Những dấu ấn khác biệt của Hoàng Trung Thông
Nhà thơ Hoàng Trung Thông là con người tài hoa, đa năng mà cuộc đời và sự nghiệp phong phú mang những dấu ấn khác biệt đáng để hậu thế tiếp tục quan tâm.
Ông sinh ngày 5/5/1925 quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và mất ngày 4/1/1993. Năm nay kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ họ Hoàng, ông vừa được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật lần thứ 6. Trước đó, ông cũng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
"Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Hai câu thơ quen thuộc đề cao tinh thần lao động trong "Bài ca vỡ đất" của nhà thơ Hoàng Trung Thông viết từ năm 1948 được đưa vào sách giáo khoa mà thế hệ chúng tôi học thuộc lòng. Hai câu thơ giản dị, sâu sắc mang tính triết lý nhân sinh, phần nào thể hiện tinh thần thi ca trong suốt sự nghiệp của ông.
Ở phương diện lãnh đạo, Hoàng Trung Thông được xem là "quan văn nghệ" khi từng giữ các trọng trách: Tỉnh ủy viên Nghệ An, Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ và Tổng biên tập Tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Viện trưởng Viện Văn học và Tổng biên tập Tạp chí Văn học (nay là Tạp chí Nghiên cứu Văn học). Ông được biết đến là người có tiếng nói quan trọng trong nhiều vụ việc văn hóa văn nghệ giữa lúc đất nước còn bị chia cắt hai miền vì chiến tranh.
Về chuyên môn nghề nghiệp, Hoàng Trung Thông là nhà nghiên cứu văn học, tác giả các tập phê bình, tiểu luận: "Chặng đường mới của văn học chúng ta" (1961), "Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống" (1979)… Ông còn là dịch giả Hán văn và Nga văn, với các tác phẩm dịch thuật về thơ Đỗ Phủ, Lục Du, Puskin, Mayakovsky, Simonov… và tham gia dịch, nghiên cứu thơ thời Lý - Trần, đề thơ ở từ đường Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Đặc biệt, ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu hàng đầu thế hệ kháng chiến chống Pháp, xuất bản các tập thơ: "Đường chúng ta đi" (1960), "Những cánh buồm" (1964), "Đầu sóng" (1968), "Tiếng thơ không dứt" (1989)...
Có thể nói, định danh "quan văn nghệ" của Hoàng Trung Thông chẳng qua là nhiệm vụ quản lý hành chính, còn chủ yếu ông là người hoạt động nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác văn học chuyên nghiệp. Điều đó đã thể hiện qua phong thái và ứng xử của ông. PGS-TS Lưu Khánh Thơ của Viện Văn học cho biết: "Năm 1975, nhà thơ Hoàng Trung Thông về làm Viện trưởng Viện Văn học theo lời mời của Giáo sư Đặng Thai Mai. Trái với tư thế nghiêm nghị, mực thước của vị Viện trưởng tiền nhiệm, nhà thơ Hoàng Trung Thông có tác phong giản dị gần gũi của một cán bộ quần chúng và sự phóng khoáng, thoải mái của người nghệ sĩ, nên các lớp cán bộ trẻ rất dễ gần. Ông ghé vào đâu, anh em có thể thoải mái nói chuyện hàng giờ với ông. Gặp ở ngoài đường, có thể cùng nhau tạt vào một quán nước chè, muốn bàn gì với ông cũng nhanh và tiện. Những lúc tỉnh táo, ông nói chuyện hấp dẫn, dí dỏm với những ý kiến sâu sắc, uyên bác về văn học".
Khi nhà thơ Hoàng Trung Thông đang là Viện trưởng Viện Văn học, có chủ trương của Nhà nước phong học hàm giáo sư cho các chuyên gia ở viện nghiên cứu. Đây là vinh dự lớn không chỉ của thời còn hiếm học vị học hàm ấy, mà ngay cả bây giờ cũng là mục tiêu đáng mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, dù Hoàng Trung Thông được ủng hộ tuyệt đối nhưng ông đã thẳng thừng từ chối: "Tôi là nhà thơ. Thế đủ rồi. Còn giáo sư gì nữa".
"Nhiều ý kiến cho rằng, thơ Hoàng Trung Thông có phần tỉnh táo, hiển ngôn, thiếu phần mượt mà. Thực tế, thơ ông giàu suy tư, suy tưởng và chân tình, chân thành, chân thật. Với Hoàng Trung Thông, chính sự chân thật đã "cứu" thơ ông, giúp thơ ông gần với đời, gần với lối nói mộc mạc, bình dị". PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn nguyên Viện phó Viện Văn học nhận xét và cho biết thêm: "Hoàng Trung Thông dường như cũng dự cảm được cái "tạng" của thơ mình nên đã tiếp nhận và hóm hỉnh đùa vui: "Chế Lan Viên chưa bao giờ khen thơ tôi mà khi viết thường nói thơ tôi phải say hơn nữa. Tôi cố uống rượu để cho say mà thơ tôi vẫn tỉnh như mọi người đều nói". Chính với tình bạn, tình người đã lan truyền và khiến Chế Lan Viên cảm xúc viết bài thơ cũng rất mực chân thành, ân nghĩa: "Ông thì hay say/ Tôi thì quá tỉnh" (Gửi Trạng Thông họ Hoàng)".
