Nhóm tình nguyện 10 năm vá đường xuyên đêm
Sau 10 năm hoạt động, các bạn trẻ trong Hội Yêu rác Thanh Hóa đã tình nguyện san lấp hàng nghìn 'ổ gà', 'ổ voi' trên khắp các tuyến phố tại địa bàn thành phố Thanh Hóa với mong muốn giúp người dân đi lại an toàn.
21h30, tại tuyến đường Mật Sơn giao với đường Lạc Long Quân (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), các tình nguyện viên khoác lên mình màu áo xanh với logo “Hội Yêu rác Thanh Hóa” thay nhau vận chuyển những bao nhựa đường, chuẩn bị đầy đủ vật liệu và công cụ cho buổi vá đường ngày hôm nay.
Đoạn đường tuy không dài nhưng lại xuất hiện nhiều “ổ gà” dài từ 60cm đến 1m, khiến người và phương tiện giao thông qua lại khó khăn. Nhiều trường hợp người dân sử dụng xe đạp, xe máy bị mất tay lái khi không quan sát rõ “ổ gà”, “ổ voi” gây tai nạn giao thông.
Đây chỉ là một trong hàng trăm buổi vá đường mà các bạn trẻ của Hội Yêu rác Thanh Hóa đã làm trong 10 năm qua.
Ông Phạm Oánh, Tổ trưởng Tổ dân phố Mật Sơn 2, phường Đông Vệ cho biết: “Những “ổ gà” này mới xuất hiện gần đây, khiến mặt đường ứ đọng nước khi trời mưa lớn. Con đường lại thường xuyên có xe trọng tải lớn lưu thông nên từ những “ổ gà” nhỏ lại thành “ổ voi”, gây ra không ít tai nạn giao thông, nhất là vào mùa mưa”.
Theo ông Oánh, trước đây người dân trong khu phố đã chủ động lấp các ổ gà, ổ voi bằng xi măng. Tuy nhiên, vì vật liệu và kỹ thuật chưa đảm bảo nên qua một thời gian sử dụng, tuyến đường lại tiếp tục hư hỏng.
Vốn là những thanh niên yêu thích các hoạt động tình nguyện, phải di chuyển đến nhiều nơi, nhận thấy được nhiều cung đường xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, gây ra không ít trở ngại cho việc đi lại của người dân. Đó cũng là động lực chính để Hội Yêu rác Thanh Hóa tổ chức hoạt động này.
Anh Trịnh Văn Thành, thành viên của Hội Yêu rác Thanh Hóa chia sẻ: “Trước mỗi buổi vá đường, các thành viên sẽ tiến hành khảo sát các tuyến đường bị hư hại. Tiếp đó báo cáo và xin ý kiến từ chính quyền địa phương. Sau khi nhận được sự đồng ý từ chính quyền địa phương, Hội sẽ một lần nữa khảo sát thực tế để tính toán khối lượng vật liệu, sao cho vừa đảm bảo chất lượng thi công, vừa tránh dư thừa lãng phí.”
Kinh phí duy trì hoạt động này do các hội viên kêu gọi, vận động quyên góp từ cộng đồng và sự đóng góp của chính các tình nguyện viên trong hội. Vật liệu thi công cũng được các nhà cung cấp hỗ trợ với mức giá rẻ hơn hoặc miễn phí.
“Thời gian đầu, khi quy mô của Hội chưa lớn, những “ổ gà”, “ổ voi” được san lấp và nén thủ công nên vừa không đảm bảo được chất lượng, vừa tốn nhiều sức lực của hội viên. Khi hoạt động của Hội được biết đến nhiều hơn, từ đó cũng nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, hoạt động san lấp đường được thực hiện bằng máy móc nên đảm bảo được hiệu quả của công việc”, anh Thành chia sẻ.
Đa số các tình nguyện viên đều là những bạn trẻ, ban ngày đi học, đi làm nên Hội tranh thủ tổ chức vá đường vào khoảng thời gian từ 21h30 đến 0h. Đây cũng là khoảng thời gian xe cộ ít qua lại, các thành viên vừa đảm bảo được tiến độ công việc, vừa hạn chế nguy hiểm khi làm việc trên các tuyến đường giao thông.
Mỗi thành viên đều có nhiệm vụ riêng của mình. Người thì cầm đèn cảnh báo cho các phương tiện giao thông qua lại, người vệ sinh khu vực mặt đường hư hỏng, người trộn vật liệu... Không ai bảo ai, tất cả đều tập trung hoàn thành phần việc của mình một cách nhanh và hiệu quả nhất. Vốn dĩ có sự phối hợp nhịp nhàng như vậy là bởi các hội viên đã có thời gian dài hoạt động cùng nhau, cùng chung một mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện giao thông qua lại trên đường.
Mỗi điểm vá đường gồm 20 thành viên thực hiện. Điều đáng ngạc nhiên là với tính chất công việc có phần vất vả như vậy, hoạt động không chỉ có sự góp sức những thành viên nam trẻ tuổi, mà còn có nhiều thành viên nữ và thành viên lớn tuổi.
Cô Phạm Thơm, 59 tuổi, một trong những thành viên lớn tuổi nhất của Hội hăng hái tham gia vào hoạt động đầy ý nghĩa này: “Trước đây, gia đình tôi phản đối bởi công việc nặng nhọc nhưng bản thân tôi khi nhìn thấy những người đi đường gặp tai nạn do “ổ voi”, “ổ gà” lại càng thôi thúc bản thân góp một phần sức cùng với các thành viên trong Hội. Hoạt động vá đường vừa đảm bảo an toàn cho mọi người mà cũng là đảm bảo an toàn cho chính mình”, cô Thơm tâm sự.
Dù không ai trong các tình nguyện viên là thợ chuyên nghiệp, công việc lại có phần vất vả và nguy hiểm, thế nhưng không thành viên nào cảm thấy nhụt chí hay có ý định từ bỏ công việc. Bởi những cốc nước mát tiếp sức, những lời cảm ơn và sự công nhận từ bà con chính là nguồn động lực giúp các thành viên duy trì hoạt động đầy ý nghĩa này suốt 10 năm nay.
Hội viên Phạm Minh Nguyệt chia sẻ: “Mỗi khi hoạt động vá đường diễn ra, người dân thường xuyên ủng hộ bằng cách trực tiếp tham gia cùng, có người thì ủng hộ nước uống, trái cây hay nối đường dây dẫn điện cho máy móc... Đó cũng chính là cách người dân thể hiện tinh thần đoàn kết đối với mỗi hoạt động cộng đồng của Hội. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho các tình nguyện viên.”
Chia sẻ về mục tiêu của Hội Yêu rác đối với hoạt động này, anh Trịnh Văn Thành cho biết, Hội sẽ cố gắng mở rộng quy mô nhằm duy trì hoạt động và tổ chức kịp thời các buổi san lấp, sửa chữa không chỉ các tuyến đường trong địa bàn thành phố mà còn trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh hoạt động san lấp, sửa chữa các tuyến đường, Hội Yêu rác Thanh Hóa còn thường xuyên tổ chức các hoạt động vì môi trường như trồng cây, thu gom và phân loại rác thải tại các địa điểm công cộng... Các hoạt động của Hội nhằm nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ môi trường cũng như giữ gìn cảnh quan tại nơi sinh sống.
Lê Quỳnh Anh
Sinh viên Học viện Báo chí và Truyên truyền
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhom-tinh-nguyen-10-nam-va-duong-xuyen-dem-31260.htm