Những thách thức kinh tế lớn đang chờ ông Trump

Giới quan sát cho rằng ông Donald Trump sẽ đối mặt ba thách thức kinh tế lớn khi về lại Nhà Trắng.

So với thời điểm ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ vào năm 2017, nền kinh tế Mỹ hiện tại được đánh giá đang ở trạng thái tốt hơn với tỉ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng GDP và năng suất lao động mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn có những thách thức kinh tế đang chờ vị tổng thống thứ 47 của Mỹ.

Ba thách thức chờ đợi chính quyền ông Trump

Viết trên trang Business Insider, chuyên gia Neil Dutta - trưởng bộ phận kinh tế tại Trung tâm nghiên cứu Renaissance Macro Research (Mỹ) - chỉ ra ba thách thức kinh tế chính mà chính quyền sắp tới ở Mỹ phải đối mặt.

Đầu tiên là sự chững lại của ngành sản xuất toàn cầu. Ngành sản xuất, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, đang đối mặt với những dấu hiệu suy giảm. Tại Đức, một cường quốc công nghiệp, sản lượng công nghiệp hiện thấp hơn so với năm 2018. Trong khi đó, sự phục hồi của Trung Quốc, dù có chút khởi sắc nhưng lại không tạo nhiều tác động tích cực cho phần còn lại của thế giới.

Tại Mỹ, dù có sự bùng nổ trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn nhưng sản lượng sản xuất tổng thể vẫn dậm chân tại chỗ trong 2-3 năm qua. Sự suy giảm ở các lĩnh vực như sản xuất máy bay và các ngành liên quan bất động sản đã kéo giảm mức tăng trưởng chung.

 Nhiều thách thức kinh tế lớn đang chờ đợi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa: BUSINESS INSIDER

Nhiều thách thức kinh tế lớn đang chờ đợi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa: BUSINESS INSIDER

Ngoài ra, thị trường lao động cũng cho thấy dấu hiệu suy yếu. Dù tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện chỉ ở mức 4,1% - thấp nhất trong nhiều thập niên - nhưng các chỉ số khác cho thấy tỉ lệ thất nghiệp không phản ánh đầy đủ sức khỏe của thị trường việc làm. Tỉ lệ người lao động trong khu vực tư nhân nghỉ việc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2015 cho thấy người lao động ít có động lực thay đổi công việc. Tỉ lệ tuyển dụng cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014 cho thấy các công ty không tuyển dụng nhiều như trước. Điều này thể hiện rằng thị trường lao động đang mất đà.

Sự sụt giảm tỉ lệ nghỉ việc cũng kéo theo tốc độ tăng lương giảm, vì người lao động ít sẵn sàng đòi hỏi tăng lương hơn khi lo ngại về mất việc. Thời gian trung bình mà một người thất nghiệp tìm được việc làm đang kéo dài hơn, và tốc độ tăng trưởng việc làm trong khu vực tư nhân cũng chậm lại. Trung bình, số lượng việc làm mới trong 6 tháng qua chỉ tăng 143.000/tháng, thấp hơn nhiều so với trước đây. Nhìn chung, dù người tiêu dùng Mỹ hiện có tài chính tương đối ổn định, nhưng với thu nhập không tăng đáng kể, họ sẽ chi tiêu ít hơn, làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba là thách thức từ sự hỗn loạn của thị trường bất động sản. Thị trường nhà ở Mỹ hiện đang rơi vào trạng thái khó vận hành bình thường do lãi suất thế chấp quá cao. Kể từ tháng 9-2023, nhu cầu vay thế chấp để mua nhà gần như không tăng. Thêm vào đó, các tiêu chuẩn cho vay thế chấp đã thắt chặt trong những năm gần đây, trái ngược với giai đoạn khi ông Trump nhậm chức lần đầu. Nếu lãi suất thế chấp không giảm đáng kể, đầu tư vào nhà ở dự kiến sẽ tiếp tục trì trệ trong năm tới.

Ngày 10-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ thừa hưởng “nền kinh tế mạnh nhất trong lịch sử hiện đại” khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1. Ông Biden cũng cho rằng kế hoạch của ông Trump về áp thuế quan là “một sai lầm lớn”.

Đội ngũ của ông Trump có thể làm gì?

Trước bối cảnh kinh tế đầy bất ổn, đội ngũ của ông Trump có lẽ sẽ muốn nhanh chóng đưa ra một chương trình nghị sự để thúc đẩy tăng trưởng. Lịch sử cho thấy các chính quyền mới thường bắt đầu nhiệm kỳ bằng những hành động kinh tế cụ thể: Tổng thống George W. Bush thông qua Đạo luật Giảm thuế và Tăng trưởng Kinh tế năm 2001; Tổng thống Barack Obama có Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư năm 2009; ông Trump đã thông qua Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm vào năm 2017; và Tổng thống Joe Biden có Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ, Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm, cùng Đạo luật CHIPS. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump sắp tới sẽ ít có cơ hội để làm tương tự.

