Những lá thư còn lại
Tự nhận mình có viết thư, biết cảm nhận cái nghĩa, cái tình qua những bức thư ấy, một thời là công cụ giao lưu tình cảm gia đình, đồng đội, bạn bè, có khi là cánh én báo hiệu tình yêu nảy nở. Còn vì một tiếc nuối khác, chiến tranh đã kết thúc 50 năm, sứ mệnh của những lá thư đó cũng đã chấm dứt vai trò cầu nối của mình, những lá thư còn được giữ lại như một kỷ vật quý báu, nếu được xếp ở một góc nhỏ trong bảo tàng, chỉ những chữ đề 'Con gái thương yêu của mẹ'; 'Anh Chín kính mến'; 'Em thân yêu...' người xem dễ chạm vào xúc động, bâng khuâng.
Thường những lá thư có lượng chữ rất ít, phần lớn là một trang giấy ca rô khổ 10x13, nửa tờ pô-luya, có khi chỉ là một miếng giấy rất nhỏ khổ 5x7cm. Những bức thư dài, tỉ mỉ bao giờ cũng dành cho mẹ gửi con hoặc ngược lại. Phong bì thư thì dùng mảnh giấy còn mặt trắng, cắt dán cẩn thận, có phong bì chỉ 4x6cm, bên ngoài còn ghi “đã kiểm duyệt”. Ở Cà Mau, thời này không có hướng dẫn hòm thư, chỉ theo địa chỉ cơ quan, đơn vị theo bí danh, bí số như: Tỉnh đội là S15, Ban Dân y là S10, cơ quan Giao liên là Hai Hỏa, Ban Tuyên huấn là Sáu Huấn, huyện Trần Văn Thời là Mười Tế, Thới Bình là Mười Cư... hầu hết thư không gửi theo đường giao liên mà tận dụng thư qua tay, tức khi biết có ai đi công tác đến nơi mình cần gửi thì nhờ anh ấy, chị ấy chuyển giùm, cho nên có rất nhiều lá thư viết vội, chỉ hơn trăm từ, chữ nghiêng ngả; có khi thư viết trên mảnh giấy rất nhỏ do không có giấy lớn hoặc cố ý tạo ra cảm giác lạ, nhớ lâu.
Có trường hợp hy hữu, như thư của liệt sĩ Hai Phương từ chiến trường Lộc Ninh đề ngày 25/5/1973 gửi cho con là Mạc Ngọc Minh đang công tác ở Ban Dân y Tây Nam Bộ, đến năm 1999, tức sau 26 năm chị Ngọc Minh mới nhận được.
Dưới đây là đoạn mở đầu trong bức thư đó:
“Ngọc Minh,
Con gái yêu quý của mẹ.
Mấy hôm nay mẹ nhận được thư con, tiện dịp có cậu Tư Ðông về, mẹ viết thư này đến để con mừng.
Con gái yêu của mẹ, dạo này con có khỏe không, chắc nhớ mẹ nhiều lắm hở con, mẹ biết điều đó.
Kể từ ngày xa con đến bây giờ, chưa lần nào được thư con mà mẹ mừng, phấn khởi, đúng nguyện vọng của mẹ như lần này. Từ lâu, mẹ mong ước con được là đảng viên Cộng sản, là đồng chí của mẹ. Cầm thư con, mẹ sung sướng mà nước mắt quanh mi, mẹ yêu quý con vô hạn, vào Ðảng ở tuổi 19 là sớm, là đảng viên trẻ, phải trải qua thử thách, tu dưỡng, rèn luyện không phải giản đơn, mẹ vui lòng và rất tự hào là có đứa con gái xứng đáng.
Lẽ ra, kèm theo thư này, mẹ gửi quà về đứa con gái cưng yêu của mẹ để làm kỷ niệm ngày con trưởng thành, nhưng bất ngờ chưa chuẩn bị kịp. Theo đây, mẹ gửi về con tất cả tình thương yêu, tất cả niềm hân hoan + lòng tin của đứa con yêu quý duy nhất của mẹ...”.
Ðang là Trung tá, Giám đốc Khách sạn Tân Sơn Nhất - Quân khu 7 trưởng thành, cứng cáp, nhưng khi nhận được lá thư, chị Ngọc Minh không thể, không dám đọc ngay mà chờ đến khi về nhà.
Xin nói thêm, chị Hai Phương có chồng tập kết ra Bắc, hai người chỉ có đứa con duy nhất là Mạc Ngọc Minh, năm 1960-1962 là cán bộ cơ yếu của Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau, được điều về Khu Tây Nam Bộ, sau đó về Bộ Chỉ huy Quân sự R, những năm 1972-1973 chị được biệt phái làm Thị đội phó Thị đội Lộc Ninh, hy sinh ngày 7/11/1973, lúc đang che chở cho 3 đứa cháu nhỏ dưới làn bom của địch. Lúc này, Ngọc Minh đang công tác ở Ban Dân y Tây Nam Bộ. Thấy hoàn cảnh của hai mẹ con chị, lãnh đạo Ban Dân y đã đồng ý cho Ngọc Minh chuyển công tác để được gần mẹ.
