Những bông hồng Mặt trận
Xinh đẹp, dịu dàng, giỏi giang - họ là những bông hồng Mặt trận. Dù là cán bộ Mặt trận hay là một người vợ, người mẹ thì họ vẫn đang thể hiện tốt vai trò của mình, vai nào cũng nặng như nhau, cũng phải dồn hết tâm trí, sức lực để đảm đương hoàn thành.
Ðại Ðoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với các bà: Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội; Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh; Võ Thị Minh Sinh Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An; Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình; Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa; Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận; Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh; Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang…Trong không khí của một mùa xuân mới, họ đã mang đến một tinh thần dấn thân, luôn sẵn sàng đối diện với những thách thức từ giá trị mình lựa chọn.
PV: Thưa các chị, nhắc đến công việc của Mặt trận có người ví von “thở không ra hơi, bơi không hết việc”. Đối với nam giới làm Mặt trận cũng không phải là điều dễ dàng vậy với phụ nữ thì sao? Thường thì để có thành công phụ nữ phải chứng tỏ nhiều hơn nam giới. Và để thành công phụ nữ cũng đánh đổi nhiều hơn nam giới. Các chị có thể chia sẻ cơ duyên nào để đến với công việc không hề đơn giản này?
Bà Võ Thị Minh Sinh: Tôi đồng tình khi nói làm công tác Mặt trận không phải là điều dễ dàng, nói như vậy bởi bản thân tôi học chuyên ngành kinh tế và thời gian có nhiều kinh nghiệm nhất vẫn là môi trường kinh tế và quản lý nhà nước (23 năm), trong đó có gần 8 năm làm ở doanh nghiệp và 15 năm công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó được tỉnh điều động luân chuyển đi cơ sở làm Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, rồi được điều về làm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy trước khi được về “đầu quân” cho Mặt trận.
Tôi rất yêu công việc của mình và tôi cũng hiểu rằng không có việc gì là dễ dàng, đơn giản nếu muốn thành công, vấn đề quan trọng nhất, theo tôi là phải có tình yêu và sự đam mê thực sự, chỉ có như vậy mới hóa giải được mọi sự khó khăn trong cuộc sống cũng như sự nghiệp.
Bà Phạm Thị Hân: Khi tôi còn là sinh viên, bên cạnh việc nỗ lực học tập, tôi cũng tham gia nhiều hoạt động trường lớp như bao bạn cùng lứa. Thế nhưng có giảng viên đã “phán” rằng: Nhìn khuôn mặt cô này tương lai rồi chắc chắn sẽ làm cán bộ Mặt trận vì “trận nào cô cũng có mặt” (cười). Quả đúng như thế, tốt nghiệp ra trường tôi vào làm công tác vận động quần chúng và sau 24 năm tôi được Đảng bố trí về với Mặt trận, đó là cơ duyên và là niềm vinh dự, tự hào. Trong công tác Mặt trận, nam giới, nữ giới đều có những lợi thế và khó khăn nhất định, song chúng ta luôn gần dân, sát dân, làm tốt vai trò “cầu nối” thì tôi tin rằng nam hay nữ cũng sẽ được dân “yêu”, Đảng “mến”.
Bà Tô Thị Bích Châu: Tôi cảm thấy rất tự hào vì mình là một người phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam luôn “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đây cũng là một lợi thế khi phụ nữ tham gia công tác Mặt trận. Bản thân tôi khi tiếp cận công tác Mặt trận, luôn nhận được sự hỗ trợ từ các anh chị đi trước, đặc biệt là luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đồng nghiệp nam và có vẻ được “ưu ái” hơn vì mình là nữ.