"Bài ca vỡ đất" cùng với "Anh chủ nhiệm" viết năm 1962 là hai bài thơ tiêu biểu của Hoàng Trung Thông khắc ghi hình ảnh một thời về con người và đất nước:
Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre
Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về
Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
Áo nâu bạc màu bay với gió
Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh
Vẽ cả ngày mai thành bức tranh.
Ít người biết rằng, bài thơ "Anh chủ nhiệm" là kết quả từ một chuyến đi thực tế sáng tác ở Nam Định của nhà thơ Hoàng Trung Thông cùng một đoàn nhà văn được sự hướng dẫn của tác giả tiểu thuyết "Bão biển" - nhà văn Chu Văn lúc ấy đang là Trưởng ty Văn hóa tỉnh Nam Hà (về sau tách trở lại thành hai tỉnh Nam Định và Hà Nam).
Hình ảnh nhân vật trong bài thơ của Hoàng Trung Thông là ông Trần Sĩ Tưởng - Chủ nhiệm Hợp tác xã cấp cao Mỹ Thắng tiên tiến ở huyện chiêm trũng Bình Lục vốn là vùng quê nghèo khó ven sông Châu. Vào thời kháng chiến chống Pháp, Trần Sĩ Tưởng tham gia Mặt trận Việt Minh, được kết nạp Đảng Cộng sản, nhưng trong Cải cách ruộng đất bị vu oan là "Quốc dân đảng" nên bị khai trừ Đảng, về sau sửa sai ông được kết nạp Đảng trở lại. Nhờ thừa kế kinh nghiệm tính toán làm ăn giỏi từ cha mẹ, Trần Sĩ Tưởng cùng vợ đã sản xuất, làm ăn phát đạt rồi đem áp dụng cho hợp tác xã khi được bà con tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Thú vị hơn, ông Trần Sĩ Tưởng chính là anh ruột của Đại tá, nhà báo Trần Nhung từng là Trưởng phòng Biên tập Thời sự Quốc tế Báo Quân đội Nhân dân và Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh.
Cuối đời, khi trở về với con người đích thực chính mình nhất, phẩm chất nghệ sĩ càng thể hiện mạnh mẽ trong thơ Hoàng Trung Thông. Tập thơ cuối cùng "Mời trăng" xuất bản năm 1992 của ông mang tính hướng nội, phản ánh những xung động khắc khoải bung phá vượt thoát trong tâm hồn, như bài "Biển" ông viết: "Tôi/ như cây/ nhổ ra/ khỏi đất/ Tôi/ như cá/ ra/ khỏi/ biển khơi".
Nhà thơ Hoàng Trung Thông còn là người thích xê dịch và nổi tiếng yêu quý bạn bè văn nghệ, chơi thân với các nhà thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Anh Thơ, Mộng Tuyết hay các họa sĩ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Diệp Minh Châu, Mai Văn Hiến,… Khi trải qua ngọt đắng thăng trầm đời người, bạn bè đồng nghiệp là điểm tựa cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Như ông gửi gắm qua bài thơ "Nhìn" xúc động viết tặng họa sĩ Mai Văn Hiến:
"Bên kia đường một người bơm xe
Bên này đường một người bét nhè
Còn tôi
Không bơm xe, vá xe
Không say rượu
Tôi ngẩn ngơ trông
Dưới gốc hòe mát rượi
Xe có thể bơm
Rượu có thể say
Tôi một mình nhìn và nhớ bạn
Thấy đời mình bớt nỗi đắng cay".
Ngoài thơ, Hoàng Trung Thông còn có những bài viết đáng chú ý về chân dung đồng nghiệp các thế hệ. Như với nhà văn Nam Cao mà ông có dịp gặp ở Việt Bắc trước khi tác giả của "Chí Phèo" hy sinh năm 1951: "Nam Cao là người rất tỉnh. Nhưng có lúc Nam Cao cũng say. Ai đã từng uống rượu với Nam Cao thì mới biết hết tấm lòng của anh. Khi rượu bốc lên, anh cũng chửi văng mạng như Chí Phèo. Lúc đó, có lẽ mới thật là Nam Cao. Nhưng lúc đó, Nam Cao hóa Chí Phèo, hay Chí Phèo hóa Nam Cao?". Những câu văn dung dị, tinh tế, sâu sắc. Hoàng Trung Thông viết cho Nam Cao mà ngỡ như viết cho chính ông!