Nhức nhối nạn mua bán người

Tội phạm mua bán người là vấn đề toàn cầu, toàn xã hội phải quan tâm, là mặt trái của xã hội. Chỉ có phòng ngừa, trấn áp, làm triệt tiêu hoặc giảm thiểu tội phạm về mua bán người thì mới giúp xã hội phát triển ổn định.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh lấy lời khai các công dân được Campuchia trao trả ngày 20/9

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh lấy lời khai các công dân được Campuchia trao trả ngày 20/9

Theo Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh), thiếu việc làm, một bộ phận người dân có xu hướng rời địa phương mưu sinh. Phụ nữ tìm cách xuất cảnh sang nước ngoài để kết hôn, tìm việc nên nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới rất tinh vi. Chúng buông lời dụ dỗ, hứa hẹn việc làm cho người đang loay hoay tìm sinh kế. Khi qua lại biên giới, chúng thường thống nhất giữa kẻ chủ mưu và người bị hại về lời khai, nhằm đối phó khi lực lượng chức năng phát hiện.

Thời gian gần đây, thông qua mạng xã hội, chúng lôi kéo, đưa người Việt sang Campuchia để làm việc trong các sòng bài, xổ số hoặc cơ sở game online do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Đánh trúng vào tâm lý “việc nhẹ, lương cao”, chúng đưa mức lương từ 800-1.000 USD/tháng. Ở vùng quê nghèo khó, mức lương ấy cả đời người dân có khi chưa chạm vào được, thì làm sao không “động tâm”? Họ nghĩ rằng, chỉ cần quyết chí ra đi một lần, sẽ đổi đời, sẽ tích cóp được số vốn kha khá, rồi trở lại quê nhà làm ăn.

Nào ngờ, sau khi xuất cảnh (hợp pháp hoặc trái phép) sang Campuchia, họ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Ai từ chối làm việc, muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ, yêu cầu bồi thường từ 3.000-12.000 USD mới có cơ hội thoát thân. Tiền đâu mà bồi thường, thôi đành nhắm mắt đưa chân…

Em Nguyễn Văn H. (sinh năm 2007, ngụ tỉnh Nghệ An) vừa được trao trả về Việt Nam (từ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên) ngày 20/9. Cậu bé một mình rời quê nghèo, mong muốn có việc làm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Lần đầu tiên em đi làm, cũng là lúc em đối mặt với bao bất trắc của cuộc sống. Em bị đánh đập, bị bỏ đói, bị bán từ casino này sang casino khác.

“Chịu hết nổi, em và mấy người bạn chung phòng rủ nhau trèo lan can, lần dò từ từ xuống đất, rồi chạy vào đồn công an gần nhất để trình báo. Nhờ vậy, em được trao trả về Việt Nam. Sau lần này, em sẽ tìm việc ở quê, không dám đi đâu nữa” - H. bày tỏ trong tâm trạng “vừa về từ cõi chết”.

Từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bắt, xử lý gần 100 vụ, hơn 120 đối tượng về hành vi xuất, nhập cảnh trái phép; tiếp nhận hàng trăm người từ Campuchia về nước; xử lý 3 trường hợp nhập cảnh trái phép nghi bị mua bán sang Campuchia để bóc lột sức lao động. Tuy nhiên, lực lượng vẫn chưa phát hiện, xử lý vụ án nào về tội mua bán người. Phần vì không phát hiện được đối tượng, phần vì nạn nhân không cộng tác, tố cáo đối tượng mua bán người…

Tương tự, Công an tỉnh không tiếp nhận đơn thư, tin báo tố giác tội phạm; không phát hiện vụ việc, vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người. 8 tháng của năm 2022, lực lượng tiếp nhận 17 vụ việc (23 nạn nhân) xuất cảnh sang Campuchia làm việc trong casino.

Phần lớn hành vi cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, nên công tác điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm mua bán người gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng đưa người vượt biên trái phép thường là “xe ôm”. Còn đối tượng chủ mưu, cầm đầu, hưởng lợi lớn trong đường dây mua bán người vẫn là ẩn số. Đối tượng lôi kéo, dụ dỗ người lao động xuất cảnh đều sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, ở Campuchia thực hiện hành vi, chứ không xuất hiện ở Việt Nam. Điều này càng gây khó khăn chồng chất cho quá trình đấu tranh, xử lý.

Phòng vẫn tốt hơn chống. Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh phối hợp giao ban, trao đổi thông tin thường xuyên, để có kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, 2 lực lượng nắm tình hình, phối hợp quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn, thường xuyên gọi hỏi, răn đe, quản lý diễn biến hoạt động của đối tượng nghi vấn; tiếp nhận, tích cực giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; phát động phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm tuyến biên giới…

Theo Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh), đơn vị rút ra một số vấn đề qua thực tế phòng, chống tội phạm về mua bán người ở biên giới. Trước hết, để đạt hiệu quả, cần định hướng, làm tốt công tác chuẩn bị, như: Xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, quán triệt phân công nhiệm vụ và triển khai thực hiện. Trong phối hợp hiệp đồng, phải xác định được trách nhiệm của từng lực lượng, từng cá nhân. Công tác trao đổi thông tin rất quan trọng, nhưng xử lý tin còn quan trọng hơn, cần sự phối hợp nhiệt tình, chặt chẽ, chính xác và kịp thời.

Nhưng nỗ lực của ngành chức năng chỉ là một phần. Phần còn lại, phụ thuộc rất lớn vào ý thức người dân tự bảo vệ mình. Đừng để rơi vào bẫy “thiên đàng” ở xa, khi chỉ dựa vào lời ngon tiếng ngọt của kẻ xa lạ. Đừng tự bán mình, trở thành con mồi ngon cho tội phạm xuyên biên giới!

VẠN LỘC

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhuc-nhoi-nan-mua-ban-nguoi-a344053.html