tây đặt tên là: phương tiện mặt nước không người lái điều khiển từ xa (USV). Trong đó nổi bật là loại tàu Magura V5 do Ukraine tự sản xuất có thể mang theo 450kg chất nổ với tầm hoạt động 800km và tốc độ tối đa lên tới 77km/h với khả năng tấn công tự sát. Tuy nhiên, nếu so sánh thiệt hại tương ứng giữa những con tàu quân sự có trọng tài hàng nghìn tấn với những vũ khí tấn công nhỏ gọn này, rõ ràng, quân đội Ukraine đang chiếm được lợi thế.
Những cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái trên biển của Ukraine đã làm thay đổi cuộc chiến bằng cách buộc Nga phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn để bảo vệ các cảng, tàu chiến và tàu chở hàng của nước này. Hạm đội Biển Đen đưa ra thông báo di chuyển từ Sevastopol đến Novorossiysk, căn cứ nằm xa lãnh thổ Ukraine hơn về phía Đông. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ khẳng định, hình ảnh vệ tinh từ ngày 1/10 và 3/10/2023 "cho thấy Nga gần đây đã di chuyển các tàu khu trục Đô đốc Makarov và Đô đốc Essen, các tàu ngầm diesel, 5 tàu đổ bộ, và một số tàu tên lửa cỡ nhỏ" tới cảng Novorossiysk.
Kyrylo Budanov, Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, tuyên bố rằng các thiết bị không người lái trên biển được sản xuất trong nước đã làm tê liệt Hạm đội Biển Đen của Nga và hiện đang được sản xuất hàng loạt. Một nguồn tin chưa được xác nhận vào ngày 23/8/2023 dẫn lời ông Budanov nói rằng khoảng 30-40% số USV này đã tấn công thành công mục tiêu.
Không phải vô cớ khi Bộ Quốc phòng Ukraine mới đây đưa ra tuyên bố: "Không còn vùng biển hay bến cảng nào của Nga ở Biển Đen và Biển Azoz an toàn, bình yên cả". Ở mức độ nhất định, vùng hoạt động của Hải quân Nga đã bị giảm đáng kể, ưu thế áp đảo của hải quân Nga đã không còn phát huy được như trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Điều đáng lo cho quân đội Nga là những cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái mới này đang ngày càng phổ biến hơn.
Và sự thành công của Ukraine với những đòn tấn công bằng USV đã đưa ra gợi ý mới về tương lai của những cuộc chiến trên biển. Nói như Scott Savitz, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation thì: "Một kỷ nguyên mới của chiến tranh hải quân đã được mở màn ở Biển Đen".
Phát triển không ngừng
Mặc dù những thiết bị tấn công không người lái không còn là điều gì mới mẻ trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới, nhưng mức độ phát triển của nó vẫn đang khiến cho chúng ta phải cảm thấy ngỡ ngàng. Nếu như một thập kỷ trước, thiết bị không người lái mới chỉ được sử dụng cho các mục tiêu trinh sát, do thám thì nay những thiết bị này đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở những khu vực phức tạp hơn rất nhiều như trên biển.
Đặc thù của vùng biển rộng, nhiều nhiễu động luôn gây khó khăn cho việc sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa. Tính chính xác và khả năng sát thương của những loại vũ khí này vì thế luôn bị đặt dấu hỏi. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, những thiết bị không người lái trên biển ngày càng có hiệu năng lớn hơn.
Chiếc USV đầu tiên được ghi nhận là chiếc Protector được Mỹ và Israel phối hợp nghiên cứu, lần đưa vào thử nghiệm vào năm 2012. Thời điểm đó, Protector đơn giản là một chiếc xuồng có trang bị vũ khí được điều khiển thông qua hệ thống định vị vệ tinh (GPRS) có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công không quá phức tạp bằng súng hoặc thủy lôi. Những chiếc USV đời đầu cũng thường to và không cơ động do phải lắp thêm hệ thống điều khiển phức tạp, cồng kềnh nên tính năng chiến đấu không cao. Nhưng sự phát triển của khoa học công nghệ đang thay đổi tất cả.
