Những điều kiện cần để Logistics trở thành 'mạch máu của nền kinh tế'

Ngày 7/12, tại Diễn đàn Logistics thường niên lần thứ 6 tổ chức tại Quảng Ninh, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định, những điều kiện cần để Logistics trở thành 'mạch máu của nền kinh tế' là các giải pháp căn cơ, chiến lược bài bản và dài hạn.

Nhà nước kiến tạo nền tảng

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam đã và đang trở thành một trung tâm sản xuất nhiều mặt sản phẩm, mặt hàng đứng trong top đầu của thế giới với sự hiện diện của hơn 21.000 dự án FDI có tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ USD, trong đó có các tập đoàn hàng đầu thế giới, nhất là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, như: Samsung, Fujitsu, Intel, Samsung, Nokia, Siemens, LG,... đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt phát triển ngành Logistics

Đặc biệt trong tiến trình mở cửa nền kinh tế và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn với việc ký kết 14 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội phê chuẩn.

“Đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistic tại Việt Nam” - Phó Thủ tướng nói và cho biết, ở tầm khu vực, mới đây các nhà Lãnh đạo ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã thông qua Tầm nhìn 2025 định hướng tiến trình xây dựng Cộng đồng tự cường, phát triển năng động, bền vững và gắn kết với mục tiêu trở thành một khu vực hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội.

Khẳng định Chính phủ dành ưu tiên phát triển ngành Logistics, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn Quyết định 200/QĐ-TTg, ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 và cho rằng, quyết định này đã mở ra một giai đoạn mới cho phát triển Logistics ở Việt Nam khi đề ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường cũng như nâng cao nguồn lực phục vụ lĩnh vực này.

Ngày 22/10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh nhu cầu xây dựng hoàn thiện hạ tầng Logistics, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Theo tinh thần của Nghị quyết, các doanh nghiệp dịch vụ Logistics cần được phát triển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Thủ tướng gợi mở một số vấn đề với các chuyên gia Logistic trong và ngoài nước tại Diễn đàn, gồm: Kết nối kinh tế; hợp tác thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả và chất lượng kết nối cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; đổi mới tư duy sáng tạo ứng dụng công nghệ trong kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ Logistics xanh; và tăng cường phối hợp liên ngành và tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN…

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Cần sớm kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về Logistic

Tiếp lời Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, hiện thực hóa những chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hiện nay, các bộ, ngành đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư - kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, đưa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất, nhập khẩu lên Cơ chế Một cửa quốc gia, giảm bớt số lượng mặt hàng phải kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, minh bạch hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra...

“Tất cả những biện pháp này đều góp phần tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm chi phí Logistics” – Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá và đưa số liệu cho thấy những bước tiến của Logistic của Việt Nam qua đánh giá của World Bank. Cụ thể, Báo cáo của World Bank về Chỉ số hoạt động Logistics (LPI) công bố tháng 7/2018 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Word Bank thực hiện việc xếp hạng Chỉ số hoạt động Logistics trong thập niên vừa qua.

Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ Logistics, hoạt động trong các lĩnh vực từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa,... và đảm nhận một phần dịch vụ Logistics quốc tế qua việc làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ Logistics quốc tế.

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, kết nối các vùng tăng trưởng

Dù ngành Logistic của Việt Nam đã đạt được những bước phát triển nhanh, song Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng thẳng thắn đánh giá, các doanh nghiệp Logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ với khoảng 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng; 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng, còn lại 5% có mức vốn từ 20 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, số doanh nghiệp Logistics tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics chỉ có trên 360 doanh nghiệp, cho thấy tính liên kết của doanh nghiệp Logistic Việt Nam còn thấp, đa số vẫn hoạt động đơn lẻ.

Ông Ousmane Dione: Để tăng hiệu suất, giảm chi phí Logistic, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu

Nêu thêm những khó khăn, thách thức mà ngành Logistic Việt Nam đang đối mặt và đề xuất giải pháp, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phân tích, có lúc, có nơi chúng ta còn chưa nhận thức về việc phát triển ngành Logistics thành một ngành dịch vụ cơ bản để hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác; do vậy một số tỉnh, thành phố có tiềm năng, nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng về công nghệ thông tin chưa được đầu tư tương xứng nên các hoạt động dịch vụ Logistics chung chưa phát triển.

