Những 'tỉ phú chân đất' ở Đồng Bằng sông Cửu Long

Với xuất phát điểm không ít khó khăn, nông dân Phạm Văn Lơ (TP Cần Thơ) và ông Nguyễn Việt Bằng (tỉnh Vĩnh Long) đã không ngừng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ vào sản xuất và nhạy bén tìm cho mình hướng đi mới để trở thành những 'tỉ phú nông dân' ở miền Tây.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa công bố danh sách 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Điển hình trong đó, có những nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long đã nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật, từng bước ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Ngoài việc nâng cao giá trị kinh tế cho bản thân, gia đình mà còn giúp ích rất nhiều nông dân trong tỉnh vươn lên khá giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Xử lý cho nhãn trái mùa, lợi nhuận 450 triệu đồng/ha/năm

Cụ thể, như trường hợp của ông Phạm Văn Lơ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nhãn Nhơn Nghĩa (huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ). Ông Lơ được biết đến là người ham học hỏi, cầu thị và thành công với cây nhãn Ido nghịch vụ ở xứ Phong Điền, TP Cần Thơ.

Ông Phạm Văn Lơ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nhãn Nhơn Nghĩa (huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ).

Chia sẻ về cơ duyên đến với cây nhãn, ông Phạm Văn Lơ cho biết: Trong một lần được Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa cử sang Vĩnh Long tham quan mô hình trồng nhãn da bò. Thấy mô hình này mang lại hiệu quả cao, ông mạnh dạn chuyển 1 ha cam sành trong vườn nhà sang trồng nhãn.

Song đến năm 2012, khi nhãn bị dịch chổi rồng tấn công, năng suất giảm mạnh đã khiến cho gia đình ông Lơ và nhiều nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Với tinh thần không ngừng học hỏi, tìm hiểu các mô hình thành công; năm 2014, ông Lơ chuyển đổi sang trồng giống nhãn Ido. Từ đó đến nay cây nhãn Ido đã đồng hành, đem lại nguồn lợi kinh tế chính cho gia đình nông dân Phạm Văn Lơ.

"Tuy nhiên, tôi vẫn luôn trăn trở với vòng lẩn quẩn được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, thế nên tôi đã mạnh dạn xử lý để nhãn ra hoa trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao."- ông Phạm Văn Lơ nói.

Với kinh nghiệm hơn 25 năm gắn bó với cây nhãn, ông Lơ không cho nhãn ra trái chính vụ (từ tháng 9 - 12) mà tập trung xử lý nhãn ra trái nghịch vụ (từ tháng 2 - tháng 5) để bán lại cao, ít có sự cạnh tranh. Nhờ đó, nhãn Ido cho năng suất bình quân 20 tấn/vụ/ha, mỗi năm từ vườn nhãn Ido, ông Lơ lãi khoảng từ 250 - 450 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, ông Lơ còn mạnh dạn kinh doanh vựa trái cây để thu mua nhãn Ido cho bà con HTX và các loại trái cây khác của nông dân với mong muốn tạo đầu ra ổn định cho trái nhãn của HTX.

Không những làm kinh tế giỏi, bản thân ông Phạm Văn Lơ còn tích cực hưởng ứng tích cực phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhiều năm qua, mỗi năm ông Lơ đã đóng góp trên 300 triệu đồng vào công tác phúc lợi xã hội, như: hỗ trợ sửa chữa đường giao thông nông thôn, xây dựng mới cây cầu bê tông; hỗ trợ gạo, rau, củ cho công tác phòng chống dịch Covid-19...

Thu 1 tỷ đồng/năm nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Ông Nguyễn Việt Bằng ở ấp Thạnh An (xã Đông Thạnh, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) là một trong số 100 nông dân của cả nước vừa được bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Ông Nguyễn Việt Bằng (Vĩnh Long) mỗi năm thu 1 tỷ đồng nhờ trồng măng cụt, mít ruột đỏ, nhãn Ido, vú sữa Hoàng Kim...

Ông Việt Bằng cho biết, trước đây, gia đình ông chỉ có khoảng 5 công đất trồng lúa. Do thu nhập bấp bênh nên năm 2000, ông quyết định chuyển sang trồng cây ăn trái. Hiện ông Việt Bằng đang sở hữu vườn cây ăn trái 4 ha với 4 loại cây, gồm: 300 gốc vú sữa Hoàng Kim, 300 cây nhãn, 200 cây mít ruột đỏ và 150 cây măng cụt.

Để đem lại nâng suất cao, ông tiến hành nạo vét mương trong vườn để trữ nước ngọt, chủ động nước tưới cho vườn cây trong mùa khô. Đồng thời, xây hồ ngâm phân bón, hạn chế lượng phân bốc hơi và dùng công nghệ tưới phun giúp giảm chi phí chăm sóc cây, tăng lợi nhuận.

Với lợi thế là thành viên câu lạc bộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn của địa phương, ông đã học được cách bón phân, xử lý cây ra hoa nghịch vụ và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý giúp nông dân vươn lên làm kinh tế.

"Khoảng 3 năm trước, tôi dành 1.000m2 đất để trồng cây vú sữa Hoàng Kim có xuất xứ từ nước ngoài. Sau đó, tôi nhân giống loại vú sữa này ra trồng xen với bưởi Ruby. Qua đó, mỗi năm, tôi thu khoảng 200 triệu đồng/năm từ cây vú sữa Hoàng Kim.", ông Nguyễn Việt Bằng chia sẻ về vườn cây của mình.

Bên cạnh đó, với 1ha trồng nhãn, ông Bằng có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Ông Bằng cho biết, mỗi năm “bỏ túi” 1 tỷ đồng tiền lãi từ trồng cây ăn quả và tiền cho thuê 2ha đất trồng lúa.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Bằng còn tích cực trong xây dựng nông thôn mới, ông đã hiến 1.500m2 đất xây trường học và hiến 700m2 đất xây đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, sửa chữa cầu đường; vận động nhân dân tham gia xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp...

Ngọc Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-ti-phu-chan-dat-o-dong-bang-song-cuu-long.html