Những chiếc USV của Ukraine đang được sử dụng gần đây là một loại tàu tấn công tự sát (kamikaze) có kích cỡ nhỏ gọn và cơ động hơn rất nhiều so với những đối tượng mà nó nhắm tới. Thời điểm tháng 11/2022, khi Ukraine công bố thành lập hạm đội USV đầu tiên của mình, hiệu quả còn chưa rõ ràng thì sau một năm, mối đe dọa đến từ những loại vũ khí do chính họ nghiên cứu sản xuất đã đem lại uy hiếp đáng kể.
Mẫu USV Magura V5 đang hoạt động rất hiệu quả gần đây chính là sản phẩm được Công ty STE của Ukraine giới thiệu tại Hội chợ Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế (IDEF) 2023 vào tháng 7 vừa qua tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ; có giá thành tùy cấu hình từ 250-400 nghìn USD. Đây không phải là mức giá rẻ nhưng nếu xét trên mức độ nguy hiểm mà nó có thể mang lại cho những con tàu hàng chục nghìn tấn có giá trị từ vài chục đến vài trăm triệu USD thì rõ ràng đó là một món đầu tư có lợi. Ngay cả nếu so sánh với những quả tên lửa thông minh Tomahawk của Mỹ hay Kinzhal của Nga có giá tới hàng triệu USD thì những chiếc Magura V5 vẫn "kinh tế" hơn rất nhiều.
Trước đây, chỉ có những quốc gia có tiềm lực lớn mới có thể sở hữu những vũ khí tấn công hiện đại thì với những USV giá rẻ hiện nay, bất cứ quốc gia nào cũng có thể sở hữu công nghệ, sản xuất hoặc mua số lượng lớn. Cũng tại IDEF 2023, mẫu USV của Thổ Nhĩ Kỳ như ULAQ KAMA và A45 của Trung Quốc nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới quân sự. Tiềm năng phát triển của USV cũng rất lớn khi có thể thực hiện đa dạng nhiệm vụ từ trinh sát, theo dõi, rải mìn, tấn công bằng vũ khí hay tham gia cứu hộ cứu nạn. Những USV hiện đại như ACTUV của Mỹ còn có thể theo dõi, tấn công cả tàu ngầm của đối phương.
Khi công nghệ ngày càng “rẻ” thì ưu điểm đáng kể của những chiếc USV thế hệ mới chính là chức năng tự động của nó. Bằng cách loại bỏ người điều khiển trực tiếp, USV không chỉ giảm thiểu rủi ro về con người mà còn cả chi phí vận hành. Điều này làm cho USV trở thành một công cụ “kinh tế” hơn rất nhiều, nhất là trong môi trường xung đột “bất đối xứng”. Đáng sợ hơn, khi những chiếc USV tấn công theo bầy thì nó thực sự khó ngăn chặn. Những loại vũ khí này đang được ghi nhận ở nhiều lực lượng hải quân trên thế giới từ Iran, Australia, Brazil, Anh, Pháp,...
Cùng với USV (những con tàu mặt nước), UAV (những chiếc máy bay), một thế hệ UUV (tàu ngầm điều khiển từ xa) cũng đang được nhiều quốc gia đưa vào nghiên cứu và thử nghiệm. Đây chính là những loại vũ khí có thể thay đổi mô hình tác chiến của các lực lượng hải quân trong tương lai gần. Không phải ngẫu nhiên mà trong một phát biểu mới đây, cựu Đô đốc Hải quân Mỹ, James George Stavridis đã nói: “Chúng ta đang ở thời điểm chuyển giao quân sự giống như những thay đổi lớn ở Agincourt hay Trân Châu Cảng. Các tàu chiến mặt nước có người lái đắt tiền hiện phải đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu từ thiết bị không người lái giá cả phải chăng”.
Còn cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt, người mới đây tiết lộ khoản đầu tư lớn vào công ty sản xuất vũ khí mới có tên 3D thì khẳng định: “Tương lai của chiến tranh sẽ được điều khiển và tiến hành bởi những thiết bị không người lái”. Những kết luận đó đang đem đến bài toán hóc búa mới cho những nhà chiến lược hải quân trên khắp thế giới.