Những gương sáng trong đồng bào dân tộc thiểu số

PTĐT - Những năm qua, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập, đã đóng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Thầy giáo Lý A Phông miệt mài mang chữ ở lại bản Nhồi.

Thầy giáo Lý A Phông miệt mài mang chữ ở lại bản Nhồi.

Lý A Phông người gieo chữ ở bản Nhồi

Sinh ra và lớn lên ở bản Nhồi, xã Trung Sơn sau khi học Sư phạm tiểu học năm 2013 Lý A Phông quyết định trở về quê hương dạy học cho trẻ em nơi đây. Đã hơn 6 năm gắn bó với điểm trường lẻ bản Mông xã Trung Sơn, thầy Phông là cái tên thân mật mà cả bản nhắc về anh. Là người bản địa, nên anh thấu hiểu được cuộc sống, phong tục tập quán của các gia đình nơi đây, ngay từ khi về nhận nhiệm vụ, khi đó các gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình. Vì vậy, thầy Phông đã đến tuyên truyền, vận động từng gia đình để các em có cơ hội được đến lớp. Là người bản địa nên việc giao tiếp với các em học sinh người Mông, hướng dẫn các em phát âm, ghép chữ dễ dàng hơn so với các thầy cô khác. Qua 6 năm dạy học chuyên lớp 1, nhiều lúc nước mắt rơi bởi các em quá nhỏ mà lại không biết tiếng phổ thông…
Thầy Phông chia sẻ: “Trước đây giờ học là cha mẹ lại đưa theo các em lên đồi làm nương rẫy, có khi nghỉ học cả 1-2 tuần liền. Khi đó lại phải đi từng gia đình vận động vất vả lắm mới được như ngày hôm nay… và phụ huynh cũng tin tưởng hơn vào các thầy cô của điểm trường lẻ”.Ngoài giờ dạy học hoặc các buổi sinh hoạt, họp thôn, thầy Phông luôn tham gia đóng góp ý kiến, tuyên truyền cho bà con để ổn định nơi cư trú, không di cư tự do, dành thời gian để phát triển kinh tế gia đình, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn đặc biệt là giữ mối quan hệ đoàn kết trong thôn, cùng nhau học hỏi và phát triển kinh tế.

Người giữ bình yên cho xóm làng

Người giữ bình yên cho xóm làng

Ông Đỗ Văn Hoa - người giữ bình yên cho xóm làng.
Trải qua nhiều năm giữ cương vị Chủ tịch xã Minh Hòa, năm 2007, sau khi nghỉ hưu ông Đỗ Văn Hoa được bầu làm Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Hồng Quang.
Xác định công tác hòa giải đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn thôn, nhiều năm trở lại đây chỉ có 1 vụ việc phải tổ chức hòa giải về tranh chấp đất đai, kết quả đã hòa giải thành. Những xích mích nhỏ, khi nắm bắt được thông tin, ông cũng đã góp ý, giải thích để không phát sinh thành mâu thuẫn, từ đó tình làng nghĩa xóm được bền chặt, khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững. Không chỉ làm nhiệm vụ hòa giải, ông cũng vận dụng linh hoạt việc chuyển tải các thông tin, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân thông qua hội họp, sinh hoạt tại các tổ chức CT-XH, khu dân cư, qua các cuộc tiếp xúc trò chuyện cùng bà con, anh em dòng họ, xóm làng… vừa mang tính tuyên truyền giáo dục vừa xây dựng được mối quan hệ gần gũi, mật thiết với nhân dân từ đó nắm bắt thông tin trong nhân dân một cách kịp thời để động viên, định hướng trong nhân dân theo chiều tích cực, thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân và các mâu thuẫn trong dân để kịp thời tuyên truyền, vận động, giải thích, hướng dẫn, tránh “cái sảy nảy cái ung”.Là người uy tín trong cộng đồng dân cư mà đặc thù đại đa số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống, địa hình rộng, ông luôn coi trọng việc tìm hiểu, nghiên cứ pháp luật để nâng cao vốn kiến thức cho mình để nói và làm cho nhân dân tin, gương mẫu chấp hành cho nhân dân theo…Có được kết quả trên là từ sự nỗ lực phấn đấu vì cộng đồng của toàn thể bà con nhân dân, của các tổ chức và đặc biệt là sự năng nổ, nhiệt tình của ông Hoa và các thành viên Tổ hòa giải trong thôn, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao đời sống người dân.

Ông Triệu Văn Tiên (đứng giữa) chia sẻ về quá trình vận động bà con xóm làng hiến đất làm đường.

Ông Triệu Văn Tiên (đứng giữa) chia sẻ về quá trình vận động bà con xóm làng hiến đất làm đường.

“Người vác tù và hàng tổng” ở Thượng Long

Là điển hình trong việc vận động người dân hiến đất, mở rộng đường làng, ngõ xóm góp phần thêm xanh sạch đẹp ngõ xóm đường làng, đưa tiêu chí giao thông nông thôn trong bộ tiêu chí nông thôn mới gần với “vạch đích” hơn. Trước khi nghỉ hưu vào năm 2015, ông Triệu Văn Tiên, thôn Quán, xã Thượng Long đã từng đảm nhận trọng trách là Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã nhiều nhiệm kỳ, nhờ đó những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước được ông tuyên truyền một cách đầy đủ, kịp thời đến bà con trong xóm. Trong 4 năm qua, ông đã vận động hàng chục hộ gia đình hiến hơn 1.000m2 đất vườn, hàng trăm m2 đất ở, cùng với công sức lao động của người dân để mở rộng đường làng, ngõ xóm, tạo nên con đường bê tông dài hơn 5km từ đầu xóm đến cuối ngõ, nhờ đó giao thông của thôn xóm đã thay đổi rõ rệt. Nhiều năm là “người vác tù và hàng tổng”, điều mà ông Tiên cảm thấy vui là tạo được lòng yêu mến, tin tưởng của người dân trong làng và sự tín nhiệm của chính quyền địa phương.
Ông Tiên cho biết: Con đường của thôn Quán hoàn thành không chỉ phục vụ cho việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân hôm nay mà nó còn phục vụ cho đời con, đời cháu chúng tôi mai sau. Khi tuyên truyền đại đa số bà con đều ủng hộ, gặp một số hộ gia đình chưa đồng thuận thì tôi cùng ban công tác mặt trận xuống tận nơi để tuyên truyền về lợi ích của việc hiến đất làm đường, nêu cao tinh thần một người vì mọi người nhờ đó con đường đã được như ngày hôm nay.

Giang Ngân

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/201906/nhung-guong-sang-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-165311