Tôi cũng đã từng kinh qua các nhiệm vụ, nhiều lĩnh vực và khi ở vị trí được lãnh đạo thành phố tin tưởng giao nhiệm vụ là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, tôi thấy mình sẽ có nhiều cơ hội để học tập và rèn luyện nên đã mạnh dạn chấp hành sự phân công. Một khi đã yêu thích, thấy được những lợi ích từ công việc đem tới cho người dân, tôi không còn thấy công tác Mặt trận là một việc khó khăn, nhàm chán nữa.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Khi tôi đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thì được Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ ứng cử để Đại hội MTTQ tỉnh Thanh Hóa hiệp thương giữ chức Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2019-2024. Tôi nghĩ đó là cơ duyên và tôi cảm thấy rất vinh dự nhưng cũng thấy rõ trách nhiệm lớn lao trước việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tôi nghĩ rằng, trên cương vị lãnh đạo, tôi sẽ phải cùng vào cuộc với cán bộ trong những lúc khó khăn, bàn bạc trao đổi dân chủ theo quan điểm, cán bộ có tốt thì mình mới tốt được. Lấy trí tuệ tập thể, tham gia ý kiến đóng góp để làm, từ đó có thêm sức mạnh và luôn quán triệt tinh thần đoàn kết trong cơ quan, quan tâm giải quyết, tìm cách tháo gỡ những bức xúc. Muốn đoàn kết thì phải giữ nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ luật phát ngôn, lời nói việc làm phải đi đôi với nhau.
Bà Diêm Hồng Linh: Lần đầu về công tác tại cơ quan Mặt trận tôi còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi. Lúc đó nhiều người ngạc nhiên vì thường nghĩ cán bộ làm công tác dân vận là những người có tuổi. Có người nói tôi dũng cảm. Và đến đâu tôi cũng được chào “Cụ Mặt trận”. Trải qua 16 năm công tác mới thấm thía cái khó, cái khổ nhưng công việc đã tạo điều kiện cho tôi được gần gũi với nhân dân và mang niềm vui đến cho mọi người. Do vậy, càng làm tôi càng thấy yêu mến công việc này hơn.
Bà Phạm Thị Bích Hà: Hồi trẻ, tôi học Văn khoa với mơ ước trở thành phóng viên, nhưng cơ duyên lại đưa tôi đến với Mặt trận, sau khi được “trải nghiệm” qua các nơi là cơ quan Ban Đảng, Nhà nước và Đoàn thể. Tôi về công tác tại cơ quan Mặt trận sau Đại hội năm 2014, khi đã ngoài 40 tuổi. Ban đầu, tôi cũng rất bỡ ngỡ nhưng rồi càng làm tôi càng thấy say mê, yêu thích công việc của mình. Đến nay, tôi tiếp tục bước vào nhiệm kỳ thứ hai ở ngôi nhà đại đoàn kết này. Dù khó khăn, vất vả nhưng cán bộ Mặt trận chúng tôi cũng có thật nhiều niềm vui, hạnh phúc khi luôn gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, được dân tin, dân mến.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy: Quả thực, làm công tác Mặt trận đối với nam giới đã khó, với phụ nữ lại càng khó hơn gấp bội bởi bên cạnh “gánh” công tác Mặt trận như nam giới thì phụ nữ chúng tôi còn có thiên chức làm mẹ và cả bộn bề những công việc không tên khác khi làm vợ. Nhưng dù khó khăn đến đâu đi chăng nữa, phụ nữ làm công tác Mặt trận vẫn có những lợi thế riêng và với tôi đó còn là một “căn duyên”.
Bản thân tôi được đào tạo chuyên môn là nghề Dược, những tưởng chỉ “yên vị” phục vụ trong ngành Y, Dược, nhưng tôi lại rẽ sang hướng khác. Điều thú vị là những “ngã rẽ” của tôi đều gắn với công tác vận động quần chúng. Và tôi đến với Mặt trận nhẹ nhàng như thể “nghề” Mặt trận là “cái duyên” gắn với cuộc đời mình vậy.
Bà Nguyễn Lan Hương: Tôi cũng đến với công tác Mặt trận như một cái duyên. Trưởng thành từ cán bộ Đoàn, trải qua nhiều vị trí công tác, từ Bí thư Thành đoàn, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng tới Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, đều có liên quan mật thiết với công tác đoàn thể, công tác vận động quần chúng. Trải qua gần 30 năm gắn bó với công tác đoàn thể, được tiếp xúc với nhiều tổ chức thành viên, càng tìm hiểu càng thấy phong phú, hấp dẫn và say sưa với công tác này.
