Những ngọn hải đăng kể chuyện: 'Con ơi, bố sống rồi'

Những ngọn hải đăng ven biển Việt Nam vẫn luôn được thắp sáng, làm ngôi sao dẫn đường cho tàu thuyền ra vào an toàn.

Mặc gió bão xô đẩy, sóng biển ập từng cơn, những ngọn hải đăng ven biển Việt Nam vẫn luôn được thắp sáng, làm ngôi sao dẫn đường cho tàu thuyền ra vào an toàn. Và với những người giữ trạm hải đăng, đây cũng chính là nhà.

Để ngọn đèn không bao giờ tắt

Trạm hải đăng Đại Lãnh, với bề dày lịch sử gần 120 năm, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng khi khách tìm về Phú Yên. Đây là ngọn hải đăng xa nhất về phía đông trên đất liền của Việt Nam được xây dựng từ năm 1890 bởi những kiến trúc sư người Pháp. Công trình nằm ở độ cao 110 mét so với mực nước biển.

Sinh ra tại vùng quê gió biển này, Trưởng trạm Nguyễn Trọng Thạo đã có 30 năm làm việc tại trạm hải đăng Đại Lãnh. Và trong ký ức của anh có nhiều câu chuyện buồn vui liên quan tới trạm hải đăng này.

"Mỗi đêm gió bão, có ai đó gọi điện thoại hoặc kêu tên là tôi lại giật mình. Bởi đó là lúc tôi biết ngọn đèn hải đăng đang gặp sự cố hoặc có người cần mình giúp đỡ", anh Thạo mở đầu câu chuyện.

Anh Nguyễn Trọng Thạo – Trạm trưởng Trạm hải đăng Đại Lãnh (Phú Yên) tỉ mẩn lau đèn hải đăng như chăm sóc chính đứa con ruột thịt của mình.

Ở vùng biển này, mỗi lần mưa bão là mỗi lần cả làng mất ngủ bởi chủ yếu người dân sống bằng nghề ra khơi đánh bắt. Ai đó trở về an toàn là điều may mắn, người nào hẩm hiu hơn thì phải ở lại trong lòng biển khơi. Mỗi lần chứng kiến những cảnh đó là anh Thạo lại phải tự động viên mình "phải cố gắng để canh cho đèn biển không bao giờ tắt, vì mỗi lần nhìn thấy đèn biển - hải đăng là người dân như nhìn thấy nhà mình".

Công việc thường nhật của người trưởng trạm này tưởng như rất… bình thường. Vì nằm gần biển, gió nhiều hơi nước mang theo sương muối nên thấu kính thường bị mờ, phải lau vài lần một ngày để độ rọi của đèn đảm bảo, mắt đèn sáng. Tiếp đến, bộ phận đo tọa độ cũng phải được kiểm tra thường xuyên, tọa độ có chính xác thì mới hướng được ánh đèn chính xác, hướng dẫn ngư dân vào bờ an toàn được.

"Người canh giữ ngọn hải đăng chăm chút cho ngọn đèn như chăm chính con của mình vậy", anh Thạo hóm hỉnh. Mà thật ra, những đứa con của anh ở nhà chẳng được anh chăm bẵm nhiều đến thế.

Thời tiết khắc nghiệt, anh Thạo lại phải chạy đua với thời gian. Như năm ngoái, cơn bão ngoài khơi Phillippines đã ảnh hưởng tới những ngư dân đi biển ở Đại Lãnh. Hàng chục tàu ra khơi đánh bắt cá lênh đênh trôi dạt, không tìm được đường về. Chính anh Thạo là người đã chỉ huy anh em làm việc tại trạm hải đăng Đại Lãnh không quản ngày đêm dò tìm tọa độ chính xác để hướng dẫn từng nhóm tàu thuyền trở về an toàn.

"May là đợt đó không có ai phải nằm lại ngoài biển khơi. Ngư dân ở đây đã quá quen với mưa bão, sương gió, trải qua mỗi lần sinh tử họ lại càng trở nên gan dạ hơn. Những người anh em làm ở trạm hải đăng cũng vậy. Càng khó khăn thì càng có thêm động lực để làm việc. Nếu một ngày nào đó nằm xuống, ký ức đẹp nhất về cuộc đời tôi vẫn là ở trạm hải đăng Đại Lãnh này", vị trưởng trạm tâm sự.

Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, anh Thạo đứng cạnh hải đăng Đại Lãnh trông về phía xa với niềm trăn trở về sự an toàn cho ngư dân Việt Nam.

