Những quy tắc phòng, chống xâm hại trẻ em, cha mẹ nên dạy con
Mỗi phụ huynh, người nuôi dưỡng cần biết và hướng dẫn cho con những quy tắc phòng, chống xâm hại ngay khi trẻ còn nhỏ.
Theo đó, phụ huynh nên dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể; về ranh giới cá nhân; Thường xuyên lắng nghe con tâm sự; Dạy trẻ đề cao cảnh giác, ngay cả với những người thân; Trẻ nên làm gì khi gặp phải tình huống nguy hiểm,...
Dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể là quy tắc đầu tiên và cũng là quan trọng nhất. Từ việc nhận biết đặc điểm của cơ thể các con sẽ có được những hiểu biết về xâm hại. Theo đó, cha mẹ cần hướng dẫn cho con biết về cơ thể của mình, đặc biệt là vùng kín của trẻ.
Nên bắt đầu việc này càng sớm càng tốt, khi trẻ được 3 tuổi cho tới khi trẻ lớn hơn. Với trẻ con nhỏ, bố mẹ dạy con nhớ tên các bộ phận trên cơ thể. Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ hướng dẫn trẻ bảo vệ khu vực này cũng như cách vệ sinh cá nhân. Dặn trẻ rằng không ai được phép nhìn hay sờ chạm vào những bộ phận này, ngoại trừ bố mẹ khi tắm cho trẻ và bác sĩ khi khám bệnh với sự có mặt của bố mẹ. Có 4 vùng riêng tư trên cơ thể không ai được phép đụng chạm vào (miệng, ngực, phần giữa 2 đùi và mông).
Dạy trẻ về ranh giới cá nhân
Hãy dạy cho trẻ biết về ranh giới cá nhân và vùng nhạy cảm trên cơ thể. Điều quan trọng nhất chính là: không ai được phép chụp ảnh, quay phim hay đụng chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ, ngược lại, con cũng không được phép làm điều tương tự như thế với người khác.
Thường xuyên lắng nghe con tâm sự
Cha mẹ hãy thường xuyên hỏi con về các hoạt động hàng ngày. Sự giao tiếp thường xuyên với cha mẹ sẽ khiến trẻ tin tưởng và sẵn lòng nói ra những vấn đề mình gặp phải trong cuộc sống. Nhiều trẻ bị xâm hại hoặc bạo hành không dám nói ra vì sợ bố mẹ trách mắng hoặc nghĩ trẻ không ngoan nên mới bị kẻ xấu làm hại. Trong tất cả mọi trường hợp, nếu trẻ em bị xâm hại thì đó không phải là lỗi của trẻ. Cha mẹ hãy khẳng định với trẻ rằng, khi con kể cho cha mẹ nghe về những chuyện liên quan đến việc con bị đụng chạm vào những bộ phận riêng tư, con sẽ không bao giờ bị trách mách hay trừng phạt.
Dạy trẻ đề cao cảnh giác, ngay cả với những người thân
Kẻ xấu không có khuôn mẫu nhất định, và bất cứ ai cũng có có thể là kẻ xấu, kể cả người thân. Do đó, trẻ cần cảnh giác với những người có hành vi không đứng đắn và không tôn trọng con. Khi thấy họ có biểu hiện bất thường, trẻ cần lên tiếng phản đối và rời khỏi đó ngay lập tức; đồng thời nói với cha mẹ hoặc người mà con tin tưởng nhất.
Dạy trẻ việc nên làm khi gặp phải tình huống nguy hiểm
Sở dĩ trẻ em là đối tượng bị bạo hành và xâm hại là do các em ở vị thế thấp hơn, không có khả năng chống cự và tự bảo vệ bản thân; do đó, cha mẹ cần trang bị cho trẻ những kỹ năng tối thiếu để thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Chẳng hạn, trẻ không nên ở một mình với người lạ, khi bị ai đó đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm, trẻ nên phản đối và rời khỏi đó ngay lập tức. Nếu bị kẻ xấu giữ lại, trẻ cần phát tín hiệu cầu cứu người khác như hét to, kêu cứu hoặc ra ám hiệu kêu cứu, gọi điện thoại cho bố mẹ hoặc công an hay Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111…
Bên cạnh việc dạy cho trẻ 5 nguyên tắc trên, cha mẹ, người nuôi dưỡng cần biết một số dấu hiệu nhận biết trẻ em bị xâm hại tình dục, cha mẹ cần biết: Trẻ bị sưng, đau, bầm tím cơ thể, cháy máu ở vùng miệng, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn; Có thể bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; Lo lắng và lảng tránh khi cha mẹ hoặc thầy cô hỏi về các vết thương trên cơ thể; Trẻ buồn bã, không muốn nói chuyện, tiếp xúc ai…