Những lớp học xóa mù chữ nơi vùng biên giới Ia Rvê

Nhiều năm qua, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk đang dần khởi sắc, song, trình độ dân trí thấp là một trong những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Chính vì vậy, những lớp học xóa mù chữ đã được BĐBP Đắk Lắk mở ra để giúp người dân nâng cao dân trí có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận và phát triển trong cuộc sống.

Bà Lữ Thị Sáng được thầy giáo quần hàm xanh tận tình hướng dẫn cách biết đọc, biết viết. Ảnh: Ngọc Lân

Ia Rvê là xã biên giới khó khăn của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, được thành lập năm 2006 theo dự án di dân phát triển kinh tế mới. Toàn xã có 14 thôn với 22 dân tộc cùng sinh sống. Trước khi vào đây lập nghiệp, đa số người dân đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến lớp, đến trường. Đến với xã biên giới mới thành lập này, những khó khăn như khí hậu, thổ nhưỡng, cơ sở hạ tầng khiến cuộc sống của họ thêm vất vả. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm ở Ia Rvê tuy giảm, nhưng hiện nay vẫn ở mức cao (trên 60%).

Trước những khó khăn đó, với phương châm: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk hiểu hơn ai hết muốn nhân dân phát triển kinh tế thì phải nâng cao trình độ dân trí cho họ. Chính vì thế, những năm qua, đã có nhiều lớp học xóa mù chữ của đơn vị và các trường học trên địa bàn được duy trì, với hy vọng thắp lên niềm tin về một vùng biên đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng phát triển.

Mới đây nhất, tháng 6-2020, đơn vị đã phối hợp với Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Chu Văn An tiếp tục mở lớp xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn xã. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối trong tuần, bởi, ban ngày bà con phải đi làm. Lớp học có 19 học viên, trong đó, đa số học viên là phụ nữ, người lớn tuổi nhất năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi, người ít tuổi nhất là 30 tuổi. Cán bộ biên phòng và một giáo viên nhà trường trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Là cán bộ Biên phòng gắn bó với vùng biên giới này hơn 10 năm, cũng từng đó thời gian Đại úy Hoàng Văn Thọ, nhân viên Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Rvê đồng hành với nhiều lớp học xóa mù chữ nơi đây Anh Thọ tâm sự: “Khó khăn nhất lúc ban đầu chính là mặc cảm không biết chữ của bà con, ai cũng từ chối và ngại không nói ra. Chúng tôi phải đến từng nhà vận động nhiều lần, bà con mới đồng ý. Những ngày đầu, việc tập trung các học viên đến lớp cũng không dễ dàng vì nhiều người đi nương rẫy, rồi lớp học có nhiều lứa tuổi khác nhau... Khó khăn là thế, nhưng một thời gian sau, bà con cũng dần quen với lớp học”.

Lớn tuổi nhất lớp, nhưng bà Lữ Thị Sáng là một trong những học viên tích cực đến lớp, hiện giờ bà đã đọc, viết và tính các phép tính thành thạo. Khi được hỏi động lực để đến với lớp xóa mù chữ này, bà Sáng, tâm sự: “Tôi muốn đi học để làm gương cho con cháu và nhất là mỗi lần đi khám bệnh, mình có thể tự đọc để biết được tình hình sức khỏe của mình thay vì cứ phải nhờ ai đó đọc hộ”.

Cùng tham gia lớp học và mong muốn biết chữ, chị Hoàng Mùi Lai, thôn 14 chia sẻ: “Những người hàng xóm trước đây cũng giống mình, đều không biết đọc, biết viết, nhưng sau khi học lớp xóa mù chữ về, ai cũng có thể đọc và viết rất giỏi. Đã có nhiều người phát triển kinh tế nhờ con chữ của bộ đội, vì thế, mình quyết định đi học”.

Đúng như thế, trên địa bàn biên giới này, đã có nhiều gia đình ăn nên làm ra, phát triển kinh tế gia đình từ khi biết đến con chữ, trong đó có gia đình ông Hà Công Thức. Ông Thức kể: “Trước đây, gia đình tôi làm nông nghiệp, chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt. Tôi không biết đọc, biết viết, nhiều khi vật nuôi bị bệnh chỉ biết cách chữa trị bằng cách ra tiệm thuốc tự mua về, liều lượng cũng bỏ theo cảm tính vì không biết đọc, hoặc ai chỉ sao thì làm theo thế, không biết có hiệu quả hay không. Trong khi nhà có sách của Hội nông dân cấp cho cũng chỉ biết để đó”.

Sau này, đi học biết được chữ rồi, ông Thức chủ động đọc được sách báo, tài liệu về chăn nuôi, biết được cách phòng bệnh từ xa cho vật nuôi và cây trồng, việc tính tiền công lao động cũng dễ dàng hơn trước. Hiện nay, chăn nuôi và trồng trọt của gia đình ông Thức phát triển bền vững, nhiều năm liền không có dịch bệnh, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Thức thu nhập trên 50 triệu đồng.

Thầy giáo quân hàm xanh, Đại úy Hoàng Văn Thọ trong một buổi lên lớp dạy học. Ảnh: Ngọc Lân

Cũng như ông Hà Công Thức, chị Hoàng Thị Yến sống tại thôn 13, xã Ia Rvê sau khi học xong lớp xóa mù chữ, đã quyết định mở cửa hàng tạp hóa để buôn bán, phát triển kinh tế gia đình. Chị Yến tâm sự: “Tôi ấp ủ mở cửa hàng tạp hóa cũng đã lâu, nhưng trước đây do không biết chữ, nên đành ngậm ngùi gác lại mong muốn này. Giờ, biết chữ rồi, tôi buôn bán dễ dàng hơn, nhập hàng hóa hay ghi chép sổ sách tôi đều làm thành thục”.

Hay như anh Bàn Sàng Cán, thôn 14, là người dân tộc Dao. Trước đây, ở quê hương cũ, điều kiện kinh tế khó khăn nên anh cũng không biết chữ. Vào vùng kinh tế mới này, cuộc sống của gia đình anh cũng thiếu thốn trăm bề, nhưng anh được những người lính Biên phòng vận động đến lớp học xóa mù chữ. Anh chia sẻ, nhờ biết đọc chữ mà mọi vật dụng trong nhà mới hay cũ nếu có bị hư hỏng, anh có thể tự mình sửa chữa bằng cách đọc sách hướng dẫn sử dụng hoặc có thể tham khảo trên mạng internet để làm theo thay vì phải mang đi sửa chữa.

Từ khi xã Ia Rvê được thành lập đến nay, Đồn Biên phòng Ia Rvê đã phối hợp mở 4 lớp học xóa mù chữ cho hơn 150 người dân trên địa bàn. Cùng với mở lớp xóa mù chữ, Đồn Biên phòng Ia Rvê còn tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương đưa các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con, đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội. Qua đó, giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống nơi vùng biên giới này...

“Tính từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn 4 xã biên giới thuộc 2 huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp, BĐBP Đắk Lắk đã mở 6 lớp xóa mù chữ cho hơn 200 người dân trên địa bàn biên giới. Khi kết thúc khóa học, tất cả học viên đều biết đọc, biết viết, sử dụng các phép tính đơn giản. Đồng thời, qua các lớp học, BĐBP cũng hướng dẫn các học viên về những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là mối quan hệ giữa BĐBP và nhân dân biên giới ngày càng khăng khít, bền chặt”- Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết.

Nguyễn Ngọc Lân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-lop-hoc-xoa-mu-chu-noi-vung-bien-gioi-ia-rve-post435444.html