Những anh hùng thầm lặng của cộng đồng queer

Edward Carpenter, John Addton Symonds và Havelock Ellis là những nhà tiên phong trong thời đại họ. Tuy vậy, di sản của họ đã bị nhà viết kịch người Ireland - Oscar Wilde làm lu mờ.

 Hình ảnh trong phim Maurice chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của E.M Forster. Ảnh: Pierre Lhomme/Merchant Ivory Productions.

Hình ảnh trong phim Maurice chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của E.M Forster. Ảnh: Pierre Lhomme/Merchant Ivory Productions.

Oscar Wilde có tiếng là một người áp đặt. Năm 1892, nhà văn người Pháp Jules Renard có dịp gặp Wilde và đã kể lại rằng: "Ông ấy là người sẽ mời bạn một điếu thuốc nhưng sẽ tự mình chọn nó. Ông không đi vòng qua bàn mà sẽ đẩy cái bàn khỏi lối đi".

Ảnh hưởng của trang phục, tác phong; lối nói chuyện lôi cuốn; khiếu hài hước với ngôn từ hoa mĩ; những bài luận, câu chuyện và vở kịch gây sửng sốt, nhức nhối - đó là cách Wilde buộc thế giới phải chú ý đến mình. Ông khiến mình trở nên khét tiếng và sau đó nổi tiếng. N

gay cả vào giai đoạn ông bị kết án hai năm lao động khổ sai vì "những hành vi thô tục không đúng đắn" vào năm 1895, ông cũng lập tức "vào vai" chiều theo trí tưởng tượng đương thời và lịch sử.

Những định kiến đến từ hình tượng đầy áp đặt của Oscar Wilde

Có một đoạn văn nổi tiếng trong Maurice của E.M Forster, được viết vào năm 1913 nhưng mãi đến năm 1971 mới được xuất bản, sau cái chết của Forster.

Maurice, người đã “không thể tự tay giết chết dục vọng”, quyết tâm hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề của mình. “Tôi là một người khó tả,” nhân vật Maurice thú nhận, “kiểu Oscar Wilde”. Điều “khó tả” ngay lập tức được tiết lộ qua việc sử dụng tên của Wilde: Maurice là người đồng tính. Là một người "kiểu Oscar Wilde" đồng nghĩa là một người đồng tính, nhưng điều ngược lại có đúng không?

Đây là vấn đề khiến đàn ông thế hệ Forster và sau ông trăn trở, ít nhất là cho đến khi Anh và xứ Wales hợp pháp hóa đồng tính luyến ái vào năm 1967. Sự phơi bày tai tiếng của Wilde đã tạo ra một loạt giả định và thành kiến của công chúng kéo dài hơn nửa thế kỷ, thường làm sai lệch cách nhìn nhận của những người đồng tính về bản thân họ.

Trong số này có niềm tin rằng những người đồng tính nam, như Wilde, áp đặt bản thân lên thế giới bằng sự khác biệt của họ: rằng họ ăn mặc khác biệt, nói năng khác biệt, là những người “kịch tính”; rằng các mối quan hệ của họ - như người ta cho là của Wilde - đầy dục tính, bóc lột và sa vào sự bất bình đẳng về tuổi tác và giai cấp; rằng họ dễ tiếp xúc với tội phạm và chỉ lỡ một bước là đến với bi kịch.

Maurice đã cố gắng tranh luận với những định kiến này, nhưng việc Forster cảm thấy không thể xuất bản Maurice khi ông còn sống là một minh chứng cho thấy gọng kìm của những định kiến này siết chặt đến chừng nào.

Gọng kìm ấy cuối cùng cũng được nới lỏng khi phong trào đấu tranh vì quyền của người đồng tính hiện đại bùng lên vào những năm 1960 và 1970, Wilde được tôn vinh là người tử vì đạo sáng lập phong trào này, là nạn nhân khét tiếng nhất của nạn kỳ thị đồng tính trong lịch sử. Ông trở thành một anh hùng của người đồng tính và một biểu tượng đại chúng.

 Edward Carpenter. Ảnh: Pictorial Press Ltd/Alamy.

Edward Carpenter. Ảnh: Pictorial Press Ltd/Alamy.

Khởi đầu của chiến dịch đấu tranh cho cộng đồng queer tại Anh

Nhưng câu chuyện của Wilde khét tiếng đến mức nó làm lu mờ đi cả sự ra đời của phong trào đấu tranh vì quyền của người đồng tính ở Anh đầu những năm 1890.

Sau khi Wilde bị tống vào tù, một người đồng tính nam khác, Edward Carpenter, đã viết thư cho một người bạn: “Có [một] chiến dịch đấu tranh lâu dài”.

Wilde chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ chiến dịch nào cho cái mà ngày nay chúng ta gọi là quyền của người đồng tính, nhưng những người khác thì có. Vài năm ấy, Carpenter đã hỗ trợ thu thập lời khai của hơn 30 người đồng tính nam cho cuốn sách mang tên Sexual inversion do John Addton Symonds và Havelock Ellis chấp bút (sự hợp tác của họ mang lại nguồn cảm hứng lịch sử cho cuốn tiểu thuyết The new life).

