Những bước tiến trong điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser xung dài

Laser xung dài mang lại nhiều ưu điểm bởi hiệu quả tức thì ngay sau điều trị như không đau, không nghỉ dưỡng, không sưng bầm, không dùng thuốc sau điều trị.

Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch chân là hiện tượng van tĩnh mạch bị suy yếu theo thời gian gây nên hiện tượng trào ngược, lâu ngày làm tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch chi dưới. Biểu hiện thường thấy nhất bằng mắt là xuất hiện tĩnh mạch có màu xanh hoặc tím đậm trên da (hay gọi là gân xanh gân tím).

Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân. Nguồn: mimithealth.

Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân. Nguồn: mimithealth.

Nếu kích thước những tĩnh mạch này dưới 1mm gọi là giãn tĩnh mạch mạng nhện (spider vein hay telangiectasia), từ 1 đến 3mm gọi là dạng lưới (reticular vein) và trên 3mm gọi là giãn dạng búi (varicose vein). Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có 7 cấp độ từ C0 đến C6. Ngoài hiện tượng giãn tĩnh mạch trên da, triệu chứng thường đi kèm bao gồm: nóng ran, tê chân, đau nhức, nặng chân, phù chân, sạm da và loét trên mắt cá trong.

Khuyến cáo của bác sĩ

Thạc sĩ - Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Duy Kiên hiện đang công tác tại Khoa Phẫu thuật Mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết "Hiện nay đa số bệnh nhân chờ đến khi chân có biểu hiện nóng, tê, đau, nhức, nổi búi to mới đi thăm khám. Trong các cấp độ của suy giãn tĩnh mạch, bệnh nhân thường đến khám nhiều nhất khi đang ở cấp độ 1 (giãn tĩnh mạch mạng nhện/dạng lưới) và cấp độ 2 (giãn búi to > 3mm).

Ngoài điều trị nền tảng như mang vớ giãn tĩnh mạch áp lực, tránh đứng lâu ngồi lâu, tập thể dục, can thiệp ít xâm lấn hiện nay được xem như một bước tiến trong điều trị suy giãn tĩnh mạch.

Với bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch dưới da mức độ 1 ảnh hưởng thẩm mỹ thì tiêm xơ hoặc laser xung dài (laser bề mặt) được xem là những phương pháp điều trị hiệu quả. Với bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch giãn búi to (độ 2) thì can thiệp nội mạch bằng laser bước sóng dài (EVLA) được khuyến cáo với mức độ cao nhất bởi các Hiệp hội Tĩnh mạch trên thế giới (khuyến cáo mức I, bằng chứng loại A theo y học thực chứng).

Trong những năm gần đây, để tăng tỷ lệ hài lòng và hiệu quả thẩm mỹ trong điều trị suy giãn tĩnh mạch nông độ 1, nhiều chuyên gia đã giới thiệu về ứng dụng công nghệ SCLASER (sclerotherapy + Laser xung dài) vì hiệu quả cải thiện rõ rệt so với tiêm xơ hay laser xung dài đơn thuần.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng tiêm xơ (sclerotherapy). Nguồn: surfacemedicalesthetics.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng tiêm xơ (sclerotherapy). Nguồn: surfacemedicalesthetics.

Với suy giãn tĩnh mạch độ 2 nguyên nhân từ hệ thống tĩnh mạch hiển (chiếm 80% nguyên nhân suy giãn tĩnh mạch nông), công nghệ laser nội mạch (EVLA) kết hợp với kỹ thuật bóc búi tĩnh mạch trong 1 thì làm tăng hiệu quả điều trị và sự hài lòng của bệnh nhân theo khuyến cáo mới nhất của ESVS 2022 (Hiệp hội tĩnh mạch châu Âu).

EVLA SafeClean giúp bệnh nhân đạt hiệu quả điều trị cao nhất và đảm bảo được 2 tiêu chí: An toàn và sạch búi tĩnh mạch (Safe & Clean)”.