Công tác Mặt trận đòi hỏi người cán bộ phải xông pha trên nhiều “mặt trận” khác nhau từ xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cho tới giám sát, phản biện. Người phụ nữ ngoài công việc xã hội còn phải dành nhiều thời gian cho gia đình. Chắc cũng có không ít khó khăn khi phải gánh cả hai vai để làm tròn trách nhiệm gia đình và xã hội?
Bà Phạm Thị Hân: Tôi nghĩ nam hay nữ đều có trách nhiệm với công việc, xã hội và gia đình. Song so với nam giới, quả đúng nữ giới có nhiều khó khăn hơn khi phải cân bằng tốt vai trò kép giữa đời sống gia đình và công việc. Nhưng nếu “mặt trận” xã hội là trách nhiệm và vinh dự của bản thân, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực và niềm vui khi có những đóng góp nhất định, thì “mặt trận” gia đình chính là điểm tựa vững chãi để giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cá nhân tôi xác định điểm chung của cả hai “mặt trận” đều cần sự nỗ lực cố gắng, chân thành sẻ chia, biết cho và nhận… để hoàn thành tốt vai trò của mình.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Trong cuộc sống đời thường, tôi thấy mình là người may mắn. Bố mẹ chồng mặc dù không công tác trong cơ quan nhà nước nhưng rất thấu hiểu và tạo điều kiện cho con cái. 22 năm tôi làm dâu, chưa bao giờ mẹ chồng tôi nói nặng một lời. Tôi nghĩ, mình có hoàn thành nhiệm vụ hay không cũng nhờ phần lớn sự giúp đỡ, ủng hộ của các thành viên trong gia đình, trong đó, chồng, con là những người gần gũi nhất.
Bà Võ Thị Minh Sinh: Có thể nói, mỗi người có cách sắp xếp “việc nước, việc nhà” khác nhau, nhưng sự cố gắng của người vợ, người mẹ trong hoàn cảnh này còn cần có cả sự hy sinh. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, mình có đi làm công tác dân vận, Mặt trận ở đâu mà ngay ở nhà mình, trong gia đình mình còn chưa “dân vận khéo” được thì sẽ khó thành công. Và cho dù mình làm gì, ở đâu, thành công của mình luôn có sự đồng hành, chia sẻ của mọi thành viên trong gia đình thì đó là điều hạnh phúc nhất.
Bà Diêm Hồng Linh: Bản thân tôi là người ham việc nhưng tôi cũng như bao người phụ nữ khác, ngoài thời gian cống hiến ở cơ quan rất cần có một hậu phương vững chắc, là bến bờ mỗi khi mệt mỏi. Tôi đã may mắn có được sự động viên, chia sẻ từ gia đình nên tôi mới được là tôi của ngày hôm nay.
Bà Nguyễn Lan Hương: Phụ nữ khó hơn nam giới ở chỗ vừa phải làm tốt công việc được giao, vừa phải nỗ lực hết mình để làm tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ. Ðặc biệt, so với nam giới, phụ nữ có nhiều trở ngại về sức khỏe. Vì vậy, áp lực đối với người phụ nữ lớn hơn rất nhiều, phải biết cách bố trí công việc khoa học, hợp lý, cố gắng dành thời gian chăm lo cho gia đình. Để làm tròn hai vai “việc nước, việc nhà” thì mỗi cán bộ phụ nữ đều phải cố gắng, bản thân tôi cũng vậy.
