Những người chèo thuyền đưa đồng bào từ tâm lũ Thái Nguyên đến nơi an toàn
Lũ về, nhiều xã phường ngập trong nước, không nghĩ nhiều, ông Vũ Văn Danh (64 tuổi, TP Thái Nguyên), cán bộ công an về hưu chỉ kịp thông báo vội với vợ con rồi vác theo chiếc thuyền tự đóng lên đường, lao vào những vùng ngập lụt để hỗ trợ người dân.
Mực nước sông Cầu lên cao, nhiều địa bàn tại thành phố Thái Nguyên bị nước lũ nhấn chìm. Cuộc sống vốn yên bình của người dân trở nên đảo lộn. Nước lũ lên nhanh, hàng ngàn hộ dân tại nhiều điểm không kịp di rời, nhiều ngôi nhà cấp 4, 1 tầng chìm dần trong nước lũ.
Dù không thuộc vùng bị ngập do nước lũ, nhưng khi biết thông tin, ông Vũ Văn Danh (64 tuổi) lập tức lên đường để hỗ trợ người dân vùng lũ.
“Nhìn hình ảnh trên báo đài và mạng xã hội, lòng tôi nóng như lửa đốt. Sống ở Thái Nguyên 64 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận lũ lụt nào khủng khiếp đến vậy. Người dân khắp nơi đều hoang mang. Tôi chỉ kịp thông báo với vợ con một tiếng rồi đi thẳng một mạch. Tôi chèo thuyền cùng lực lượng chức năng đưa người dân ra nơi an toàn, đặc biệt là các cháu nhỏ và người già, rồi lại mang theo nhu yếu phẩm vào cho những gia đình đang tránh trú lũ trên nhà cao tầng vùng bị cô lập”, ông Danh chia sẻ.
Chèo thuyền cả ngày dài, bàn tay ông Danh bong rộp từng mảng vì ngấm nước, dù mệt và lạnh, nhưng người cựu chiến sĩ công an vẫn cố gắng hỗ trợ người dân bằng tất cả sức lực.
Giống như ông Danh, mấy ngày nay anh Trần Văn Đàn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) cũng căng mình hỗ trợ lực lượng chức năng đưa người dân ra vùng an toàn và chở nhu yếu phẩm vào các điểm chia cắt, cô lập.
Anh Đàn chia sẻ, biết tin nhiều xã, phường bị nước lũ nhấn chìm, anh Đàn cùng 14 hộ gia đình khác trong xóm góp tiền mua mỳ tôm, nước uống, nấu cơm để mang xuống hỗ trợ cho người dân tại 2 phường ngập sâu nhất là Quang Vinh và Túc Duyên – TP Thái Nguyên.
“Mọi người mang sẵn các nhu yếu phẩm, còn cơm hộp thì mua nguyên liệu từ nhà rồi nhờ các nhà hàng khu vực quanh điểm ngập để nấu rồi phát cho người dân cho nóng. Tôi cùng một vài anh em còn trẻ khỏe, có mặt sớm hơn để bơi thuyền đưa người dân vào bờ an toàn”.
Trắng đêm để bơi thuyền cứu hộ người dân, anh Danh cũng không nhớ nổi mình đã giúp được bao nhiêu người dân vào khu vực an toàn, hay chuyển được bao nhiêu chuyến hàng đến từng xóm bị ngập lũ. Anh chỉ biết, cứ liên tục, hết chuyến này lại đến chuyến khác, làm sao thật nhanh để người dân được an toàn, đủ cơm ăn, nước uống.
Xuyên đêm không chợp mắt, có lúc cảm giác thấm mệt, thấm lạnh của nước lũ, nhưng anh Danh vẫn liên tục cùng đoàn hỗ trợ người dân. Sóng yếu, không internet, cũng chưa thể liên hệ về gia đình từ khi xuống vùng lũ, nhưng biết chắc rằng gia đình vẫn đang trong vùng an toàn, nên anh Danh lại tiếp tục hết mình giúp đỡ người dân vùng lũ.
“Vào từng nhà đưa đồ cứu trợ, thấy mọi người an toàn là chúng tôi vui. Về các điểm lũ lụt không chỉ có người dân Thái Nguyên mà còn có hàng chục đoàn từ thiện từ khắp các tỉnh thành khác về hỗ trợ. Những lúc này đây, tôi càng cảm nhận rõ hơn tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tương thân tương ái của người dân Việt Nam”, anh Đàn xúc động chia sẻ.
Hết lũ, mời bộ đội về ăn cơm với chúng tôi
Xuyên đêm dầm mình trong nước lũ để đưa người dân thoát khỏi vùng nguy hiểm, cung cấp nhu yếu phẩm cho những khu vực nước lũ cô lập, Trung tá Ngô Anh Quyến, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn Công binh 575, Quân khu 1 chia sẻ, dù mệt nhưng các chiến sĩ vẫn luôn sẵn sàng.
“Tất cả các điểm “nóng” trên địa bàn Thái Nguyên đều có lực lượng của Lữ đoàn Công binh 575. Đến ngày 10/9, chúng tôi phối hợp cùng các lực lượng đã đưa hầu hết người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng vẫn có một số hộ dân ở khu vực nước sâu, điện thoại không liên lạc được, việc tiếp cận rất khó khăn.
Hiện nay có một số hộ vẫn đủ điều kiện để tránh trú ở tầng 2, tầng 3 các nhà cao tầng, khi thấy bộ đội vào, đứng trên mái nhà, bà con vỗ tay. Chúng tôi chia sẻ cho bà con nước uống, mỳ tôm, những nhu yếu phẩm cần thiết, đưa người già, trẻ nhỏ di dời đến nơi ăn toàn. Bà con bảo, khi nào hết lũ mời bộ đội đến ăn cơm với chúng tôi”, Trung tá Ngô Anh Quyến chia sẻ.