Những 'bông hồng': Lấy yêu thương cảm hóa lỗi lầm

Trước khi đến với trại giam, trong tưởng tượng của những người làm báo không phải trong ngành công an như chúng tôi luôn nghĩ đến hình ảnh những chiến sĩ cán bộ, giám thị trại giam phải là những nam giới với sự mạnh mẽ, dày dạn, gai góc. Nhưng khi đến với Phân trại số 5 – Trại giam Tân Lập (thuộc Bộ Công an) chúng mới hiểu đằng sau dáng vẻ nhỏ nhắn, dịu dàng của những nữ quản giáo trại giam nơi đây là một bản lĩnh kiên cường, trái tim ấm nồng của các chị trong hành trình hóa giải lỗi lầm của những cuộc đời lầm lỗi.

Trung tá Nguyễn Thị Ảnh, Phó giám thị Trại giam Tân Lập.

Thấu hiểu và sẻ chia

Cách trung tâm huyện Hạ Hòa khoảng hơn 10 km, con đường ngoằn ngoèo chạy men theo sườn núi đã đưa chúng tôi đến với Trại giam Tân Lập đóng trên địa bàn xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Nằm sâu trong vùng rừng núi, buổi chiều của những ngày đầu tháng 3 sương mù giăng kín khắp nơi khiến không gian của trại giam càng thêm yên tĩnh, vắng lặng. Vậy mà những nữ cán bộ chiến sĩ nơi đây đã dành cả tuổi thanh xuân cho công việc nơi này. Một trong những nữ giám thị đó là Trung tá Nguyễn Thị Ảnh – người đã có thời gian 20 năm gắn bó với Trại giam vùng sâu vùng xa này. Tình cảm, tuổi trẻ của chị dành trọn vẹn cho nơi đây.

Suốt thời gian làm việc tại trại giam, chị đã tiếp xúc với rất nhiều đối tượng phạm tội khác nhau, với nhiều tính cách khác nhau nhưng trường hợp phạm nhân khiến chị gặp nhiều khó khăn nhất trong hành trình cảm hóa đó là phạm nhân Nguyễn Thị Quế (quê ở Hòa Bình), phạm tội về ma túy, án tử hình.

Mặc dù có gia đình, nhưng đối tượng thuộc thành phần sống lang thang ngoài xã hội. Ngay từ năm lớp 7 Quế đã thích thể hiện mình là “đàn ông”, cách sống rất mạnh mẽ, cứng rắn và thích chơi với các bạn nữ và không chịu khuất phục trước những người khác. Khi đến trại chấp hành án phạt, Quế vẫn luôn thể hiện tính cách dân “anh chị”, ngang ngược, chống đối, không hợp tác với cán bộ trong quá trình giáo dục, cải tạo. Phạm nhân cũng thường xuyên gây rối, không chấp hành các quy định, nội quy buồng giam và tìm cách gây hấn với bạn tù. Quế đã qua nhiều cán bộ giám thị quản lý nhưng vẫn “cứng đầu”. Thấy vậy, bằng mọi biện pháp, cán bộ Ảnh đặt ra mục tiêu quyết tâm cảm hóa bằng được phạm nhân này.

Trong thời gian lao động cũng như nghỉ giải lao, cán bộ Ảnh đã trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện nắm bắt tâm tư của Quế. Trước tình cảm của giám thị, dần phạm nhân Quế đã lay động và trở nên cởi mở và tích cực cải tạo. Sau này Quế mới “tiết lộ”: “Chỉ khi vào trại này, được tiếp xúc với Ban và bằng cách giáo dục, cảm hóa của Ban cháu cảm thấy sợ, bản thân tự thấm thía rất nhiều và thấy mình cần phải thay đổi về con người của cháu trước kia”.

“Đợt 30/4/2018, sau 2 lần được ân xá, phạm nhân Quế đã được xuống khung (xuống án có thời hạn 30 năm), hiện phạm nhân đang lao động cải tạo rất tích cực”- cán bộ Ảnh cho hay.

Nữ quản giáo Nguyễn Thị Thu Giang, Đội 27, Phân trại số 5 tại xưởng làm hương vòng.