Các gói hỗ trợ kinh tế lớn trong thời kỳ đại dịch và việc phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát đã thu hẹp khả năng hành động của chính quyền mới. Lãi suất cao khiến việc thực thi các luật mới tốn kém hơn song giảm thì có nguy cơ làm tăng lạm phát. Ngoài ra, với số ghế mong manh của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, việc thông qua một gói chính sách tài chính mới tại quốc hội cũng không dễ dàng.

 Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Mỹ. Ảnh: BLOOMBERG

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Mỹ. Ảnh: BLOOMBERG

Theo chuyên gia, chính quyền ông Trump cần hiểu rằng không thể thực hiện tất cả mọi thứ cùng một lúc. Không có khả năng vừa xây dựng hàng triệu căn nhà mới trong vài năm tới, vừa tái định hình ngành sản xuất của Mỹ. Do đó, cần ưu tiên những vấn đề quan trọng nhất. Điều này có thể bao gồm việc giảm hoặc hủy bỏ các khoản chi tiêu đã lên kế hoạch trong các dự luật của chính quyền ông Biden.

Theo tờ Politico, dưới thời ông Biden, Nhà Trắng đã công bố gần 30 tỉ USD để hỗ trợ các dự án như chuỗi cung ứng pin xe điện, hydro sạch, và thay thế nhiên liệu hóa thạch trong ngành thép. Chính quyền ông Trump có thể ngừng các khoản tài trợ này.

Đến thời điểm hiện tại, việc ông Trump tái đắc cử đã mang lại sự tự tin cho thị trường. Các dự báo tăng trưởng của Mỹ đã được điều chỉnh tăng so với phần còn lại của thế giới, dẫn đến việc cổ phiếu của các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ tăng so với các thị trường mới nổi.

“Có vẻ như các diễn biến này không chủ yếu liên quan đến kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp về lạm phát cao hơn mà liên quan triển vọng tăng trưởng mạnh hơn và ít rủi ro hơn” - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nhận xét về những diễn biến trên thị trường sau khi ông Trump thắng cử.

Nhiệm vụ của đội ngũ ông Trump là tiếp tục thúc đẩy sự lạc quan trong nền kinh tế bằng cách tránh các chính sách gây lo ngại kinh tế như áp thuế rộng rãi.

Ngoài ra, việc xây dựng đội ngũ kinh tế của ông Trump cũng quan trọng không kém. Khác với lần đầu tiên ông giữ chức tổng thống, khi đảng Cộng hòa chiếm đa số và đã có sẵn chương trình nghị sự cho tổng thống, lần này, Nhà Trắng sẽ đóng vai trò dẫn dắt chương trình nghị sự nhiều hơn do đa số mong manh tại Hạ viện. Đây là lý do tại sao việc ông Trump bổ nhiệm nhân sự sẽ dẫn tới các phản ứng tức thời từ thị trường. Chẳng hạn, việc ông Trump tháng trước chọn tỉ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính đã được thị trường đón nhận tích cực.

Ông Trump rung chuông sàn chứng khoán Mỹ, cam kết xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ

Ngày 12-12, sau khi được tạp chí TIME vinh danh là nhân vật của năm 2024, Tổng thống đắc cử Trump đã rung chuông khai mạc Sàn giao dịch chứng khoán New York.

Tại sự kiện, ông Trump đưa ra một loạt cam kết mới về việc cắt giảm thuế, bao gồm giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15%.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (giữa) tại Sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 12-12. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Trump cũng nói thêm rằng ông đang trao đổi với các cố vấn về việc cắt giảm thuế đối với thu nhập từ vốn và cổ tức. Những thay đổi này sẽ được các nhà đầu tư đón nhận và có khả năng thúc đẩy thị trường tăng trưởng.

“Tôi thực sự muốn giảm thuế xuống còn 15%, và chúng ta sẽ có thể làm được điều đó. Chúng ta sẽ cắt giảm thuế nhiều hơn nữa” - ông Trump nói với đài CNBC News sau sự kiện ở Sàn giao dịch chứng khoán New York.

Vị tổng thống đắc cử cũng hứa sẽ làm “điều gì đó tuyệt vời với tiền điện tử”. Ông cam kết sẽ cắt giảm các quy tắc liên bang và đã bắt đầu bổ nhiệm các cơ quan quản lý cho lĩnh vực tài sản kỹ thuật số.

“Tôi tin rằng nền kinh tế sẽ rất mạnh mẽ” - ông Trump nói tại sự kiện.

Ông Trump tham gia sự kiện ngày 12-12 cùng với nhiều nhân vật nổi bật trong nội các sắp tới của ông như Phó Tổng thống đắc cử JD Vance, ứng viên Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, ông Robert F. Kennedy Jr. - người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Y tế,…

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-thach-thuc-kinh-te-lon-dang-cho-ong-trump-post824675.html