Bà Tô Thị Bích Châu: Bất kỳ một người phụ nữ nào khi tham gia các hoạt động ngoài xã hội luôn có những khó khăn nhất định, không thể cùng lúc có được trọn vẹn trách nhiệm cho công việc cơ quan và việc gia đình. Tôi may mắn có được một gia đình luôn làm hậu phương vững chắc và luôn hỗ trợ, ủng hộ tôi hết mình. Cho nên những lúc có thời gian nghỉ ngơi, tôi chỉ muốn về với gia đình mình.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy: Tôi luôn có một ước ao, một ngày không chỉ có 24h, bởi tôi luôn có cảm giác mình thiếu thốn thời gian kinh khủng cho mọi công việc của mình. Cùng một lúc, tôi phải đóng nhiều vai trò hơn vừa lo việc cơ quan vừa phải đảm việc nhà, đôi khi tôi có cảm giác “rất đuối” vì phải luôn chạy đua với thời gian để có thể hoàn thành tốt nhất mọi vai trò của mình. Thế nên tôi phải biết cách sắp xếp thời gian, công việc của mình một cách khoa học để không chỉ sống cho công việc, cho gia đình mà còn phải sống cho bản thân mình nữa.
6 năm làm công tác Mặt trận, hơn ai hết tôi cảm nhận được khá rõ những khó khăn, thử thách của phụ nữ khi làm công tác Mặt trận. Với phụ nữ, nếu chỉ thành công ở ngoài xã hội mà gia đình không yên ấm thì coi như chưa thành công. Với tôi, gia đình là bến đỗ bình yên, là điểm tựa vững chãi. Cha ông ta nói không sai, “tề gia” rồi mới đến “trị quốc, bình thiên hạ”. Gia đình hạnh phúc, ấm êm thì công việc, xã hội mới phát triển được.
Bà Phạm Thị Bích Hà: Với vai trò Phó Chủ tịch được phân công phụ trách lĩnh vực rất rộng là Dân tộc - Tôn giáo và Tuyên giáo - Phong trào, tôi luôn có hàng trăm đầu việc không tên. Việc phải làm ngoài giờ, làm ngày nghỉ là chuyện bình thường. Điều may mắn hơn là tôi luôn có sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ từ gia đình. Và mỗi khi công việc áp lực, tôi lại tìm đến với sáng tác. Hiện tôi đang là hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận, có hai tập thơ đã xuất bản là Trăng ở biển -2005 và Khúc lặng chiều ở biển - 2010. Đến với thơ - tôi như tìm thấy chính mình, để cân bằng những cảm xúc và tạo cho mình niềm hứng khởi mới trong công việc.
Thực tế hiện nay cho thấy, người phụ nữ không chỉ đảm đang việc nhà mà còn đảm nhận nhiều công việc ngoài xã hội. Và để làm tròn cả hai chức năng ấy, người phụ nữ cần phải có cả năng lực làm việc và năng lực cảm xúc, dù đó là một việc không dễ dàng gì. Các chị có thể chia sẻ một số kỷ niệm mang tính đặc thù mà nữ giới gặp phải trong công tác?
Bà Võ Thị Minh Sinh: Tôi từng được mệnh danh là “hình nữ, tính nam, làm như đàn ông” sau những ngày công tác trèo đèo lội suối cùng đoàn công tác liên ngành đi thẩm tra quyết toán các công trình 135 khi còn làm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư. Rồi những ngày đi luân chuyển ở cơ sở tại huyện Quỳ Hợp, một huyện miền núi cách thành phố Vinh 120 km, có khá nhiều chuyện. Đó là lần đầu tiên tôi được đánh trống tại Lễ giao nhận quân của huyện với tư cách là Chủ tịch UBND huyện, tôi đã cầm ngược dùi trống và chú bộ đội có nhắc “Dì ơi, ngược dùi rồi”, nhưng khi đó tay đã giơ lên cao nên tôi vẫn vừa đánh trống vừa nói “ngược cũng đánh”, rất may là tiếng trống vẫn kêu rất to.
