Những cây cầu rình rập tai nạn qua kênh chính hồ Núi Cốc

Kênh chính hồ Núi Cốc dài khoảng 18 km, rộng từ 13 đến 15 m, chảy trên địa bàn TP Thái Nguyên và huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay, có nhiều cầu bắc qua kênh đã hư hỏng, xuống cấp, gây mất an toàn. Địa phương cần có phương án sửa chữa, xây mới cầu qua kênh chính nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân.

Cầu tại Km3+170m đã hư hỏng hoàn toàn, không đi lại được

Hệ thống công trình thủy nông hồ Núi Cốc bao gồm: hồ, đập, kênh và các công trình trên kênh được xây dựng và đưa vào vận hành, sử dụng từ năm 1972. Thời điểm ấy, 25 cầu qua kênh được thiết kế và xây dựng là cầu sắt, cầu bê-tông, chỉ rộng hơn một mét, hầu hết không có lan can, phục vụ dân sinh, người quản lý kênh và xe thô sơ đi lại.

Sau khi xây dựng, các cầu phát huy tác dụng, vì chủ yếu là xe thô sơ qua lại, mật độ dân số thấp nên người qua lại cầu không nhiều. Sau đó, dân số tăng lên, hình thành nhiều thôn, xóm, khu dân cư hai bên kênh chính, các phương tiện tăng theo, thiết kế cầu không còn phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

Đi dọc kênh chính hồ Núi Cốc, chúng tôi thấy hầu hết các cây cầu được xây dựng cao hơn bờ kênh (để kết hợp với giao thông thủy dưới kênh), hầu hết cầu nhỏ hẹp, không có lan can, không được tu sửa, bảo dưỡng nên nhiều cầu xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông, cá biệt có cầu hư hỏng không thể đi lại được. Vì thế, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân.

Cầu tại Km4+750m chỉ còn tác dụng đi bộ.

Điển hình là tại vị trí Km1+796m, dầm cầu bị võng, trụ cầu yếu, lan can bằng dây thép chằng thưa nên không bảo đảm an toàn. Tại vị trí Km3+170m, chỉ còn lại hai trụ cầu nhỏ, không còn mặt cầu nên không thể đi lại được. Tại vị trí Km4+750m, mặt cầu không gắn kết với bờ kênh, các miếng bê-tông trên mặt cầu bị bật ra khỏi kết cấu cầu nên chỉ có thể đi bộ.

Tại Km5+300m, không có trụ cầu, các miếng bê-tông gắn với nhau trên mặt cầu đã không còn gắn kết với kết cấu cầu, miếng bê-tông mỏng và đã hư hỏng, cầu không có lan can nên đi lại rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với người điều khiển xe gắn máy đi vào ban đêm. Có tổng số tám cầu trên kênh chính hư hỏng, trong đó có một cầu không còn đi lại được.

Cầu tại Km5+200m là những miếng bê-tông ghép mỏng, chịu lực kém, không có lan can nên tai nạn luôn rình rập.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên Nguyễn Công Thịnh cho biết: Với thực trạng cầu bắc qua kênh chính hồ Núi Cốc nhỏ hẹp, xuống cấp, không có lan can nên đến nay không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng nhanh của nhân dân, đặc biệt là mất an toàn. Điển hình là đã xảy ra một số vụ người điều khiển phương tiện ngã xuống kênh chết; người lớn và học sinh ngã xuống kênh bị thương, được phát hiện kịp thời.

Nhiều lần tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, cử tri hai bên bờ kênh phản ánh khó khăn, bất cập của những cây cầu rình rập tai nạn này. Tỉnh Thái Nguyên cần rà soát, đánh giá tổng thể các cầu bắc qua kênh chính hồ Núi Cốc để sớm có phương án sửa chữa, xây mới nhằm bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/giao-thong/item/38166202-nhung-cay-cau-rinh-rap-tai-nan-qua-kenh-chinh-ho-nui-coc.html