Những cựu điệp viên KGB uy lực nhất nước Nga: Đồng thanh tương ứng

Xuất thân từ một cán bộ an ninh, đương kim Thủ tướng Nga Vladimir Putin từ hơn mười năm qua đã rất chú trọng tới việc đưa những người đồng chí cũ của mình vào các cương vị quan trọng trong bộ máy quyền lực ở Moskva. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đã có không ít những cựu điệp viên KGB nhờ thế mà trở thành những nhân vật vào hàng quyền lực hoặc giàu có nhất nước Nga hiện nay.

Tận tụy đi lên

Nổi bật nhất trong đội ngũ các cựu điệp viên KGB hiện đang ở thế thượng phong nhất tại Moskva là ông Igor Sechin, sinh ngày 7/9/1960 tại Leningrad , hiện đang ngồi ở chức Phó Thủ tướng đầy quyền lực. Báo chí phương Tây đánh giá rằng, hiện nay, ông Sechin là nhân vật quyền lực thứ ba ở nước Nga, sau Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Dmitri Medvedev.

Ông Sechin từng tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Leningrad năm 1982, nơi Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin đã theo học Khoa Luật vào những thời gian khác nhau. Chuyên môn của ông Sechin không liên quan gì tới ngành an ninh: ông là nhà nghiên cứu ngữ văn dòng Latinh, chuyên gia về tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Pháp.

Thế nhưng, nhiều người cho rằng, ông đã dựng nghiệp trong chính ngành an ninh và bắt đầu mọi sự với vai trò phiên dịch viên quân sự tại Angola, khi đó đang chìm trong cảnh nội chiến. Trở về quê hương năm 1986, ông Sechin vào làm tại Phòng Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Tổng hợp Leningrad, chịu trách nhiệm về việc đưa sinh viên và giảng viên Xô viết đi thực tập ở nước ngoài.

Năm 1988, ông Sechin chuyển sang làm việc tại Phòng Các thành phố kết nghĩa ở Xô viết Leningrad . Khi đó, cơ quan này cần gấp một phiên dịch viên tiếng Bồ Đào Nha để thực hiện công việc với thành phố kết nghĩa Rio de Janeyro của Brazil . Và đã có người giới thiệu ông Sechin với lãnh đạo phòng.

Theo lời kể của bà cựu Trưởng phòng này, Margarita Gromyko, làm việc với ông Sechin rất dễ chịu vì đấy là một người rất thiện chí, không thù dai. Ông không phải là người đi tới thành công trên con đường xây bằng xác các đối thủ. Bà Gromyko kể: “Khi tôi nhận ông ấy vào làm, thậm chí tôi không biết anh ấy từng là phiên dịch viên quân sự. Anh ấy cũng không thích gợi lại chuyện đó. Chỉ khi đọc trích ngang của anh ấy, tôi mới biết chuyện đó”.

Còn Valeri Pavlov, một trong những trợ lý của ông Sobchak thì kể: “Ông Sechin nổi bật nhờ sự bặt thiệp đặc biệt, khả năng giao tiếp cao nhưng lại rất kín tiếng. Không ai biết gì về đời tư, về hoàn cảnh gia đình của ông ấy cả, nhưng phụ nữ rất thích ông ấy…”.

Igor SechinSergei Ivanov, Rashid Nurgaliyev, Mikhail Fradkov, Sergey Chemezov, Andrey Belianinov.

Theo một số nguồn tin, ông Sechin đã bắt đầu quen biết với ông Putin từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước khi còn làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Leningrad (lúc đó, ông Putin là trợ lý của Hiệu trưởng Anatoli Sobchak, chịu trách nhiệm về các mối quan hệ quốc tế).

Còn theo một số nguồn tin khác, hai người thực sự lại gần nhau trong chuyến đi thăm Brazil vào đầu những năm 90 (khi đó, ông Putin là trợ lý của Chủ tịch Xô viết Leningrad , Anatoli Sobchak). Sau khi được bầu làm Thị trưởng St. Peterburg (tên hiện nay của Leningrad), ông Sobchak đã đưa ông Putin làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của tòa thị chính St. Peterburg.

Còn khi ông Putin trở thành Phó Thị trưởng St. Peterburg, ông đã đưa ông Sechin về làm việc trong bộ máy của mình, bắt đầu từ chức trưởng ban thư ký. Người ta kể lại rằng, trong giai đoạn đó, không ai trong giờ làm việc lại nhìn thấy cảnh ông Sechin ngồi cả: khi trả lời điện thoại, khi chuẩn bị tài liệu, lúc nào ông cũng đứng!

Cựu trợ lý Pavlov của ông Sobchak nhớ lại: “Ông Sechin được mọi người chú ý vì sự bặt thiệp và trí nhớ tuyệt vời. Ông ấy đã là trung tâm của phòng tiếp khách. Ông ấy đã là tâm điểm thu hút và xử lý mọi sự. Không, ông ấy không tinh quái và láu lỉnh. Thậm chí ngược lại. Ông ấy làm việc theo kiểu mà người ta vẫn nói, trung thành như khuyển mã. Không bao giờ hại ai theo ý riêng của mình. Việc này phụ thuộc vào tính khí của sếp chứ không phải của trợ thủ…”.