Nhưng có kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là khi đi dự lễ hội Mường Ham, đây là Lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Thái vào dịp đầu xuân của huyện, tại bữa cơm với các già làng, trưởng bản, tôi không uống được rượu, kể cả rượu cần (điều này sẽ làm cho các Cụ không vui), vì vậy tôi xin đổi “rượu” thành “hát” và được bà con chấp nhận. Tối hôm đó, sau khi bà con biết tôi sẽ hát tại Chương trình văn nghệ của xã, mọi người đến rất đông để xem “bà Chủ tịch huyện mới về hát cho bà con nghe” rất may tôi đã hát trọn vẹn và bà con còn lên múa phụ họa cho tôi, đây là một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Rồi có lần, bà con ở trên đó có người còn hỏi tôi “bà Chủ tịch ngủ cũng tắt điện à?”, tôi trả lời “vâng, có gì không bác?”, lúc đó bác ấy nói luôn “Bà Chủ tịch là phụ nữ mà ngủ một mình vẫn không sợ ma nhỉ”…(cười)
Bà Phạm Thị Hân: Bản thân tôi sinh ra ở miền sông nước nhưng lại sợ nước và không biết bơi. Vì vậy những lần tham gia cứu trợ lũ lụt mặc dù đã mặc áo phao rất cẩn thận, tôi vẫn không bao giờ quên thông báo trước với mọi người rằng rất có thể tôi sẽ cần được “cứu trợ”!
Như bao phụ nữ khác, tôi cũng có những phút giây mềm yếu nên có những lúc thăm hỏi, động viên, chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người khuyết tật, tôi không kìm được nước mắt... Vì thế nên có khi xuất hiện tình huống ngược lại là người được thăm hỏi, chia sẻ lại quay sang động viên, vỗ về tôi!
Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Câu chuyện của tôi day dứt hơn là kỷ niệm. Đó là lần bố chồng tôi ốm, ông ốm dài ngày và phải ra điều trị ở Hà Nội. Thời điểm đó, tôi đang giữ chức Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa. Do đặc thù công việc nên thường chỉ ra thăm, động viên tinh thần để bố yên tâm điều trị. Tôi đã lên kế hoạch sau kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) sẽ xin nghỉ phép để được về chăm sóc bố. Nhưng mong ước đó của tôi đã không trở thành sự thật. Trong suốt quá trình công tác hơn 20 năm qua, đây là điều khiến tôi day dứt nhất.
Bên cạnh những khó khăn thì phái nữ cũng có những lợi thế nhất định. Chẳng hạn như yếu tố nữ giúp “mềm hóa” các vấn đề gai góc. Với các chị, lợi thế ấy đã được phát huy như thế nào?
Bà Diêm Hồng Linh: Có một kỷ niệm mà tôi thấy rất vui và mỗi lần nhớ đến nó tôi lại phì cười. Đó là năm 2016, MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức đoàn giám sát một UBND xã. Trước khi đến đó làm việc, các đồng chí ở UBND xã vẫn nghĩ trưởng đoàn giám sát là ông Diêm Hồng Linh, họ đoán “ông” này mà đi giám sát chắc hẳn phải là người có tuổi, nguyên tắc, khô khan và khó tính. Nhưng khi đoàn đến nơi làm việc thì mọi suy nghĩ trước đó đã bị xóa nhòa. Sau buổi làm việc đó, Chủ tịch UBND xã rất cầu thị tiếp thu và thẳng thắn chia sẻ rằng suốt 12 năm làm việc tại cơ sở, đã tiếp nhiều đoàn kiểm tra giám sát, nhưng chưa bao giờ có buổi làm việc hiệu quả, bổ ích như vậy. Sau đó, UBND xã đã có báo cáo thực hiện nghiêm những kiến nghị của Mặt trận, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm mà đoàn giám sát chỉ ra. Tôi nghĩ, đây là lợi thế. Phụ nữ làm Mặt trận có thể mềm hóa nhiều vấn đề gai góc và khô cứng. Do đó, trước những vấn đề phức tạp, nếu chúng ta giải quyết có lý có tình, đặt quyền lợi của người dân lên trên lợi ích cá nhân thì mọi việc sẽ được giải quyết một cách mềm mại, uyển chuyển. Có lẽ những lợi thế ấy cần được phát huy như một chức năng đặc thù trong công tác Mặt trận.