Dường như niềm vui và sự xúc động khi bản thân đã cảm hóa được nhiều phạm nhân lầm lỗi, giúp họ thấy được ý nghĩa của cuộc sống, khiến cho câu chuyện kể về các phạm nhân của chị Ảnh luôn dâng trào cảm xúc. Nghèn nghẹn, lặng im trong giây phút, chị kể về phạm nhân thứ 2. Chị Ảnh cho biết: Đó là phạm nhân Nguyễn Thị Hậu (Vĩnh Phúc), phạm tội về ma túy, trộm cắp, có tiền sử nghiện ma túy; đặc biệt phạm nhân Hậu đã từng có đến chín tiền án - đối tượng có số lượng tiền án cao nhất ở trại giam Tân Lập. Ban đầu vào trại, phạm nhân với tư tưởng chán nản, không chịu cải tạo, lấy lý do trong người đang mang căn bệnh thế kỷ HIV giai đoạn cuối, ung thư gan giai đoạn cuối để không cải tạo và xin tạm đình chỉ đi chữa bệnh. Sau khi các cán bộ xem xét kỹ hồ sơ cải tạo của Hậu đều không có những vấn đề như phạm nhân nói. Trước tình hình đó, bằng mọi biện pháp “mềm nắn, rắn vuông”, chị Ảnh đã gặp gỡ trò chuyện, giải thích, chia sẻ tâm tư với nạn nhân. Lâu dần Hậu đã hiểu ra những hành vi vi phạm pháp luật của mình. Hiện tại phạm nhân Hậu đang cải tạo tốt, là người có ý thức tích cực trong lao động, cải tạo chờ ngày được giảm án trở về với gia đình.

Hiện Phân trại số 5 đang quản lý, giam giữ hơn 700 đối tượng phạm nhân nữ, trong đó có trên 30 phạm nhân mang án chung thân. Từ ngày lên làm Phó giám thị, có khi cả tuần chị mới về nhà được một lần dù nhà ở cách trại chỉ chừng 5km. Hai đứa con lúc nhỏ còn trông chờ được vào ông bà, lớn lên chúng đều phải tự lập, tự nấu nướng, ăn uống đưa nhau đi học, nhất là khi bố mẹ bận trực ở trại giam.

Chuyện lập gia đình đối với nữ trại giam cũng đặc thù hơn, hầu như các cán bộ nữ của trại đều yêu và xây dựng tổ ấm với nam cán bộ trong trại, vì ở cái mảnh đất xa xôi, hẻo lánh này, công việc quanh năm gắn bó với phạm nhân thì các chị làm gì có thời gian đi chơi, tìm hiểu và yêu đương. Và cũng chỉ lấy vợ, lấy chồng cùng ngành, các anh các chị mới thông cảm, sẻ chia cho nhau những thiệt thòi mà cán bộ quản giáo phải trải qua. “Bởi cùng ngành công an, nhưng môi trường trại giam đối với nữ giám thị rất vất vả, lịch trực trại giam hầu như 24/ 24 / năm chứ không có ngày nghỉ. Bởi vì 8 tiếng làm việc mỗi ngày, sau đó một tuần có hai ca gác 2 tiếng vào ban đêm”, chị Ảnh chia sẻ.

Gieo mầm thiện

Nữ quản giáo Nguyễn Thị Ngọc Thương, đội 25, Phân trại số 5 tại lớp dạy nghề thêu cườm.

Nữ cán bộ quản giáo thứ 2, đã khiến chúng tôi rất ấn tượng khi gặp đó là Nguyễn Thị Thu Giang. Trông dáng vẻ xinh xắn, nhỏ nhắn, mảnh mai nói năng nhẹ nhàng, duyên dáng chúng tôi cứ nghĩ Giang chỉ đang ở độ tuổi của học sinh cấp 3. Nếu như không khoác trên mình bộ quân phục ngành công an có lẽ không ai đoán được những công việc em đang làm. 27 tuổi nhưng Giang đã có thâm niên 9 năm trong ngành (trong đó có 5 năm làm công tác quản lý phạm nhân).