Thành công của ông Sechin, theo lý giải của ông Pavlov, là ở chỗ, ông không bao giờ cho phép mình vi phạm luật chơi chính của bộ máy: không bao giờ qua mặt “chủ xị” trong việc đưa ra các quyết định và không bao giờ vượt quyền. Và không bao giờ bộc lộ cảm xúc quá đà!

Khi ông Sobchak bị thất cử năm 1996, ông Putin đã từ chức và ông Sechin ngay lập tức cũng làm theo tấm gương của bậc đàn anh.

Tháng 8/1996 khi ông Putin tìm được việc làm mới ở Moskva trong văn phòng Tổng thống Nga, ông Sechin cũng đã được “ông anh Volodia” đưa lên thủ đô theo và tìm cho một chỗ làm tương ứng, bởi lẽ, ở thời điểm đó, khó có ai trung thành với ông Putin như người em trai đồng hương nhưng không cùng dòng máu này. Ông Sechin khi đó cũng là người đồng hương duy nhất mà ông Putin đưa lên Moskva.

Trong giai đoạn đầu, khi được cử làm Chánh văn phòng Thủ tướng của ông Putin, ông Sechin vẫn còn chưa quá thạo việc. Thế nhưng, ông đã mau chóng thu hút được cảm tình của các viên chức cao cấp ở Moskva nhờ cách hành xử thân thiện của mình: ông không biến phòng làm việc của sếp thành pháo đài khép kín và khác với nhiều trợ thủ thân tín của sếp, không lấy đó làm điều khi có ai đó ở trong phòng làm việc của sếp quá lâu. Các chuyên gia nhận xét, chính nhờ Chánh văn phòng Sechin mà Thủ tướng Putin đã được đánh giá như một trong những vị Thủ tướng dễ gặp nhất trong thời hiện đại của nước Nga.

Những người xung quanh cũng đánh giá cao khả năng hài hước của ông Sechin. Lắm khi, chỉ bằng một câu nói đùa hay câu chuyện đùa thâm thúy mà ông đã khiến các đối tác nhận ra rõ hơn vị trí thực của họ. Ông Pavlov nhận xét: “Ông Sechin hòa mình trong công việc và ý muốn của sếp. Nếu ai đó không được sếp cho gặp, ông biết cách tinh tế để họ hiểu ra điều này…”.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ông Sechin thường được lãnh đạo giao cho một nhiệm vụ rất đặc biệt: ông đóng vai trò như một trợ lý trong các công việc tế nhị, làm cầu nối giữa sếp với những người mà sếp cần. Ông Pavlov nhận xét: “Trong quan hệ của ông Sechin với mọi người hiện rõ thái độ của sếp đối với họ. Ông không bao giờ tác động đến ai: không phải vì ông không muốn hay không thể, mà ông là hàn thử biểu mà theo đó có thể thấy rõ tâm trạng của lãnh đạo”.

Phẩm hạnh quý báu của ông Sechin, như nhiều người biết rõ ông nhận xét, là ở chỗ ông không bao giờ tô vẽ thông tin mà truyền đạt nó rất chuẩn xác. Người ta bảo rằng, ông không bao giờ dính tới chuyện buôn quan bán tước…

Cùng với đà thăng tiến của ông Putin, ông Sechin đã được đưa vào nhiều chức vụ quan trọng gắn liền với các hoạt động của “ông anh Volodia”. Trong bất luận trường hợp nào thì từ đó, ông Sechin đã luôn là nhân vật gần gụi nhất với ông Putin. Đến mức ở Nga đã có câu, khi ta nói “Sechin” thì có nghĩa là ta nhắc tới “Putin”! Không có tình huống nào mà ông Sechin tự ý hành động khi chưa thông qua chủ trương với ông Putin.

Một số phương tiện truyền thông ở Nga có xu hướng tô vẽ ông Sechin như thể đó là người đứng đầu một nội các nào đó trong hậu trường, có nhiều tham vọng đang được ấp ủ. Tuy nhiên, theo lời bà Gromyko, đó chỉ là những tin đồn tức cười: “Igor về bản chất của mình chỉ là người thực hiện chứ không phải người hoạch định. Ông ấy không đủ tính sáng tạo cho vai trò này”.

Còn một vị cựu tướng quân KGB (xin giấu tên), từng quen biết ông Sechin từ nhiều năm nay, thì nói: “Trong đời tôi chỉ có 4 người tôi tin một cách vô điều kiện và trong bất cứ tình huống nào. Một trong 4 người đó là ông Sechin. Và tôi có thể nói một cách rõ ràng rằng, những gì mà báo chi nêu ra có thể có trong thực tế. Nhưng riêng ông Sechin thì không bao giờ làm việc gì mà không có chỉ dẫn của cấp trên…”.

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/sotay/2011/11/55594.cand