Bà Võ Thị Minh Sinh: Đúng là cũng có những lúc, những nơi phái nữ có những lợi thế nhất định, bởi phái nữ luôn có cách tiếp cận, góc nhìn, kỹ năng và cách giải quyết rất đặc trưng về giới. Tuy nhiên, đối với các vấn đề gai góc theo nghĩa công việc, theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ rằng, ngoài nắm vững chuyên môn, nghiên cứu kỹ vấn đề, bất kể là ai cũng cần phải có sự thông minh, tinh tế, nhạy bén và linh hoạt, thậm chí là xen lẫn sự hài hước để có thể hóa giải được những tình huống “khó đỡ”, chưa nói đến việc mình phải làm tốt công tác dân vận, hết sức thành tâm và thiện chí, bởi đó chính là kỹ năng mềm, được rèn dũa qua quá trình công tác của mỗi người.
Bà Phạm Thị Hân: Tôi nghĩ mọi khó khăn, gai góc gặp phải trong công việc, cuộc sống nếu biết cách chúng ta sẽ “mềm hóa” nó. Trong giải quyết công việc dù chưa gặp phải những vấn đề thực sự “gai góc”, tuy nhiên nếu gặp, như nhiều chị em khác, tôi sẽ phát huy nữ tính, bình tĩnh, kiên trì, ôn hòa, nhẹ nhàng để giải quyết công việc hài hòa, thấu tình, đạt lý và đúng quy định pháp luật. Tôi nghĩ, sự chân thành và tinh thần xây dựng cộng với việc phát huy nữ tính đúng thời điểm, đã và đang giúp tôi hoàn thành được nhiệm vụ của mình, cùng với anh chị em đồng nghiệp hoàn thành mục tiêu chung là phục vụ, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Bà Tô Thị Bích Châu: Cái gì nhẹ nhàng, dịu dàng thường dễ đi vào lòng người. Sự chịu đựng, chịu khó của nữ giới cũng thường “nhỉnh” hơn nam giới nên việc tiếp cận vấn đề có thể chậm hơn đôi chút nhưng lại sâu sắc hơn, chu đáo hơn. Tôi cho rằng, công việc hiện nay, không phân biệt nam hay nữ, tất cả đều phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cũng sẽ có người khen và sẽ có người chê, phụ nữ có ít lợi thế hơn nam giới khi tham gia hoạt động chính trị mặc dù chúng ta luôn muốn xây dựng một xã hội bình đẳng. Do đó, người cán bộ nữ phải luôn thể hiện được năng lực, trình độ chứ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố “nữ thì được ưu ái hơn”.
Bà Nguyễn Lan Hương: Công tác Mặt trận là đoàn kết, là vận động, thuyết phục, rồi thống nhất hành động. Nhưng muốn làm được thì phải thuyết phục, được lòng dân, không thể dùng mệnh lệnh. Để giải quyết các vấn đề, tôi luôn vận dụng sự mềm mỏng, mềm mỏng nhưng không phải yếu đuối. Ví dụ như trong tháng 9 vừa qua, trên địa bàn phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân đã xảy ra vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông khiến nhân dân hoang mang, lo lắng về mức độ ảnh hưởng của vụ cháy tới sức khỏe, môi trường sống. Cá nhân tôi đã trực tiếp dẫn đầu Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Thành phố tới thăm hỏi, động viên trực tiếp 6 hộ dân sát tường rào, gần hiện trường và các y, bác sĩ khám sức khỏe miễn phí cho người dân. Giải đáp băn khoăn của người dân về những luồng thông tin trái chiều, vận động nhân dân tin tưởng vào sự giải quyết, chỉ đạo của Thành phố, mềm mại, khéo léo khi giải quyết các vấn đề với nhân dân, để “kéo” mọi người về với mình, chính sự đồng thuận đó đã tạo nên sức mạnh, đấu tranh đối với những luận điệu sai trái, giải quyết kịp thời các vấn đề mâu thuẫn, tránh phát sinh các điểm “nóng”.
Bước vào nhiệm kỳ mới, công tác Mặt trận đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ lớn hơn, kỳ vọng cao hơn. Đã có lúc nào các chị thấy yếu lòng vì áp lực công việc?