Suy giãn tĩnh mạch độ 1 ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ

Ở một số bệnh nhân, đặc biệt là nữ giới, triệu chứng suy giãn tĩnh mạch độ 1 có thể gây ra khó chịu vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đặc biệt ở một số bệnh nhân có cấu trúc da trắng, mỏng hoặc sử dụng kem chứa Corticoid thời gian dài gây bào mòn da làm lộ những mạch máu dưới da.

Chính vì thế khi có biểu hiện nổi gân tím, gân xanh bệnh nhân nên đến cơ sở uy tín có bác sĩ chuyên khoa về mạch máu để được khám, siêu âm, đưa ra phác đồ chuẩn.

Suy giãn tĩnh mạch chân độ 1. Nguồn: vein centers of florida.

Suy giãn tĩnh mạch chân độ 1. Nguồn: vein centers of florida.

Ưu điểm khi dùng laser xung dài điều trị giãn tĩnh mạch chân

Laser xung dài thường được sử dụng với bước sóng 1064nm, năng lượng của nó được hấp thụ sâu tới lớp hạ bì và cho phép hỗ trợ điều trị các tổn thương mạch máu ở vị trí bề mặt da. Những dòng máy móc hiện đại kết hợp hệ thống làm lạnh tức thì giúp hạn chế sưng bầm hoặc biến chứng tăng sắc tố da.

Hình minh họa bắn laser xung dài điều trị suy giãn tĩnh mạch. Nguồn: certifiedfoot.

Hình minh họa bắn laser xung dài điều trị suy giãn tĩnh mạch. Nguồn: certifiedfoot.

Laser xung dài được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi hiệu quả tức thì ngay sau điều trị như: Không đau, không nghỉ dưỡng, không sưng bầm, không dùng thuốc sau điều trị.

Biến chứng khi dùng laser xung dài điều trị giãn tĩnh mạch chân

Hiện nay, một số cơ sở y tế đang lạm dụng phương pháp laser xung dài để điều trị giãn tĩnh mạch chân cho mọi cấp độ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, laser xung dài chỉ hiệu quả trong điều trị suy giãn tĩnh mạch nông độ 1 dạng mạng nhện.

Vì vậy, bệnh nhân nên được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa mạch máu, khám lâm sàng kết hợp siêu âm đánh giá huyết động hệ tĩnh mạch chi dưới ở tư thế đứng và nằm, nhằm đưa ra phương án điều trị tối ưu (bảo tồn hoặc can thiệp).

Điều trị bằng laser xung dài nếu không được thực hiện đúng chỉ định và kỹ thuật sẽ làm tổn thương mô, gây nên những biến chứng thường gặp như: Đỏ ở vùng da điều trị, phồng rộp, đóng vảy, sưng tấy, đốm, thay đổi (tăng hoặc giảm) sắc tố da qua thời gian, tổn thương thần kinh dưới da, viêm do tổn thương, tái phát…

Tái phát sau điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng laser xung dài

Tình trạng tái phát sau khi điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng laser xung dài rất phổ biến.

Nguyên nhân phần lớn do nhiều trung tâm thẩm mỹ, spa lạm dụng laser xung dài để xử lý những tĩnh mạch nông chỉ dựa trên biểu hiện bề mặt (gân xanh, đỏ) mà không có quy trình chẩn đoán chuyên sâu, dẫn đến không thể phát hiện dòng trào ngược bệnh lý và các tổn thương thực thể của hệ thống tĩnh mạch nông - tĩnh mạch xuyên và tĩnh mạch sâu (3 hệ thống tĩnh mạch chi dưới). Đây mới chính là nguyên nhân gốc rễ cần được điều trị triệt để.

Khi phát hiện có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch, bệnh nhân cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa mạch máu để có phác đồ điều trị chuẩn y khoa, xử lý từ nguyên nhân gốc rễ, tránh bệnh bị tái phát, khiến bệnh nhân tốn nhiều tiền bạc và thời gian.