Ngọc Minh kể trong bài viết “Mẹ tôi” đăng trong tập Triệu ngày khắc khoải:
“Ròng rã 2 tháng liền, tôi cũng đến được Lộc Ninh. Tìm đến Thị đội nơi mẹ tôi công tác lúc chiều muộn, vào cơ quan nhìn chung quanh tìm mẹ mà không thấy, tôi bước đến chỗ có người ngồi sau chiếc bàn.
- Chú ơi, cho cháu hỏi cô Hai Phương.
- Chị Hai Phương công tác ở đây, nhưng...
(Tôi kịp nghĩ: nhưng vừa mới đi ra ngoài, nhưng đã về đơn vị...)
- Nhưng chị đã hy sinh rồi!
- Chú vừa nói gì, chú ơi?
- Chị Hai Phương công tác ở đây, nhưng đã hy sinh nửa tháng trước. Mà cháu là ai?
- Dạ, cháu là con.
Cơn sốt rét rừng ập xuống khi nỗi đau mất mẹ đang ngấm vào từng tế bào, khiến tôi ngã quỵ. Khi xuất viện, tôi được đón về cứ, được nhìn thấy ngôi nhà nhỏ xinh xinh còn thơm mùi lá mới mà mẹ vừa dựng để chuẩn bị đón con gái, mẹ gọi là “Ngôi nhà hạnh phúc”. Không chịu được nổi, tôi xin được đến ở gần bên mộ mẹ...”.
Thế đó, người gửi và người nhận thư sau 26 năm đã góp vào triệu ngày khắc khoải, triệu vết thương không được xếp hạng, mấy ngàn ngày mẹ chờ con, con trông mẹ không ai hóa đá, chỉ có người thành bất tử.
Trước đó, ngày 28/6/1973, chị Ngọc Minh cũng đã có thư cho mẹ:
“Mẹ ơi!
Con đã nhận được thư mẹ buổi chiều của một ngày đầu tháng 6. Lá thư ấy đi gần 2 năm mới tới tay con.
Ðược thư mẹ giữa lúc tâm tư con bị giày vò bởi một nỗi băn khoăn vô bờ bến. Nỗi băn khoăn ấy là tin mẹ đã hy sinh. Mẹ ơi, mẹ có thể hiểu hết tâm trạng của con lúc bấy giờ không, cho đến hôm nay con vẫn chưa biết sự thật thế nào, nhưng vẫn viết thư gửi mẹ, gửi trọn lòng kính yêu và nỗi nhớ mong vô bờ bến của con đến mẹ. Tuy là tin chưa rõ ràng, và con cũng chưa tin đó là sự thật, nhưng mẹ ơi, làm sao con khỏi băn khoăn, lo lắng. Con vẫn biết đó là lẽ tất nhiên và con đã từng chứng kiến cái cảnh đau thương này đến với bạn con, song con chưa lường được nỗi đau đớn của nó đến mức nào. Con đã hiểu được một phần cái tàn nhẫn của nỗi đau, mất mát đó, chỉ một phần thôi vì con vẫn hy vọng là mẹ vẫn còn mãi mãi. Khi đọc thư mẹ con vẫn nghe như đúng là tiếng nói của mẹ ở đâu đây gần lắm, không phải là từ năm 1971 và ở tận miền Ðông xa xôi. Trong thư con báo với mẹ là con đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần, chịu đựng xa mẹ thêm thời gian nữa thì mẹ lại bổ sung “Trong chiến tranh ác liệt này con ước lượng là có thể mẹ hy sinh nên con đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần để vượt qua cảnh đau thương đó. Nếu mẹ có hy sinh thì cũng là vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng, con nên tự hào”.
***
Trong cái túi nhái đựng “bảo vật” của anh Lê Minh Hiền, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau còn cất giữ, tôi đếm có ngót 30 lá thư của bạn bè, anh em gửi cho anh, có cái được bọc trong bọc ni lông rất cẩn thận, có lá chủ nhân của nó đã hy sinh, có lá mẻ sâu vào cạnh, có lá hết trang giấy ca rô, từ trong sổ tay xé ra, có cái nhỏ đến chạnh lòng.
Lá thư của cố Nhà văn Nguyễn Thanh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau trên mảnh giấy pô-luya đã mềm nhũn.
“Hiền,
Thư này đến tay Hiền thì mình đã rời khỏi đây rồi. Ði xa, lại phải sang sông. Mình tìm Hiền mấy bận để hoàn lại số giấy ảnh và để có ít chuyện trước khi chia tay. Ðành vậy, nên, xa Hiền tâm tư mình thấy hơi nặng, không nói ra, chắc Hiền cũng hiểu.
... Với chúng ta, tình nghĩa mình muốn tìm thấy phía sau của cuộc đời, chắc Hiền cũng vậy. Như Hiền đã hiểu, có lắm trường hợp chung chạ với nhau hằng năm, khi xa nhau rồi cũng không có gì vướng bận. Trái lại, có những sự gặp gỡ ngẫu nhiên, làm cho mình xao xuyến lòng! Với chúng ta, trong trường hợp như vậy.