Được sinh ra trong gia đình có bố công tác trong ngành công an nên ngay từ khi còn nhỏ Giang đã luôn ấp ủ giấc mơ lớn lên được nối tiếp công việc của bố. Sau khi tốt nghiệp xong trường Trung cấp Cảnh sát, năm 2013, Giang được về công tác tại Phân trại số 5. Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng Giang đã sớm thể hiện được bản lĩnh “thép” của một nữ quản giáo. Hiện đội 27 do Giang quản lý có 27 nữ phạm nhân, hầu hết các đối tượng đều liên quan đến tội buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, nhiều tiền án, tiền sự, thời gian chấp hành án dài. Quản lý phạm nhân có mức án nặng, nhiều hoàn cảnh đặc biệt, Giang đã mất nhiều thời gian, tâm trí để tìm hiểu về từng cá nhân trong đội. Bằng sự đồng cảm, sẻ chia và thấu hiểu, Giang đã nhận thấy rằng dù phạm nhân của mình có tội nhưng cũng đều rất đáng thương ở số phận.

Trong số nhiều phạm nhân, người khiến Giang suy nghĩ nhiều nhất có lẽ là trường hợp phạm nhân Nguyễn Thị Hồng Chung quê ở Việt Trì, Phú Thọ (là mẹ đơn thân) phạm tội do liên quan đến mua bán và tàng trữ chất ma túy, thời gian thi hành án 18 năm 6 tháng. Giang cho biết, phạm nhân Chung có hoàn cảnh rất éo le, mẹ mất sớn, bố nguyên là cán bộ nhà nước. Một mình nuôi con, để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm và bàn tay chăm sóc của mẹ, hai chị em Chung đã được bố chu cấp đầy đủ về vật chất. Lớn lên bị bạn bè lôi kéo chị, em Chung đã dính vào con đường nghiện ma túy. Để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng ma túy ngày một nhiều, Chung và em đã phạm tội mua bán và tàng trữ chất ma túy. Khi đến đây, phạm nhân Chung gầy rộc, da xanh xao do căn bệnh HIV đã dần chuyển sang giai đoạn cuối. Tâm trạng bi quan, chán nản, Chung lại sống khép mình, hầu như không tiếp xúc với ai, không muốn cải tạo.

“Thấy vậy, sau mỗi giờ cho phạm nhân giải lao, em đã lại gặp gỡ hỏi han, chia sẻ, động viên, lâu dần phạm nhân Chung đã cởi mở bộc bạch, tâm sự những nỗi niềm trong lòng và thể hiện quyết tâm cải tâm cải tạo tốt để trở về gia đình chăm sóc bố già và con gái nhỏ. Sau thời gian cải tạo tích cực và được điều trị thuốc ARV sức khỏe phạm nhân Chung dần hồi phục, tinh thần vui vẻ, lạc quan, lao động tích cực. Với sự khéo tay, nhanh nhẹn giờ Chung đã được chọn hướng dẫn kỹ thuật khâu hương cho các phạm nhân khác trong đội”, Giang kể.

Nữ quản giáo Vũ Hương Lan (người đội mũ) hướng dẫn các phạm nhân đính hạt cườm.

Còn Đỗ Thị Thu Hương cán bộ giáo dục của Phân trại số 5 chia sẻ, nếu các giáo viên là người “giáo dục đi” thì chúng em là người giáo dục lại, mà giáo dục lại là những đối tượng đặc biệt, đều mang trong mình tội lỗi, bệnh tật nên tư tưởng hoang mang, dao động, bi quan vì thế mà còn khó hơn gấp bội lần. Để làm tốt nhiệm vụ được giao mỗi giám thị là người 4 biết về phạm nhân của mình (Biết mặt, biết tên, biết lai lịch, biết tội danh), vừa phải cứng rắn, cương quyết, mạnh mẽ, vừa phải nhẹ nhàng thuyết phục.

Đến với trại giam, chứng kiến hằng ngày, hằng giờ, các cán bộ trại giam phải luôn tìm cách kiềm chế, tháo gỡ, hóa giải những bức xúc của phạm nhân chúng tôi mới thấu hiểu công việc, sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ quản giáo trong hành trình cảm hóa phạm nhân. Thành công nhất đối với các chị em nơi đây không chỉ những tấm bằng khen mà chính là đã khơi dậy sự lương thiện trong những tâm hồn lầm lỗi để phạm nhân sớm được trở về với gia đình và trở thành người có ích cho xã hội.

NGUYỄN SÍU - CÙ HÒA

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nhung-bong-hong-lay-yeu-thuong-cam-hoa-loi-lam-d92244.html