Bà Võ Thị Minh Sinh: Công tác Mặt trận thực sự rất khó, mà theo tôi, khó nhất lại bắt đầu từ tư duy, nhận thức của những người làm công tác Mặt trận, chưa thực sự định vị được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị, làm việc Mặt trận mà như công tác quản lý nhà nước, chưa xác định rõ mình chính là một thành tố rất quan trọng để làm nên “cầu nối” vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Hơn nữa, về công tác cán bộ, chúng ta vẫn chưa có chính sách hữu hiệu để thu hút nhân tài “đầu quân” cho Mặt trận, làm cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận yếu và thiếu ngay từ khâu tuyển dụng, tiếp nhận. Vì vậy, để xây dựng được hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong lòng dân, có sức hút về vị trí việc làm vững chắc trong hệ thống chính trị thực sự là bài toán rất nan giải cho những người đứng đầu Ủy ban MTTQ các cấp. Với cá nhân tôi, trong suốt gần 28 năm công tác, nếu vì áp lực công việc mà yếu lòng thì chưa có, nhưng vì thiếu niềm tin của đồng nghiệp khi mình hiến kế ý tưởng mà nhụt ý chí thì có lúc, có nơi không tránh khỏi. Nhưng điều đó đối với tôi cũng qua đi rất nhanh, thay vào đó là tiếp tục nỗ lực, cố gắng và chậm lại một chút để bước tiếp chắc chắn hơn. Và cuối cùng, lúc nào cũng thế, gia đình vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc nhất, an toàn nhất để tôi có thể toàn tâm, toàn lực vì công việc và gia đình cũng chính là động lực để tôi luôn cố gắng phấn đấu, trưởng thành.
Bà Nguyễn Lan Hương: Yêu cầu nhiệm vụ càng cao thì áp lực công việc càng lớn. Áp lực nữa là phải làm sao tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, tôi luôn có niềm tin rằng Mặt trận Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tạo ra những dấu ấn mới trong nhiệm kỳ 2019 - 2024. Trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy; sự phối hợp, tạo điều kiện của HĐND và UBND Thành phố, phát huy được vị trí, vai trò, đặc biệt là trong việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Các đề xuất, kiến nghị của Mặt trận các cấp trên địa Thành phố đều được các cấp có thẩm quyền tiếp thu, trả lời.
Bà Phạm Thị Hân: Trước những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới, nhất là trong công tác tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải dám nói, dám làm và làm có sản phẩm, đạt hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ nhiều, đồng nghĩa với vinh dự, nên với tôi không phải là áp lực mà đó chính là động lực để phấn đấu. Những đóng góp nhỏ bé của cá nhân tôi đối với hoạt động của Mặt trận đều nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị chung và hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền của nhân dân, do dân và vì nhân dân.
Bà Phạm Thị Bích Hà: Nhiệm kỳ mới, kỳ vọng lớn hơn cho nên áp lực công việc đương nhiên sẽ nhiều hơn nhưng tôi nghĩ sự yêu mến, tin tưởng của người dân chính là cái được lớn nhất với mỗi người cán bộ Mặt trận. Với bản thân mình, tôi coi đó chính là động lực để phấn đấu tiếp tục cống hiến cho công việc, cho nhân dân.
Từ những gì đã trải qua trong quá trình công tác, các chị có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để những người phụ nữ làm Mặt trận có thể cùng lúc đảm đương tốt hơn trách nhiệm với gia đình và xã hội?
Bà Võ Thị Minh Sinh: Mỗi gia đình đều có nền tảng và truyền thống khác nhau, nhưng hạnh phúc vẫn luôn là đích đến của mọi người, có lẽ kinh nghiệm lớn nhất vẫn là sự sẻ chia trong cuộc sống, là “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”, là sự hài hòa các mối quan hệ giữa gia đình và xã hội và cốt yếu nhất là phải biết làm tốt công tác dân vận ngay từ trong gia đình mình, rồi mới đến xã hội.