Sexual inversion được viết với mục đích chứng minh rằng đồng tính không phải là một sự tha hóa hay một tội ác mà chỉ là một tính hướng vô hại, rằng điều luật kết án Wilde là không đúng đắn, bất công và cần bị bãi bỏ.

Carpenter cũng đã viết bài luận bảo vệ đồng tính luyến ái có tựa đề Homogenic Love and Its Place in a Free Society, dự định được xuất bản vào năm 1894.

 Edith Lees và Havelock Ellis. Ảnh: Alamy.

Edith Lees và Havelock Ellis. Ảnh: Alamy.

Động lực để Carpenter, Symonds và Ellis hoạt động đấu tranh cho quyền người đồng tính đều xuất phát từ trải nghiệm cá nhân của họ. Carpenter đã gặp người đàn ông sẽ là bạn đời của mình, George Merrill, vào năm 1891; Symonds vượt qua tuổi niên thiếu nhiều giằng xé để chấp nhận tính dục của mình ở tuổi trung niên; Ellis, mặc dù là một người dị tính, đã kết hôn với một người đồng tính nữ, Edith Lees, và có sở thích tình dục riêng và hiểu cảm giác ham muốn tình dục bị kỳ thị là như thế nào.

Một cảm hứng nữa cho những công trình tiên phong của nhóm đàn ông này là từ giới tri thức châu Âu - các nhà nghiên cứu ở Pháp và Đức đã bắt đầu tái khái niệm hóa đồng tính luyến ái dưới góc nhìn y tế hơn là một vấn đề xã hội hay pháp lý. Khi ấy, đồng tính đã được hợp pháp hóa ở Pháp và ở Italy.

Carpenter, Symonds và Ellis cũng được kết nối với nhau bởi tình yêu dành cho thơ của Walt Whitman. Họ hiểu Whitman muốn đề cao tình yêu giữa những người đàn ông như một điều tốt đẹp, được thể hiện bằng lý tưởng về “tình đồng chí” dân chủ, đa giai cấp.

Không có gì đáng ngạc nhiên - khi xem xét mối liên hệ giữa phong trào LGBTQ+ và chủ nghĩa nữ quyền ngày nay - rằng nếu bạn là người ủng hộ chính nghĩa đồng tính luyến ái, thì bạn cũng có khả năng ủng hộ quyền của phụ nữ. Vì vậy, phong trào bảo vệ quyền của người đồng tính phát triển ở Anh có liên quan đến các phong trào cải cách từ cuối thời Victoria, một phần trong động lực lớn hơn nhằm tìm ra những cách sống mới và tốt hơn cho thế giới hiện đại.

Tuy nhiên, các phiên tòa xét xử Wilde đã phá vỡ mối liên hệ trí tuệ của phong trào mới chớm này. Cuốn sách nhỏ của Carpenter, Homogenic love, đã bị nhà xuất bản của ông từ chối, đơn vị này cũng đã loại bỏ bài thơ mang dáng dấp Whitman của Carpenter khỏi danh sách xuất bản để có biện pháp phù hợp. Symonds qua đời ở tuổi 52 vào năm 1893; Ellis lưỡng lự về việc xuất bản Sexual inversion và chỉ dám công bố nó vào năm 1897. Ấn bản đầu tiên đã bị tiêu hủy sau khi quản lý của Symonds, thay mặt gia đình ông, can thiệp. Ellis vẫn kiên trì và xuất bản dưới tên của chính mình, nhưng sau đó, cuốn sách lại bị cảnh sát truy tố là tục tĩu. Một thẩm phán đã đồng ý và cuốn sách lại bị tiêu hủy một lần nữa.

Tuy vậy, đây chưa phải hồi kết. Carpenter sống cho đến năm 1929 và kết bạn với chàng trai trẻ E.M Forster và chính chuyện tình của Carpenter và Merrill đã truyền cảm hứng Forster viết nên Maurice. Ngoài ra, Carpenter cũng truyền cảm hứng cho một tác giả cấp tiến tình dục ồn ào hơn, DH Lawrence.

Ellis sống đến năm 1939 và trở thành một nhà tình dục học nổi tiếng thế giới, tiêu biểu với tập Studies in the Psychology of Sex (xuất bản ở Mỹ để tránh kiểm duyệt).

Ngay cả Symond, sau khi đã qua đời, cũng để lại dấu ấn của mình. Tự truyện thẳng thắn của ông rơi vào tay Forster và được văn hào này nghiền ngẫm, lấy cảm hứng viết sách. Năm 1964, xu hướng tính dục của Symonds cũng được công khai rộng rãi bởi Phyllis Grosskurth, một nhà viết tiểu sử có cuốn sách gây tiếng vang, góp phần thúc đẩy tiến trình thay đổi quan điểm của xã hội lúc bấy giờ và cuối cùng, dẫn đến sự kiện nước Anh và xứ Wales hợp pháp hóa đồng tính năm 1967.

Khi chúng ta tôn vinh sự tiến bộ của quyền người đồng tính, những câu chuyện này nên được trở nên nổi bật hơn trong dòng lịch sử, cùng với Oscar Wilde, để hiểu rằng lịch sử của cộng đồng queer không chỉ có bi kịch và bất công, mà còn có những câu chuyện truyền cảm hứng và những đốm sáng hy vọng.

Minh Hùng

Theo TheGuardian

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-anh-hung-tham-lang-cua-cong-dong-queer-post1460351.html