Những mối tình trên bãi đá

Dọc tuyến đường từ thị trấn Hòn Đất vào khu di tích lịch sử - thắng cảnh quốc gia Ba Hòn, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có hàng chục bãi đá. Là nơi lao động vất vã, nhưng tại đây có rất nhiều mối tình đã nảy nở và gắn kết với nhau hàng chục năm qua.

Tại bãi đá Hòn Sóc, những người thợ đang tay búa, tay đục chẻ đá. Bụi đá, mạt đá bay tứ tung theo từng nhát búa. Đây là một công việc nặng nhọc, vất vả và có phần nguy hiểm.

Chị Bùi Thị Kiều Tiên, quê ở tỉnh An Giang theo cha sang Hòn Sóc làm nghề chẻ đá gặp anh Danh Đông hiền lành, tốt tính cùng nghề. Sau 2 năm tìm hiểu, anh Đông và chị Tiên về chung một nhà.

“Sau hơn 20 năm lấy nhau, điều làm tôi hạnh phúc nhất là dù làm nghề vất vả nhưng chồng luôn thương tôi, vợ chồng đi đâu cũng có nhau và chúng tôi có một gia đình hạnh phúc”, chị Tiên nói.

Vợ chồng chị Bùi Thị Kiều Tiên chẻ đá tại bãi đá Hòn Sóc.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy là cô gái xứ Hòn đem lòng yêu anh thợ chẻ đá Nguyễn Văn Nguyên, quê ở huyện Thoại Sơn (An Giang) sang lập nghiệp. Theo chị Thùy, hồi đó, ở đây con gái lớn lấy chồng đa phần là thanh niên làm nghề chẻ đá.

Anh Nguyên hiền lành, chăm chỉ nên được gia đình chị quý mến. “Chúng tôi có một con trai và một con gái. Hàng ngày, vợ chồng tôi làm nghề chẻ đá kiếm tiền lo cho các con ăn học”, Thùy chia sẻ.

Chị Trương Ngọc Bích, quê huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có trên 20 năm làm nghề chẻ đá ở Hòn Sóc. Chị Bích cho biết: “Trước đây nghề chẻ đá chỉ có đàn ông làm, sau này có nhiều phụ nữ theo chồng làm, lâu dần thành quen, các chị làm nghề lúc nào không biết”.

Theo chị Bích, khoảng chục năm nay nghề chẻ đá có máy cắt hỗ trợ nên người thợ đỡ vất vả hơn, nhờ vậy vợ chồng chị chẻ được nhiều trụ đá, thu nhập khá hơn trước.

Vợ chồng chị Hứa Thúy Hồng, quê ở tỉnh Trà Vinh sang Hòn Sóc làm nghề chẻ đá từ đầu những năm 2000. Đến nay, gia đình chị có 3 đời làm nghề chẻ đá.

Với chị Hồng, công việc chẻ đá không còn khó khăn vì chị đã quen... “Nhiều khi tôi muốn bỏ nghề nhưng không chẻ đá tôi không biết làm gì sống và lo cho các con ăn học. Mỗi ngày vợ chồng tôi làm 8 tiếng, chẻ được trên dưới 50 trụ đá, tiền công trung bình 700.000 đồng/ngày. Vợ chồng tôi tiết kiệm chi tiêu, gửi về quê cho cha mẹ và nuôi con ăn học”, chị Hồng nói.

Chia tay những người thợ chẻ đá, chúng tôi vẫn nghe dư âm tiếng ồn của máy cắt, tiếng đục đá, tiếng những chiếc xe ben vào bãi lấy hàng...

Khoảng cách của chúng tôi và những người thợ chẻ đá xa dần, xa dần, nhưng hình ảnh về những đôi vợ chồng bên nhau trên bãi đá vẫn rõ mồm một. Họ là hiện thân minh chứng cho những mối tình đẹp trong môi trường lao động.

Bài và ảnh: THỦY TIÊN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/nhung-moi-tinh-tren-bai-da-12688.html