Những sai lầm của cha mẹ khiến con tự kỷ chậm tiến bộ
Khi con được kết luận mắc rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ phải xác định tâm lý, đối mặt với sự thật này và phải thấy con mình có nhiều điểm đáng khích lệ, nhiều điều tích cực để có thể đồng hành cùng con trong chặng đường dài. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại khó chấp nhận thực tế này và chưa hiểu hết trong hành trình giúp con hòa nhập xã hội.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Minh Quyết, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ tự kỷ tại gia đình.
Bỏ can thiệp sẽ làm chậm sự phát triển của trẻ
Bệnh nhi 68 tháng tuổi (ở Ba Vì, Hà Nội) sinh ra khỏe mạnh. Khi được 27 tháng, trẻ không biết nói từ đơn, có lúc nói linh tinh, không chỉ ngón trỏ, rất ít nhìn mắt người khác. Trẻ hay chơi một mình, gọi ít khi quay lại. Bên cạnh đó, trẻ có thêm các biểu hiệu về hành vi như xoay tròn người, sợ tiếng động mạnh, nhất là máy sấy tóc.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Minh Quyết cho biết, tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được chẩn đoán tự kỷ. Trẻ được cha mẹ cho đi học can thiệp đều tại trung ở địa phương, học theo giờ. Tuy nhiên, sau đó, trẻ không đi tái khám theo đúng hẹn.
"Khi trẻ 49 tháng, cha mẹ mới cho con đi khám lại. Lúc này, trẻ vẫn chỉ nói được khoảng 10 từ đơn, chưa nói rõ từ, nói vô nghĩa, chưa chỉ được bộ phận cơ thể, chưa biết chỉ người thân...
Sau một thời gian can thiệp tích cực bằng cả sử dụng thuốc và can thiệp giáo dục, gia đình không cho trẻ đi khám lại theo hẹn. Việc này làm chậm sự phát triển của trẻ", bác sĩ Quyết bày tỏ.
Tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi can thiệp cho các bạn nhỏ, các bác sĩ đặt mục tiêu phải giúp trẻ có khả năng giao tiếp, tức là trẻ có sự chú ý, biết chơi tương tác, biết sử dụng ngôn ngữ thì mới được coi là hoàn thiện giao tiếp.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chỉ mong muốn con nói được và khi con biết nói, gia đình tưởng đã đạt tới đích can thiệp. Nhưng thực tế, nói chỉ là một yếu tố, còn hoàn thiện hơn là phải giúp các bạn nhỏ sử dụng ngôn ngữ vào trong giao tiếp hàng ngày một cách phù hợp. Ngoài ra, các bạn nhỏ cũng cần biểu cảm khuôn mặt, các cử chỉ điệu bộ, ngôn ngữ cơ thể,...để giúp trẻ hòa nhập.

Buổi chia sẻ chuyên môn với cha mẹ có con tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cũng có không ít cha mẹ nhận thấy con có chút tiến bộ về hành vi, đã nghĩ con mình khỏi nên không cho đi tái khám để đánh giá sự tiến bộ của con. Nhưng theo các chuyên gia, các bạn tự kỷ có tính động (thay đổi về triệu chứng, hành vi... ở từng thời điểm) nên việc đưa con đi tái khám định kỳ sẽ biết con được can thiệp tốt hay không, phương pháp sử dụng can thiệp đúng hay không, cách thức cha mẹ hỗ trợ con đã phù hợp chưa.
"Ở trẻ nhẹ, có thể dạy ở mức độ thường là đã tiến bộ tốt. Nhưng ở trẻ nặng, nếu chúng ta vẫn chỉ áp dụng chung một phương pháp thì đứa trẻ rất chậm trễ. Thí dụ, ở trẻ nặng cần ít nhất khoảng 25-40 giờ can thiệp/một tuần từ cả thầy cô, bố mẹ, và phải ít nhất liên tục hai năm thật tích cực với cường độ cao thì trẻ mới có thể có tiến bộ rõ rệt được.
Rõ ràng, mỗi trẻ cần thời gian can thiệp, cường độ can thiệp khác nhau. Điều đó để giải thích cho cha mẹ hiểu, với trẻ gặp các vấn đề đi kèm như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi,... sẽ khó tiến bộ như kỳ vọng nếu không can thiệp một cách đúng và toàn diện cho trẻ", bác sĩ Quyết nói.
Cha mẹ cần làm gì để can thiệp cho con tự kỷ tại gia đình
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Minh Quyết nhấn mạnh, khi xác định được rối loạn phát triển của con mình, cha mẹ cần phải hiểu trẻ, gần gũi và yêu thương con. Cha mẹ cần xác định tâm lý, con là điều khiến họ hạnh phúc để dành thời gian cho con. Đồng thời, phải biết con sẽ có điểm yếu và điểm mạnh để cha mẹ tìm phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của con.
Cha mẹ cần hỗ trợ các thói quen của trẻ. Điều này sẽ mang lại sự cấu trúc, an toàn cho trẻ; có thể giúp trẻ phát huy các điểm mạnh. Cha mẹ thường xuyên luôn thông báo cho trẻ về lịch trình, sự thay đổi, hỗ trực trực quan cho trẻ.
Quan trọng nhất để đồng hành cùng con là cha mẹ phải tự trang bị kiến thức cho mình. Cha mẹ hãy chủ động trang bị các kiến thức đúng, khoa học và tin cậy cho mình. Không nên nghe theo các lời đồn, các quảng cáo không chính xác.
"Thông tin từ các nhà chuyên môn tại bệnh viện chuyên khoa, Khoa Giáo dục đặc biệt, Khoa Tâm lý lâm sàng,…được chứng minh uy tín, trình độ sẽ giúp phụ huynh có kiến thức đúng và thực hành đúng để giúp trẻ ngày một tiến bộ hơn", bác sĩ Quyết nhấn mạnh.
Điều quan trọng nữa là cha mẹ hãy đưa con đi tái khám thường xuyên và theo đúng lịch hẹn. Điều này giúp trẻ được đánh giá về phát triển, các vấn đề đi kèm, các lời khuyên, điều chỉnh thuốc một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên có 10-15 phút mỗi ngày dành thời gian cho bản thân. Cha mẹ có thể tập giãn cơ, thở bụng, nghe nhạc, trò chuyện với người tin yêu,… sẽ giúp cha mẹ hồi phục năng lượng và tiếp tục cho một hành trình kỳ diệu.
Với các gia đình xa các trung tâm can thiệp, các bác sĩ có cách thức hướng dẫn con can thiệp tại gia đình và đi can thiệp theo từng đợt tại cơ sở y tế. Với những nơi có nhiều cơ sở can thiệp, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ về trung tâm để tìm được nơi uy tín.
"Cha mẹ hãy tham gia các cộng đồng chính thống để được chia sẻ, hỗ trợ và học tập từ các chuyên gia, phụ huynh nhằm giúp đỡ trẻ và cha mẹ trên hành trình cùng con", bác sĩ Quyết chia sẻ.
Theo chuyên gia này, những đứa trẻ chẩn đoán tự kỷ đầu tiên tại Việt Nam đã ở ngưỡng hơn 20 tuổi. Nên việc hướng nghiệp cho các bạn rất quan trọng. Ông hy vọng, tới đây sẽ có những doanh nghiệp quan tâm đến an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho các bạn tự kỷ; cả xã hội cùng chung tay sẽ giúp được cho các con hòa nhập và trở thành người có ích cho xã hội.