Những nỗ lực và thành tựu không thể đảo ngược của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người (Bài 4): Thế giới đánh giá tích cực đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền
Không chỉ quan tâm chăm lo, bảo đảm quyền con người ở trong nước, Việt Nam còn chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới, được thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực.
Đối tác tin cậy, thành viên tích cực và trách nhiệm
Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố: “Là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc (LHQ) cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, và luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quyền con người cả ở trong nước cũng như trên thế giới”. Trước hết, Việt Nam tích cực tham gia vào các Công ước quốc tế về quyền con người, khẳng định đó là chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực thi các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người. Đến nay, chúng ta đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Việt Nam thực sự là điểm sáng, tiên phong trong thực hiện cam kết.
Là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã khởi xướng hoặc đồng bảo trợ nhiều sáng kiến mang bản sắc riêng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử; xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người…
Trong những vấn đề nhân quyền còn nhiều khác biệt, bị chính trị hóa, có nhiều cọ xát như tình hình các nước cụ thể (Ukraine, Nga, Palestine, Sudan…), quan hệ giữa phát triển và nhân quyền, sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính, quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), khoan dung tôn giáo..., Việt Nam đã có cách tiếp cận xây dựng, được các nước đánh giá tích cực.
Một mặt, Việt Nam đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của các nước đang phát triển bảo vệ nguyên tắc không chính trị hóa, không sử dụng các vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Mặt khác, Việt Nam đã lắng nghe, tôn trọng các nhu cầu hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, thúc đẩy hợp tác, đối thoại để Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) có thể hành động đáp ứng nhu cầu chính đáng của các nước trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, trong năm 2023, Việt Nam đã khởi xướng sáng kiến về Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA). Trên cơ sở đó, Việt Nam đã chủ trì, dẫn dắt Nhóm nòng cốt gồm 14 nước (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Romania, Nam Phi và Tây Ban Nha) liên khu vực và đa dạng về trình độ phát triển xây dựng dự thảo, tổ chức tham vấn để thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết 52/19 về vấn đề này với sự đồng bảo trợ của 121 nước - một “kỷ lục” trong những năm gần đây.
Nghị quyết đã nhấn mạnh vai trò hàng đầu của các quốc gia trong bảo đảm quyền con người, ghi nhận sự tham gia của phụ nữ, vai trò của hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng sự đa dạng, bao trùm trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Sáng kiến này của Việt Nam đã góp phần quan trọng truyền tải các thông điệp lớn, nâng cao nhận thức, quyết tâm hành động của các nước và cộng đồng quốc tế trong thực hiện các mục tiêu, tôn chỉ về quyền con người được đề ra trong hai văn kiện nhân quyền nền tảng này, đồng thời đề cao vị thế, vai trò của HĐNQ và các cơ chế nhân quyền LHQ.
Cầu nối cho hợp tác và đối thoại
Những đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người được thể hiện rõ nhất thông qua hoạt động tích cực của Việt Nam trong vai trò thành viên HĐNQ LHQ. Chính nhờ thành tựu trong bảo vệ nhân quyền với người dân, uy tín và nỗ lực với cộng đồng quốc tế, năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới. Tháng 10-2022, Việt Nam lại được bầu làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Trong vai trò thành viên, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của HĐNQ, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người. Với trách nhiệm, sự chủ động và nỗ lực đóng góp trong từng khóa họp, Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào công việc chung, thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại HĐNQ trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người”.
Đặc biệt trong năm 2024, năm bản lề của nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2023-2025, Việt Nam đã tham gia thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm nòng cốt tại HĐNQ về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”. Nghị quyết tái khẳng định biến đổi khí hậu có những tác động tiêu cực đến việc thụ hưởng các quyền con người, như: quyền sống, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh, cũng như quyền phát triển. Đặc biệt, những người dễ bị tổn thương, như: người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật thường chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, nghị quyết kêu gọi các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu cần phải đặc biệt quan tâm đến những nhóm này.
Những nỗ lực của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực. Ông Federico Villegas, Chủ tịch HĐNQ LHQ cho rằng với HĐNQ, việc có những nước thể hiện và sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại như Việt Nam là rất cần thiết, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến rất phức tạp, còn nhiều khác biệt giữa các nước và các nhóm nước. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thì đánh giá: “Việt Nam là một đối tác quan trọng của LHQ đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới”.
Còn trong bài viết với tiêu đề “Tuyên bố của Việt Nam tại châu Âu về việc gia nhập HĐNQ LHQ”, nhật báo Marx21 của Italia đánh giá: “Trong vai trò thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào các hoạt động và chương trình của hội đồng. Cũng tại diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định rõ thông điệp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đóng góp nhiều sáng kiến nhằm giúp xử lý các vấn đề nhân quyền toàn cầu. Việc Việt Nam được các nước ASEAN nhất trí lựa chọn làm ứng cử viên của khu vực Đông Nam Á tham gia HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện sự tin cậy và thống nhất cao của ASEAN đối với Việt Nam trên lĩnh vực này”.
Nhìn nhận về những đóng góp của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, ông Jean-Pierre Archambault, nguyên Tổng Thư ký Hội hữu nghị Pháp-Việt nêu rõ: “Việt Nam đã thực hiện tốt việc bảo đảm quyền hòa bình, độc lập dân tộc và quyền sống của con người. Trải qua những giai đoạn chiến tranh, gian khổ trong thế kỷ trước mới giành được những chiến thắng lịch sử nên Việt Nam hiểu rõ giá trị của các quyền nói trên”.