Phát triển quy trình kỹ thuật SCLASER trong điều trị suy giãn tĩnh mạch

Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Duy Kiên cho biết SCLASER là quy trình công nghệ ứng dụng kết hợp tiêm xơ và laser xung dài trong 01 đợt điều trị nhằm phát huy thế mạnh của cả hai phương pháp, giúp đem lại hiệu quả tối ưu thay vì chỉ dùng một biện pháp đơn thuần. Quy trình điều trị suy giãn tĩnh mạch chuẩn y khoa gồm các bước sau:

- Thăm khám với bác sĩ mạch máu để đánh giá chính xác tình trạng suy giãn tĩnh mạch đang ở mức độ nào: Nên được thăm khám tại các bác sĩ có chuyên khoa sâu về phẫu thuật mạch máu.

- Chẩn đoán loại trừ: Loại trừ các bệnh lý đi kèm có chung triệu chứng giống suy giãn tĩnh mạch như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống liên quan đến xương khớp.

- Siêu âm mạch máu chuyên sâu ở tư thế đứng và nằm, kiểm tra dòng mạch máu trào ngược, đánh giá huyết động tĩnh mạch chi dưới nhằm phát hiện dòng trào ngược bệnh lý (reflux sign).

- Kết luận cấp độ giãn tĩnh mạch.

- Giai đoạn 1: Điều trị bằng phương pháp vi tiêm xơ để xử lý giãn tĩnh mạch dạng lưới.

- Đánh giá refill: Đánh giá hiện tượng refill (một hiện tượng các tĩnh mạch sẽ lại đầy và tái hiện, chiếm tỷ lệ 20-40% sau tiêm xơ đơn thuần).

- Giai đoạn 2: Bệnh nhân sẽ được bổ sung liệu trình laser xung dài (NYAG 1064nm) nhằm triệt tiêu các tĩnh mạch tồn dư mà không thể xử lý được bằng tiêm xơ đơn thuần trước đó.

- Tái khám định kỳ: Bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi, tái khám định kỳ theo lịch hẹn Bác sĩ.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch bệnh nhân cần đến các tổ chức y tế chuyên sâu. Nguồn: Dr.Vein.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch bệnh nhân cần đến các tổ chức y tế chuyên sâu. Nguồn: Dr.Vein.

Lưu ý trong điều trị suy giãn tĩnh mạch bệnh nhân cần đến các tổ chức y tế chuyên sâu được Bộ Y tế cấp phép. Được thăm khám, chẩn đoán, siêu âm, điều trị, theo dõi trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật mạch máu có kinh nghiệm. Giúp đảm bảo mang lại kết quả điều trị lâu dài, hạn chế tái phát tại vùng điều trị hoặc diễn tiến bệnh nặng hơn theo thời gian.

Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Duy Kiên chuyên khoa II tốt nghiệp đại học Y Dược và hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú và chuyên khoa cấp 2 chuyên ngành ngoại lồng ngực - tim mạch. Có nhiều năm công tác công tác tại khoa phẫu thuật mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Về lĩnh vực mạch máu, bác sĩ Kiên đã tham gia điều trị và phẫu thuật nhiều trường hợp bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, phình động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên, hẹp động mạch cảnh. Được cấp chứng nhận điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tầng (Laser và RFA). Mỗi năm phẫu thuật hơn 1000 ca giãn tĩnh mạch từ cấp độ C0 đến C6.

Hiện Bác sĩ Phan Duy Kiên là thành viên Hội nghị Mạch máu Châu Âu (ESVS), Hội nghị vết thương Châu Âu (EWMA), Thành viên Hiệp hội Global - CLI và Hội bệnh lý Mạch máu Việt Nam.

Từng tu nghiệp chuyên sâu tại, Mỹ, Singapore, Úc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha... Bác sĩ Kiên là tác giả và đồng tác giả nhiều công trình khoa học về lĩnh vực mạch máu và vết thương, đồng thời còn tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy và viết sách chăm sóc và điều trị vết thương.

Hạ Lam

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-buoc-tien-trong-dieu-tri-suy-gian-tinh-mach-bang-laser-xung-dai-ar870973.html