Bà Phạm Thị Hân: Để cùng một lúc đảm đương tốt trách nhiệm với gia đình và xã hội theo tôi ngoài sự nỗ lực, cố gắng của mỗi một cán bộ nữ Mặt trận, chị em cần nhận được được sự ủng hộ của gia đình, đồng chí, đồng nghiệp. Điều quan trọng nữa là chúng ta cần phải vượt qua rào cản về nhận thức và tâm lý truyền thống để tự tin khẳng định mình trong công việc và cuộc sống, biết yêu quý bản thân để không ngừng tự học, tự rèn, làm đẹp thêm cho mình cả về tâm hồn và thể chất để có thể chăm lo gia đình và hoàn thành tốt nhiệm vụ xã hội.
Bà Tô Thị Bích Châu: Chúng ta không nên ôm đồm quá sức mình, cần có sự phân công công việc cho đồng nghiệp. Lãnh đạo giỏi không phải là tự mình làm hết việc mà phải biết sử dụng những nguồn lực mà bạn có để cùng đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cùng chia sẻ, quan tâm đến các thành viên trong gia đình; luôn có những suy nghĩ, hành động tích cực để truyền được năng lượng tích cực đến với mọi người.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Người phụ nữ cần biết điều phối công việc của gia đình và công việc của xã hội; giữ vai trò kết nối tình cảm giữa các thành viên. Trong công việc, mình là người lãnh đạo thì phải biết truyền cảm hứng cho cán bộ làm việc, thực sự công tâm vì cái chung, gương mẫu đi đầu khi triển khai nhiệm vụ, chứ không phải dùng mệnh lệnh để chỉ đạo.
Bà Diêm Hồng Linh: Để đảm đương tốt trách nhiệm với gia đình, xã hội, mỗi người phụ nữ sẽ có những kinh nghiệm riêng, đối với tôi, có lẽ phải vận dụng chức năng “cầu nối” của Mặt trận để thực hiện hai nhiệm vụ cho cân bằng. Có nghĩa bản thân mình phải “Làm cầu nối” giữa việc xã hội và việc gia đình; phải được gánh cân giữa hai vai với quan điểm “khi làm việc công phải trách nhiệm như việc nhà” và khi về với tổ ấm thân yêu thì mình lại biến thành “Cô Tấm” để lo cho chồng con chu đáo. Và dù có gánh nặng hai vai, thì chúng ta vẫn tươi duyên để lan tỏa tình yêu thương tới mọi người ở mọi nơi và mọi lúc.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy: Tôi nghĩ phụ nữ trước hết là phải đẹp bởi đẹp là lợi thế của phụ nữ. Ở đây không chỉ đẹp về hình thức mà đẹp cả về trí tuệ, phẩm chất. Đặc biệt, phụ nữ phải biết cân bằng giữa công việc và gia đình, biết cách sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý. Tôi cũng mong muốn xã hội cần có cái nhìn đúng đắn, khách quan, đa chiều hơn đối với phụ nữ, đừng vì định kiến mà để phụ nữ bị bỏ lại phía sau. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm hơn đến phụ nữ để chúng tôi có thêm niềm tin, nghị lực cống hiến cho xã hội nhiều hơn nữa.
Bà Nguyễn Lan Hương: Với tôi, phụ nữ luôn là phái đẹp, không phải là phái yếu. Phụ nữ phải thực hiện vai trò “kép”, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ đối với xã hội, lại phải đảm đương tốt vị trí người “giữ lửa” cho hạnh phúc gia đình. Để giải quyết tốt vấn đề này, theo tôi, phụ nữ phải biết sắp xếp thời gian, cân bằng tốt giữa công việc và gia đình. Với công tác Mặt trận, hãy làm việc bằng cái “tâm”, bằng tất cả niềm say mê và sự nhiệt huyết. Tâm để gắn bó, gần dân, sát dân, hiểu dân, có mặt những nơi người dân cần, làm việc vì nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Trân trọng cảm ơn!
Hoàng Yến - Vũ Mạnh - Nguyễn Phượng - Hạnh Nguyên - Quốc Định - Anh Tuấn - Điền Bắc (thực hiện)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-mat-tran/nhung-bong-hong-mat-tran-tintuc457289