Những tác động đối với Iran sau khi Tổng thống Raisi qua đời

Việc Tổng thống Ebrahim Raisi qua đời khi đương nhiệm sẽ tác động không nhỏ đến Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Ngày 19/5, Tổng thống Raisi, 63 tuổi, đã thiệt mạng cùng với Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian và các quan chức cấp cao khác trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng ở vùng tây bắc xa xôi của Iran. Họ tử nạn vào thời điểm nhạy cảm đối với một đất nước đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong và ngoài nước.

 Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber phát biểu trong nội các chính phủ Iran tại Tehran, ngày 20/5. Ảnh: WANA

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber phát biểu trong nội các chính phủ Iran tại Tehran, ngày 20/5. Ảnh: WANA

Ai sẽ nắm quyền Tổng thống?

Ngày 20/5, Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã phê chuẩn chuyển giao quyền Tổng thống cho ông Mohammad Mokhber, người từng giữ chức Phó Tổng thống của ông Raisi.

Nhưng theo luật, Iran sẽ phải tổ chức bầu cử trong vòng 50 ngày tới. Hôm 20/5, hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA cho biết cuộc bầu cử tổng thống Iran sẽ diễn ra vào ngày 28/6. Các ứng cử viên có thể đăng ký từ ngày 30/5 đến 3/6 và chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra từ ngày 12/6 đến sáng 27/6.

Theo các chuyên gia, cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức gấp gáp với sự ít cử tri. Vào tháng 3, Iran ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo vào năm 1979, bất chấp nỗ lực của chính quyền nhằm tập hợp cử tri trước cuộc bỏ phiếu.

Ai sẽ kế nhiệm Lãnh đạo Tối cao Iran?

Sự qua đời của ông Raisi đặt ra câu hỏi về việc ai sẽ kế nhiệm Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, 85 tuổi, người quyền lực nhất nước này. Sinh thời, ông Raisi được coi là người kế vị tiềm năng cho ông Khamenei. Các nhà quan sát cho rằng ông đã được chuẩn bị để được nâng lên vị trí Lãnh đạo Tối cao.

Ông Karim Sadjadpour, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho biết ông Raisi qua đời sẽ để lại một "cuộc khủng hoảng kế vị ở Iran".

Một số người chỉ ra rằng giáo sĩ cấp trung Mojtaba Khamenei - con trai của Lãnh đạo Tối cao đương nhiệm - là ứng cử viên tiềm năng cho vị trí cao nhất. Tuy nhiên, điều này là một sự thay đổi so với nguyên tắc của Cộng hòa Hồi giáo - quốc gia đã lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1970 và tự hào vì đã rũ bỏ được chế độ cha truyền con nối.

Những tác động quan hệ đối ngoại sau khi ông Raisi qua đời

Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Amir Abdollahian đã giám sát sự thay đổi trong quan hệ của Iran với các nước láng giềng Ả Rập, giúp bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Xê Út với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Họ cũng chứng kiến Cộng hòa Hồi giáo lần đầu tiên khởi động một cuộc tấn công trực tiếp quy mô lớn vào Israel, sau vụ tấn công nghi của Israel vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria.

Các chuyên gia cho rằng sự qua đời của ông Raisi khó có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Iran, vốn hầu như do Lãnh đạo Tối cao quyết định.

Chính sách đối ngoại của Iran do Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao quyết định và có thể bị Lãnh đạo Tối cao phủ quyết, theo chuyên gia Mohammad Ali Shabani cho biết. "Chúng ta sẽ thấy sự liên tục trong cách Iran tiếp cận, hợp tác với các đồng minh trong khu vực".

Cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới có thể mang lại thay đổi cho Iran?

Một số chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử tạo cơ hội cho những người ôn hòa quay trở lại. Shabani nói: "Dù ông Khamenei có khả năng duy trì sự cai trị bảo thủ, nhưng ông ấy luôn nhấn mạnh tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu như một phép thử về tính hợp pháp của hệ thống. Cuộc bầu cử đó có thể là một bước ngoặt đối với Iran".

Ông Raisi lên nắm quyền trong cuộc bầu cử mà nhiều người Iran coi là một kết quả có thể đoán trước được, với việc các ứng cử viên ôn hòa bị loại, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cực kỳ thấp.

"Nếu Lãnh đạo Tối cao chọn sử dụng những cuộc bầu cử sớm này như một bước ngoặt để mở ra không gian chính trị, kêu gọi mọi người bỏ phiếu trở lại, thì đó có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi lớn", Shabani nói và cho biết thêm rằng điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc kế nhiệm Lãnh tụ Tối cao.

Hoài Phương (theo CNN, AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-tac-dong-doi-voi-iran-sau-khi-tong-thong-raisi-qua-doi-post296298.html