Nhưng con người đâu phải lúc nào cũng chiến thắng được thiên nhiên. Nửa đời người làm việc tại trạm hải đăng Đại Lãnh, anh Thạo từng phải chứng kiến biết bao hoàn cảnh “rơi nước mắt” từ những người mẹ già, vợ trẻ, con côi ngày ngày ra bờ biển ngóng trông con, chồng, cha… trở về trong vô vọng.

“Mỗi lần nghe tin tàu nào gặp nạn, ngư dân nào đi mãi không về là mỗi lần tôi cảm thấy như mình có một phần trách nhiệm trong đó – trách nhiệm của người giữ ngọn đèn soi sáng cho tàu thuyền về lại với đất liền, gia đình thân thương. Trách nhiệm ấy giúp tôi có động lực cố gắng hơn trong công việc, ngày nắng cũng như ngày mưa. Không được nhìn biển từ ngọn hải đăng là tôi lại như cảm thấy một ngày của mình chưa trọn vẹn”, anh Thạo nghẹn ngào.

“Con ơi, bố sống rồi!”

Quần đảo Trường Sa – Khánh Hòa là nơi tập trung nhiều trạm hải đăng nhất trên lãnh thổ Việt Nam, nơi đây có 9 ngọn hải đăng lớn nhỏ, không chỉ làm nhiệm vụ dẫn lối, chỉ đường cho tàu thuyền qua lại an toàn mà mỗi ngọn hải đăng còn là một cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.

Anh Bùi Đức Tùng (32 tuổi, Hải Phòng), nhân viên trạm hải đăng An Bang, thuộc quần đảo Trường Sa rào trước, ở đây, ai cũng thuộc lòng khẩu hiệu: “Người có thể đói ăn chứ đèn không thể đói điện”.

Trước đây, công việc này vất vả hơn nhiều vì các nhân viên trạm phải thường xuyên canh máy nổ. Từ ngày đảo có điện được sản xuất từ năng lượng mặt trời, công việc nhàn hơn hẳn. Nhưng vẫn còn nhiều quy tắc khác.

“Những lúc đèn bị đứt bóng phải lập tức xử lý, thời gian khắc phục sự cố không được chậm hơn hai phút, bởi nếu việc báo hiệu hàng hải bị gián đoạn, tàu thuyền sẽ bị mất phương hướng, thậm chí, đâm vào bãi đá ngầm, bãi cạn…”, anh Tùng kể.

Niềm vui của ngư dân và người gác trạm hải đăng mỗi khi gặp nhau.

Giọng anh trầm xuống khi chúng tôi hỏi anh chuyện gia đình. Gương mặt phong trần của anh đầy ưu tư: “Công việc vẫn là trên hết, đôi lúc cũng nhớ nhà, nhớ vợ con lắm. Nhưng ở đây cũng có niềm vui riêng. Mỗi khi có dịp, gặp những ngư dân bám biển, họ đều ghé qua trạm hải đăng gửi lời hỏi thăm, động viên anh em. Có nhiều tàu thuyền đi ngang qua trạm không vào thăm được, như đã thành “thông lệ” lái tàu kéo còi hú chào. Nghe những âm thanh đó và gặp những con người chân chất hỏi thăm là sự động viên không có gì thay thế được”.

Anh Trịnh Văn Nguyên, Trạm trưởng trạm Hải đăng Đá Tây B (một hòn đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa) có hơn 20 năm công tác giữa biển khơi. Giữa gió to, giông bão, anh và các chiến sỹ ở đây đã nhiều lần vượt biển cứu nạn thành công. Lời thỉnh cầu của những ngư dân gặp nạn trên biển đã được hồi đáp.

Trạm Hải đăng Đá Tây được xây dựng từ năm 1994, cao 26m, chu kỳ chớp trắng 10 giây/ lần. Hải đăng có nhiệm vụ cung cấp ánh sáng báo hiệu luồng tàu vào tránh trú và cũng là tín hiệu để ngư dân tin tưởng khi đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, do đặc thù là nằm giữa biển khơi, nơi có những hòn đảo chìm, đảo nổi nên hải đăng cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những khi gió bão.

Trong lần tham dự cuộc thi kể về nơi mình công tác, anh Nguyên viết: “Mưa nhiều thì bị dột ướt, mùa khô thì lại thiếu nước uống. Hơn nữa do mái của hải đăng đã xuống cấp nên nước mưa (nguồn nước ngọt chủ yếu ở trên đảo) hứng được đều có cặn sắt hoen gỉ”.

Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình, anh Nguyên nói: “Đó là đợt giáp tết năm 2010. Khi ấy gió to, sóng lớn tàu không thể đưa lương thực, thực phẩm tết ra tiếp tế cho hải đăng được. Trong khi, toàn bộ lương thực của anh em đều đã cạn kiệt gạo, thậm chí mắm muối cũng không còn. Tôi chỉ biết động viên anh em cố gắng để tiếp tục bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ”.

Thế nhưng, câu chuyện lại có một hồi kết đẹp. Anh Nguyên kể tiếp, biết được hoàn cảnh của trạm hải đăng Đá Tây, chỉ huy đảo Đá Tây đã yêu cầu tất cả các đơn vị trên đảo san sẻ, mỗi người một ít quà tết cho hải đăng có cái ăn tết. Với tinh thần “miếng cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, các cán bộ chiến sỹ ở đây đã đồng lòng san sẻ, người thì cho hai con gà, người thì cho bánh chưng, gạo nếp, nước mắm…

Trạm hải đăng Ba Làng An (Quảng Ngãi) nơi viết lên chuyện tình của anh Nguyễn Văn Thắng và cô giáo Võ Thị Hồng Thịnh.

“Anh em trên trạm hải đăng Đá Tây B đã có cái Tết Nguyên Đán đầm ấm và khá tươm tất. Có khi đó là cái tết lớn nhất cho đến bây giờ”, anh Nguyên cười ấm áp.

Mà anh Nguyên cũng có duyên với những cái tết. Hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ ngoài đảo, ngót nửa thời gian anh đón tết ở nơi đây. Đối với anh, ngày tết, càng phải giữ được ngọn đèn luôn sáng, để ngư dân tìm đường về sum họp với gia đình.

Đến đây, ký ức về năm 1999 lại ùa về. Trong một lần biển động, gió to, chiếc thuyền chở 15 ngư dân Thừa Thiên Huế bị gặp nạn đã nhiều ngày, lênh đênh trên biển phát tín hiệu kêu cứu. Giữa giống tố của biển khơi, thuyền viên chỉ biết thỉnh cầu vào một phép màu nào đó, mong cho bão lặng, giông dừng.

Sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu, anh Nguyên cùng các chiến sĩ trong đảo đã vượt giông bão mang theo gạo và nước ngọt lên xuồng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn.

“Chiếc thuyền gặp nạn bị hỏng máy trôi dạt từ Trường Sa qua biển của Phillippines thì họ neo thuyền lại được. Chúng tôi cùng với các chiến sĩ của đảo đã kéo chiếc thuyền bị hỏng máy về đến đảo Song Tử Tây an toàn. Khi đó thuyền trưởng bị gặp nạn đã bật khóc và gọi điện về cho người nhà, trong đó có đoạn “con ơi, bố sống rồi!”, anh Nguyên xúc động nói.

Câu chuyện cứu nạn thành công đã qua nhiều năm nhưng nhiều anh em trên trạm hải đăng Đá Tây B đến bây giờ vẫn kể cho nhau nghe. Sự an toàn của ngư dân trên biển là động lực để các anh tiếp tục bền bỉ với công việc gác ngọn đèn trên biển này.

Ánh sáng hải đăng soi sáng trái tim

Sẽ thật thiếu sót nếu như nói về những ngọn hải đăng ở Việt Nam mà không nhắc đến những trạm nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Là tỉnh thành có đường biển được coi là cửa ngõ của khu vực miền Trung, từ xưa Quảng Ngãi đã có nhiều trạm hải đăng đi vào lịch sử.

Khi màn đêm buông xuống trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, tiếng sóng vỗ dạt vào ghềnh đá. Thấp thoáng phía đằng xa, ánh sáng từ ngọn hải đăng của trạm đèn biển Lý Sơn lại tỏa ra. Mấy chục năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc với hơn hai vạn cư dân trên đảo tiền tiêu này. Đằng sau ánh sáng của ngọn hải đăng ấy là những con người đang thầm lặng gác đêm, giữ cho “ánh sáng soi đường” trên biển không bao giờ tắt.

Anh Trịnh Văn Nguyên – Trạm trưởng Trạm Hải đăng Đá Tây B nhớ về những kỷ niệm cứu ngư dân trong giông bão.

Ở trạm hải đăng Lý Sơn có tất cả 8 người. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều có điểm chung là yêu nghề, cùng nhìn về một hướng: Giữ ánh sáng cho ngọn hải đăng.