Nhớ Hiền, nhớ những lần gặp gỡ. Thế thôi!
9/3/1972 dương lịch”.
Thư khác, không đầy trăm từ trên mảnh giấy khổ 6x9 đề ngày 10/1/1972, Nguyễn Thanh viết:
“Mình định về Mười Tế, nhưng lại phải đi dài hạn ở khu Bình Hưng, thế là mình lâu gặp Hiền lắm.
Mình vẫn khỏe, còn công tác cũ, vui cũng nhiều, mà buồn cũng không ít. Mỗi bức thư của Hiền lúc này có giá trị tinh thần đối với mình. Như vậy, chắc Hiền cũng hiểu tình mình đối với Hiền.
Muốn viết cho Hiền nhiều nữa, nhưng bây giờ viết thư dài thì không hợp với thời gian chiến đấu nóng bỏng.
Trông thư Hiền".
***
Tôi và Nguyễn Lệ Nga cùng công tác chung ở cơ quan Tỉnh đoàn, nhưng lắm khi mới gặp nhau bởi mỗi người một địa bàn. Năm 1970, trên đường từ Huyện đoàn Giá Rai về, tôi nhận được thư của Lệ Nga gửi hờ ở Huyện đoàn Tư Kháng (Ðầm Dơi bây giờ):
“Ba Viễn (*) rừng chiều, ngày 2/4/1971
Anh Chín đáng kính của em,
Xa mẹ, có anh, em thấy có gì thiêng liêng ấm áp lắm. Mỗi lần gặp anh thì lòng rộ lên một niềm vui khó tả. Em muốn trút hết cả nỗi mừng với anh và bao nỗi lòng của em, nhưng chắc anh cũng hiểu được tính thùy mị, kín đáo của đứa em gái anh, những giờ phút gặp gỡ ấy em thấy quý vô cùng, như những giờ phút em ngồi bên mẹ vậy.
Em vô cùng thấm thía bài thơ “Cho em” với những lời dạy dỗ, dặn dò mỗi khi gặp em. Hứa với anh, em sẽ nỗ lực bản thân trong công tác, vượt qua mọi khó khăn và vất vả, nghịch cảnh khách quan, xứng đáng với lòng mong ước và tin tưởng của anh đối với em, mà hôm nào anh đã nói với em về lòng tin ấy.
Em gái,
Bé”
Năm 1970, trong cuộc họp của Tỉnh đoàn với các huyện phía Ðông sông Bảy Háp, Lệ Nga đã ném cho tôi mảnh giấy được vò tròn bằng đầu ngón tay. Tôi hồi hộp mở ra đọc: “Anh có quần áo rách đưa em tranh thủ vá, mai chia tay, biết có gặp được không?”. Và đêm ấy, bên ngọn đèn dầu và bếp ung tỏa khói, Lệ Nga đã vá cho tôi chiếc áo rách tới hai chỗ. Cảm động trước tình cảm của em, ngày 11/3/1970, tôi đã gửi cho Lệ Nga bức thư bằng mấy đoạn văn vần:
“Em ơi chiếc áo vá
Anh đã có từ lâu
Sao hôm nay thấy lạ
Em có biết vì đâu?
Từng đường kim mối chỉ
Theo anh ra tuyến đầu
Ấm lòng cơn gió lạ
Rải bóng mặt sông sau
Muốn giữ hoài kỷ niệm
Giữ bàn tay ân tình
Giữ lòng trong, chí sắt
Ðêm Ba Viễn lung linh...”.
Còn nữa, còn ngót hàng chục lá thư tôi có trong tay và đã đọc không thể đưa vào hết bài viết này. Theo thời gian, những lá thư thời chiến còn lại không nhiều, mỗi ngày qua nó càng trở thành kỷ vật hiếm, mỗi ngày qua nó càng cận kề với sự chấm hết. Mỗi khi đọc lại ta thấy sáng ngời cái tình, cái nghĩa, sự chân thật, thấm đậm tình đồng chí, anh em, ngọt ngào, trong sáng, lãng mạn và cả ý chí vươn tới trong mọi tình huống. Vô tư, không mải mai đến chức tước, giàu nghèo, những lá thư đó không tránh khỏi những khiếm khuyết về ngôn ngữ, câu từ, nhưng trên tất cả, chúng ta đã sống một thời thật lòng như vậy đó.
Thay lời kết bài viết này, tôi xin ghi lại lời lưu bút của anh Ðằng Phương trong chiến tranh công tác ở Thị đoàn Cà Mau, khi hòa bình có lúc công tác ở Mặt trận Tổ quốc tỉnh: “Dấu xưa ghi lại bao dòng nhớ, nét bút Ðằng Phương kỷ niệm đời”.
(*) Ba Viễn là bí danh xã Tân Tiến, Ðầm Dơi
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhung-la-thu-con-lai-a36938.html