Bên cạnh đó, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng một số dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng đều do hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin, trình độ nguồn nhân lực… “Chính vì vậy, công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu mới của ngành dịch vụ Logistics trong điều kiện hội nhập quốc tế là một trong những nội dung quan trọng tiên quyết” – Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, đi đôi với việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế Một cửa ASEAN, Cơ chế Một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại sau khi bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về Logistics, cần có cơ chế phân cấp quản lý linh hoạt giữa Trung ương và địa phương, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò chỉ đạo, điều hành hoạt động Logistics.

Tại Diễn đàn, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Logistics giữa các địa phương, doanh nghiệp

Đồng tình ý kiến của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, đại diện Công ty TNHH Quốc tế Delta bổ sung, hoạt động logsitics mang tính đa ngành, trong đó hoạt động vận tải hàng hóa do Bộ Giao thông- Vận tải quản lý; hoạt động kho bãi, phân phối do Bộ Công Thương quản lý; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa do Bộ Tài chính quản lý… và tất cả các bộ ngành khác quản lý thủ tục chuyên ngành áp dụng khi xuất nhập khẩu hàng hóa.

“Nhiều người cho rằng chức năng quản lý nhà nước về Logistics thuộc về Bộ Công Thương, nhưng Điều 2 Nghị định 98/2017/NĐ-CP quy định 36 nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Công thương, không bao gồm Logistics” – Vị đại diện Công ty TNHH Quốc tế Delta nói và đề nghị, cần thành lập cơ quan quản lý nhà nước hoặc giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động Logistics cho một bộ, ngành cụ thể.

Đưa thêm khuyến nghị, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – cho rằng, để Logistics thực sự trở thành “mạch máu của nền kinh tế” thì việc kết nối giữa các vùng tăng trưởng kinh tế là cần thiết. Ông Trần Thanh Hải phân tích, Việt Nam có 7 vùng kinh tế với những đặc thù địa - kinh tế và thế mạnh riêng biệt nên cần có chiến lược tạo liên kết liên vùng. Bên cạnh đó, cần có chiến lược tạo liên kết giữa các nhóm ngành hàng, gồm: Nhóm công nghiệp, khoáng sản; nhóm hàng công nghệ cao và nhóm hàng nông, thủy sản nhằm hình thành chuỗi kết nối, lưu thông trong chiến lược phát triển ngành Logistics.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 20 tổ chức, doanh, nghiệp có nhiều đóng góp phát triển ngành Logistics

Đi thẳng vào các giải pháp, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - nhấn mạnh, để tăng hiệu suất và giảm chi phí Logistics của Việt Nam, trước hết phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

“Để tuân thủ các thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu, các thương nhân Việt Nam mất khoảng 55 và khoảng 56 giờ với hàng xuất khẩu trong khi ở Singapore chỉ là 10 và 33 giờ. Phải thu hẹp được khoảng cách này” - ông Ousmane Dione nói và nêu tiếp vấn đề, việc đầu tư và kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là rất quan trọng, song trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn, Việt Nam cần ưu tiên những dự án có tính xương sống, kết nối liên vùng hơn là những dự án riêng lẻ.

“Vận tải đường bộ lớn hơn 4 lần so với đường thủy nội địa và đường sắt. Do đó, phải kết nối đa phương thức vận tải, đẩy mạnh vận tải đường thủy và đường biển. Phải có sự hỗ trợ về giá và đầu tư để có thể dịch chuyển sang vận tải đa phương thức” - vị đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bổ sung, kết quả tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam trong thời gian qua là khá ấn tượng, nhưng cần có những nỗ lực hơn nữa để tạo môi trường thông thoáng cho dịch vụ Logistics chất lượng cao, thúc đẩy cạnh tranh và khuyến khích áp dụng những công nghệ hiện đại trong ngành Logistics.

Một số chỉ tiêu phấn đấu của ngành Logistics đến năm 2015: Tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 8-10%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistic đạt 50-60%; chi phí giảm tương đương 16-20%; xếp hạng về chỉ số năng lực quốc gia về Logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2018 và tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp phát triển ngành Logistics Việt Nam.

Dũng - Duân - Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-nganh-logistics-cua-viet-nam-khong-dung-ngoai-xu-the-phat-trien-toan-cau-113057.html