Anh Bùi Ngọc Họa, quê Nam Định, là người đã có hơn 4 năm gác đêm ở ngọn hải đăng Lý Sơn. Anh gắn bó với nghề gác đèn đã 14 năm. Vào nghề từ năm 2005, thời kỳ đầu anh làm việc ở ngọn hải đăng Chân Mây (Huế). Đến năm 2014, anh nhận quyết định đến làm việc tại Trạm đèn biển Lý Sơn cho tới nay. 10 năm công tác tại Trạm đèn Chân Mây và 4 năm công tác tại Trạm đèn biển Lý Sơn là cũng chừng ấy thời gian anh xa gia đình.

“Do đặc thù công việc nên tôi và anh em phải thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ tại trạm, đặc biệt là những ngày bão gió, anh em phải tăng cường bảo trì, bảo dưỡng thấu kính và đo độ rọi của đèn. Có hôm cơm tối vừa dọn lên chưa kịp ăn là anh em phải bỏ đũa để lên đỉnh đèn thay nhau lau chùi thấu kính và đo độ rọi liên tục. Nếu không nước mưa tạt mạnh vào thấu kính sẽ làm đèn không phát sáng được, ảnh hưởng đến tàu thuyền ngoài xa”, anh Họa chia sẻ.

Anh Phan Văn Hiển, công nhân kỹ thuật trạm hải đăng Lý Sơn tiếp lời, đến mùa đông mưa gió rất mạnh nên Trạm phải huy động tất cả anh em cùng lúc thực hiện nhiệm vụ xuyên đêm. Mỗi lần lên đỉnh đèn thì chia ra nhiều ca, mỗi ca vài ba anh em. Những lúc ấy, mọi người tự bảo ban nhau ngoài việc cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thì phải trông chừng lẫn nhau. Bởi làm việc ở độ cao 45m trong tiết trời mưa gió, nếu lơ là, có thể xảy ra tai nạn.

Cách trạm hải đăng Lý Sơn chừng gần 60km là trạm hải đăng Ba Làng An, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Làm việc trong môi trường khắc nghiệt, sống xa gia đình, anh Phan Màu, nhân viên làm việc ở đây chỉ cười và nói rất giản dị: “Nghề nào cũng có những hy sinh, công tác ở đâu cũng là công việc. Xa gia đình, nhưng ở đây mọi người đều chia sẻ với nhau. Mỗi năm cũng được về nhà nghỉ phép một lần. Các anh em đều thấy bình thường”.

Anh Màu quê ở tận Hà Tĩnh, vào trạm đèn biển Ba Làng An công tác được hơn 5 năm nay. Anh nhận nhiệm vụ này khi vừa mới lấy vợ được 2 tháng.

Có lẽ may mắn nhất là thợ máy Nguyễn Văn Thắng (30 tuổi, quê Nghệ An), khi được làm rể xứ này. Vợ anh Thắng là cô giáo dạy ở trường trung học cơ sở cách nơi anh làm việc gần 6km. Câu chuyện tình yêu của anh khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Nhấp ngụm trà, anh Thắng ngượng ngùng kể, anh quen cô giáo Võ Thị Hồng Thịnh trong một lần trường chị tổ chức giao lưu văn nghệ với trạm hải đăng Ba Làng An. Lần đầu tiên gặp mặt, anh Thắng như bị “hớp hồn” trước vẻ đẹp hiền lành của cô giáo trẻ. Sau những lần trò chuyện, tình yêu nảy nở từ lúc nào không hay.

Ngày đầu anh chị yêu nhau, vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình chị Thịnh. Quê của anh Thắng ở quá xa, anh lại làm công việc gác đèn, sáng tối đều xa nhà. Vượt qua mọi rào cản, năm 2010, một đám cưới thật hạnh phúc đã diễn ra.

“Kết quả tình yêu của chúng tôi là một cậu con trai 5 tuổi và một bé gái 11 tháng tuổi. Gia đình vừa xây xong căn nhà cấp 4 nhỏ cách nơi tôi công tác khoảng 6km. Bây giờ hết ca trực, tôi có thể về nhà chăm sóc vợ con rồi”, vừa nói anh Thắng vừa khoe hình vợ con trong điện thoại.

Nhà ở gần trạm đèn biển Ba Làng An nên những lúc rảnh rỗi, chị Thịnh vẫn thường lên đây để thăm anh em. Có bàn tay người phụ nữ, cuộc sống của năm người đàn ông cũng bớt đi sự tẻ nhạt. Ngọn đèn biển ấm lên bởi những tình cảm chân thành và mộc mạc như vậy.

Vân Khanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/nhung-ngon-hai-dang-ke-chuyen-con-oi-bo-song-roi-3395491/