Những 'đơn vị không quân đối phương' trên đất Mỹ

Nhiều năm qua, Lầu Năm Góc luôn thu thập các dòng máy bay chiến đấu có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga. Những máy bay này sau đó được biên chế vào các trung đoàn không quân giả lập để phục vụ công tác huấn luyện, nâng cao kỹ năng chiến đấu cho phi công Mỹ trước các đối thủ tiềm năng.

Thực tế, trong cuộc tập trận Red Flag 18-1, tại căn cứ không quân Nellis, bang Nevada mới đây, phi công Mỹ, Anh và Australia đã có đụng độ với “Trung đoàn không quân Nga” được giả lập bằng các máy bay F-16 Fighting Falcon sơn màu ngụy trang giống như máy bay chiến đấu Nga.

“Không đoàn đối phương” trên đất Mỹ

Theo các thông tin công khai, việc Lầu Năm Góc tổ chức các không đoàn chiến đấu giả lập đối thủ tiềm năng với mục đích huấn luyện phi công được thực hiện lần đầu tiên vào cuối những năm 1960, đầu 1970. Theo đó, những máy bay chiến đấu F-5 được sơn màu ngụy trang của máy bay chiến đấu Liên Xô tham gia diễn tập đối kháng với các đơn vị Không quân Mỹ. Theo giới chức quân sự Mỹ, việc này có mục đích chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý và kỹ năng chiến đấu cần thiết cho phi công trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Liên Xô.

Trong nhiều thập kỷ, Lầu Năm góc đã thành lập những không đoàn đặc biệt được trang bị máy bay quân sự Liên Xô, Nga để nghiên cứu công nghệ và phục vụ quá trình đào tạo phi công.

Năm 1973, Không quân Mỹ đã có trong tay chiếc máy bay chiến đấu Liên Xô đầu tiên. Đó là máy bay Mig-21F-13 do Quân đội Israel thu được trong cuộc chiến với khối Ả rập. Những năm sau đó, lần lượt các máy bay chiến đấu Mig-21bis và Mig-23 tiếp được bàn giao cho đơn vị Không quân 64 đóng tại căn cứ Nellis.

Tới đầu những năm 1990, với sự tan vỡ của Liên Xô, Mỹ tiếp tục thu thập được nhiều dòng máy bay chiến đấu hiện đại của Liên Xô trang bị cho Không đoàn 64. Ngoài ra, Không quân Đức cũng thường xuyên cử các máy bay chiến đấu Mig-29 tập trận tại Mỹ. Mới đây nhất, vào tháng 12-2016, người dân địa phương còn chứng kiến cảnh máy bay chiến đấu Su-27 diễn tập không chiến quần vòng với máy bay F-16.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ đã tìm cách sở hữu 2 máy bay Su-27 từ Belarus năm 1995 và 2 chiếc máy bay Su-27UB khác từ Ukraine năm 2009 thông qua một công ty tư nhân. Một số nguồn tin còn khẳng định, Mỹ thậm chí có sở hữu ít nhất 2 máy bay Su-27SK hiện đại từ Ethiopia.

“Không quân Mỹ hiện sở hữu khoảng hơn 20 máy bay chiến đấu do Liên Xô và Nga sản xuất thông qua nhiều nguồn khác nhau. Chúng chủ yếu được mua lại từ các công ty tư nhân”, chuyên gia quân sự Vadim Saranov đánh giá.

Năm 2017 từng xảy ra sự kiện một chiếc Su-27 của Không quân Mỹ đã gặp tai nạn gần khu vực 51. Vụ việc đã khiến phi công Eric Schultz tử nạn. Dù Lầu Năm Góc không công bố thông tin về vụ việc, nhưng rõ ràng Không quân Mỹ đang cố gắng khai thác các máy bay chiến đấu có nguồn gốc Liên Xô, Nga thu thập được với mục đích huấn luyện và thử nghiệm.

Hình ảnh diễn tập không chiến quần vòng giữa máy bay chiến đấu Su-27 và F-16 tại khu vực 51 được người dân ghi lại.

Hiện tại, Nellis là căn cứ chính của Không đoàn 64 và Không đoàn 57. Những bức ảnh vệ tinh chụp tại khu vực này cho thấy bên cạnh máy bay chiến đấu Liên Xô, Nga, các máy bay F-15 và F-16 triển khai tại đây được sơn màu để phân biệt rõ ai là đối thủ, ai là mục tiêu. Nhiều máy bay trong số này được sơn màu xanh xám giống Không quân Nga, một số lại được sơn 3 màu ngụy trang trên sa mạc giống như máy bay chiến đấu của Iran.

Ngoài căn cứ Nellis, Không quân Mỹ còn có phi đội số 18 đóng tại căn cứ Eielson, Alaska. Đơn vị này được trang bị máy bay F-16 được sơn giả lập và có kỹ thuật bay giống như máy bay Mig-29 phục vụ hoạt động đào tạo phi công. Ngoài ra, Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ còn có nhiều phi đội có chức năng tương tự.

“Đơn vị không quân Mỹ” trên đất Liên Xô

Dưới thời Liên Xô, Quân đội Xô Viết cũng từng thành lập lực lượng huấn luyện đặc biệt giống như Không đoàn 64 của Mỹ tại căn cứ Mary, Turkmenistan. Tuy nhiên, đơn vị huấn luyện đặc biệt này của Liên Xô vẫn giữ nguyên màu sơn ngụy trang và chỉ thực hành chiến thuật tác chiến không quân của Mỹ để giúp nâng cao kỹ năng chiến đấu cho phi công Liên Xô. Quá trình huấn luyện đặc biệt này chỉ dừng lại khi Liên Xô tan vỡ.

Không quân Mỹ và NATO đã bất ngờ trước khả năng chiến đấu của máy bay chiến đấu Mig-29 của Đông Đức, sau khi bức tường Berlin sụp đổ.

Cùng với việc huấn luyện phi công, Liên Xô cũng từng sử dụng máy bay chiến đấu Mỹ để thử nghiệm công nghệ và hoàn thiện thiết kế của máy bay quân sự hiện có. Năm 1975, Liên Xô từng chuyển một số máy bay chiến đấu F-5 đến Trung tâm thí nghiệm kỹ thuật hàng không Chkalov ở Astrakhan. Những bài thử nghiệm kỹ thuật đã giúp kỹ sư hàng không Liên Xô phát hiện ra yếu điểm của máy bay Mig-21 và hoàn thiện công nghệ áp dụng trên máy bay Mig-29 sau này. Điều này giúp giải thích chiến thắng áp đảo của máy bay Mig-29 trong biên chế Không quân Đức trước máy bay F/A-18 Hornet của Không quân Mỹ trong các bài thực hành không chiến quần vòng.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/nhung-don-vi-khong-quan-doi-phuong-tren-dat-my-535215