Những quyết định quan trọng của Bác Hồ trong thời kỳ hoạt động tại Cao Bằng

Trong lòng các dân tộc Việt Nam, mỗi khi tháng 5 về lại làm cho mọi người thêm nhớ Bác, nhất là đồng bào nơi cội nguồn cách mạng Cao Bằng. Không một ai quên được những năm tháng hoạt động gian khổ nhưng hào hùng của Bác tại Cao Bằng (1941 - 1945) đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi của Người, gắn liền với Cao Bằng, và gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước Việt Nam.

Từ khi Bác đặt bước chân đầu tiên về mảnh đất thiêng liêng ở Pác Bó (ngày 28/1/1941) và hoạt động tại Cao Bằng đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác đã có những quyết định quan trọng tạo nên những dấu ấn lịch sử trọng đại, đó là Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (họp từ ngày 10 - 19/5/1941) tại lán Khuổi Nặm - Pác Bó. Hội nghị quyết định hoàn chỉnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam. Xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng. Hội nghị nêu rõ, sau khi cách mạng thành công sẽ lập nên Nhà nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa” và “lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”.

Trên cơ sở của những kết quả phong trào thí điểm Việt Minh, ngày 19/5/1941, theo sáng kiến của Bác, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh.

Thành lập Mặt trận Việt Minh khai sinh mô hình nhà nước tương lai: Tại Pác Bó, Bác trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, trước tiên là thí điểm phong trào Việt Minh… từ đó dẫn đến việc thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh - gọi tắt là Mặt trận Việt Minh và mở rộng xây dựng Mặt trận Việt Minh ra cả nước. Mặt trận Việt Minh ra đời và hoạt động mạnh mẽ đã xuất hiện rất nhiều các xã, tổng, châu Việt Minh “hoàn toàn” là mô hình nhà nước tương lai của một nước Việt Nam mới được ra đời ngay từ những ngày cách mạng còn trong bí mật.

Chỉ đạo công tác vận động xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng, thực hiện Nam tiến.Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Bác rất chú trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Chính vì vậy, phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ đã đưa đến việc thành lập các Ủy ban Việt Minh ở các huyện. Trước những chuyển biến của phong trào cách mạng, tháng 3/1942, Bác chỉ đạo: “… phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về miền xuôi”. “Theo chỉ thị của Bác và quyết định của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, công tác Nam tiến được đặt ra một cách rất khẩn trương”. “Cụ giao nhiệm vụ cho Phạm Văn Đồng mở đường Tây tiến sang Hà Giang, Võ Nguyên Giáp cùng với Lê Thiết Hùng mở đường Nam tiến từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) đánh thông với căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai và phát triển xuống Thái Nguyên”, tạo điều kiện cho việc ra đời khu giải phóng sau này.

Bác Hồ thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng) tháng 2/1961. Ảnh: T.L

Bác Hồ thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng) tháng 2/1961. Ảnh: T.L

Đào tạo huấn luyện cán bộ. Bác xác định “cán bộ là cái gốc của đoàn thể, cán bộ cũng là cái gốc của mọi phong trào”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” nên Người đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, huấn luyện cán bộ. Sự quan tâm của Người được thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941): “Việc đào tạo cán bộ nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ phút. Tất cả các cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú ý công tác này”. Đội ngũ cán bộ do Bác và Trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp đào tạo và huấn luyện ở Cao Bằng đã nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

Xuất bản Báo Việt Nam Độc lập, chỉ đạo công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với phong trào cách mạng. Bác cho biết “Năm 1941, bí mật về nước. Theo lời dạy của Lê nin: tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo, cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay”. Tháng 8/1941, Báo Việt Nam Độc lập được xuất bản do Người trực tiếp phụ trách. Nội dung các bài nhằm vạch trần tội ác của bọn đế quốc và tay sai đối với nhân dân ta, kêu gọi toàn dân đoàn kết đứng lên lật đổ ách thống trị của đế quốc thực dân, phong kiến giành lại độc lập tự do cho đất nước.

Đồng thời, dưới sự chỉ đạo của Bác, nhiều sách báo, tài liệu phục vụ cách mạng được in và xuất bản tại Cao Bằng, có cuốn sách được in đi, in lại nhiều lần. Những hoạt động đó làm cho Cao Bằng trở thành “một trung tâm xuất bản sách cách mạng, góp phần rất quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và quần chúng cách mạng. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1941 đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, khoảng 25 cuốn sách đã được in và phát hành ở Cao Bằng, chiếm 60% trong tổng số khoảng 40 cuốn sách cách mạng in trên cả nước, bao gồm sách của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, của các tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh”.

Chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tích cực chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là một trong những cống hiến, sáng lập vĩ đại của Bác đối với cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi mới về nước - ở Pác Bó, Bác đã chọn một số cán bộ gửi ra nước ngoài học tập quân sự, Người chủ trương: Việt Minh phát triển đến đâu thì gây dựng lực lượng vũ trang đến đó.

Năm 1944, trước khí thế mạnh mẽ của phong trào cách mạng, nhưng chưa đủ điều kiện để khởi nghĩa giành chính quyền, Bác chỉ đạo: Phải tìm ra hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên. Để thực hiện phương châm hoạt động mới, Bác chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nghiên cứu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị của Bác, ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể tại rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy.

Chỉ đạo xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ sở đảng. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng. Việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng là vấn đề cốt lõi của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Khi Bác về nước, Đảng ta đang trong thời kỳ khó khăn về tổ chức, vì vậy một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 là bầu Ban Chấp hành Trung ương, bầu Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; trên cơ sở đó kiện toàn các cấp bộ Đảng từ Xứ ủy đến các cấp bộ Đảng ở các địa phương. Đó là nhân tố lãnh đạo quyết định thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Xây dựng quan hệ quốc tế. Từ Pác Bó - Cao Bằng, nhiều lần Bác sang Trung Quốc bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng và đồng minh. Tháng 8/1942, Người lấy tên là Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc công tác đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ, áp giải đi hơn 30 nhà lao, sau hơn một năm giam cầm mà không khai thác được gì, cuối cùng chúng buộc phải trả tự do cho Người. Đầu năm 1945, Người lại từ Pác Bó đi Côn Minh (Trung Quốc) dự Hội nghị đồng minh chống phát xít, Bác trực tiếp liên lạc với quân đội đồng minh bàn về việc phối hợp chống phát xít; chủ động đặt quan hệ với Mỹ, tranh thủ sự giúp đỡ từ phía Mỹ… Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tranh thủ mối quan hệ này để làm nhiều việc có lợi cho cách mạng.

Học văn hóa - xóa mù chữ là nguồn lực để thúc đẩy phong trào cách mạng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, Cao Bằng có hơn 90% dân số mù chữ, Bác thấy rõ đây là khó khăn không hề nhỏ đối với phong trào cách mạng.

Với tầm nhìn xa, trông rộng của một lãnh tụ lỗi lạc, Bác xác định muốn nhân dân trở thành sức mạnh vô địch thì phải tuyên truyền, giáo dục để dân biết chữ, nên chủ trương dạy chữ quốc ngữ, học văn hóa của Người đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, trở thành hành động cách mạng đúng đắn, phù hợp. Vì vậy, việc học tập văn hóa đáp ứng lòng mong mỏi của mọi người. Được sự chỉ đạo của Bác, Cao Bằng dấy lên phong trào thi đua học chữ. Dù trong điều kiện bí mật, nhưng từ năm 1941 - 1945, phong trào học tập văn hóa ở Cao Bằng đã trở nên sôi nổi mạnh mẽ, các lớp học vừa học văn hóa, vừa học thơ ca cách mạng và chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình điều lệ, chính sách của Việt Minh.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2024). Nhìn lại thời kỳ Bác mới về nước hoạt động ở Cao Bằng cho thấy rất nhiều hoạt động, nhiều sự kiện, đặc biệt là những sáng lập mà Bác chỉ đạo thực hiện ở Cao Bằng (1941 - 1945). Thật vinh dự cho đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã có nhiều đóng vào những hoạt động và thực hiện sự sáng lập của Bác. Như giáo sư Đặng Xuân Kỳ khẳng định: “Cao Bằng còn là nơi thử nghiệm đầu tiên về việc thành lập chính quyền cách mạng dưới hình thức sơ khai ban đầu, đó là những “xã hoàn toàn”, “tổng hoàn toàn”, một hình thức chính quyền mới, khác hẳn chính quyền của giai cấp phong kiến địa chủ cũng như của chế độ thực dân đã có trên đất nước ta. Như thế trong bốn sáng lập của Bác để bảo đảm thực hiện con đường tìm thấy từ năm 1920, đã có 3 sáng lập được thực hiện đầu tiên ở Cao Bằng.

Những hoạt động cùng với sự chỉ đạo trực tiếp và sáng suốt của Bác, những việc Bác làm thể hiện rõ một hệ thống tư tưởng, quan điểm cách mạng toàn diện - sâu sắc - đúng đắn - phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử và lòng người, nên huy động được cao nhất năng lực và sức mạnh tinh thần, truyền thống yêu nước của các dân tộc để cùng với Bác “Hai tay xây dựng một sơn hà”. Vì vậy, đã trở thành sức mạnh “dời non lấp biển” cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Hồng Viễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-quyet-dinh-quan-trong-cua-bac-ho-trong-thoi-ky-hoat-dong-tai-cao-bang-3169285.html