Nhớ những mái nhà xưa của biển

Mỗi khi đứng trước biển, bên rặng dừa xanh rào rạt gió xuân, tôi chợt nhớ đến bài hát “Trở về Sorriento” của anh em nhạc sĩ Ý Ernesto De Curtis viết về thành phố thân yêu bên bờ Địa Trung Hải: “Hãy nhìn biển đẹp biết bao/Làm dậy lên bao cảm xúc như bạn đã làm khi nhìn mọi người/Bạn đã làm cuộc đời mơ mộng hơn/Hãy nhìn mảnh vườn này và những hương cam/Mùi hương thơm ngát đi vào trái tim”. Bài hát hay đến mức để làm quà chào mừng Thủ tướng Ý đến thăm Sorriento. Đó là ca khúc ngợi ca những cảnh đẹp của thành phố thuở còn đậm nét hoang sơ ngút ngàn sóng vỗ, nhưng hình dáng thành phố với ngôi nhà bé nhỏ lại khát vọng như cánh buồm vươn ra vịnh Napoli tràn ngập ánh nắng Địa Trung Hải. Nha Trang của tôi cũng vậy, có khi còn lãng mạn hơn Sorriento rất nhiều với hàng dừa xanh, với ngôi nhà cổ trong vườn cây. Đó chính là một phần của miền thùy dương sóng vỗ.

Nhà bưu điện trên đường Lê Lợi.

Không phải ngẫu nhiên mà trên hải trình ngang dọc của mình khắp miền biển Đông Nam Á, cả xứ Đông Dương, chàng bác sĩ trẻ A.Yersin lại mê đắm và quyết định dừng lại bên bãi biển hoang sơ làm quê hương thứ hai của mình. Từ đây, trên các bức thư, tấm bưu thiếp gửi đi khắp thế giới, cái tên Nha Trang làm mọi người vừa lạ vừa mê đắm về miền đất mới.

Rồi những ngôi nhà mới bắt đầu xuất hiện bên bờ cát theo dấu chân người: Viện Pasteur, Tòa khâm, Bưu điện và đặc biệt ngôi nhà của ông Năm A.Yersin trắng sáng bên cửa sông Cái. Điều đáng nhớ hơn là dọc theo bãi cát ôm chân sóng hình thành dãy phố với rất nhiều ngôi nhà xây theo kiểu Pháp rất đẹp. Đó là những tòa biệt thự kiểu Pháp lộng lẫy ẩn giữa hàng cây, hoa viên... Một đô thị theo kiểu Pháp bên bờ biển đúng nghĩa. Các ngôi biệt thự này lợp ngói ta, nhà tôn cao tạo thềm kiểu cách, dù ở xứ nhiệt đới không lạnh nhưng đều có cửa chớp ngoài kính trong. Người viết bài đã từng làm việc ở tòa biệt thự sau này làm Thư viện tỉnh đầu thập niên 90 (nay là khách sạn Sheraton). Ngôi nhà cổ kính mùa hè gió thổi hướng nào cũng mát rười rượi. Còn mùa gió đông bắc, đóng cửa ngồi trong phòng thấy ấm áp như bên lò sưởi. Nhà có lò sưởi để dịp Noel bỏ vài khúc củi cho lửa uốn lượn cùng tiếng chuông reo.

Một biệt thự kiểu Pháp trên đường Trần Phú.

Không chỉ ngôi nhà này, bắt đầu từ đường Lê Lợi có ngôi nhà tây cổ được gọi là “dây thép”, tức bưu điện, đến hôm nay dù sửa chữa nhiều lần nhưng hình dáng vẫn còn nét xưa với mái ngói thâm nâu. Dãy nhà Viện Pasteur còn mãi tới gần ngày nay mới nhường cho công trình hiện đại mới. May mắn là tòa nhà chính hướng ra biển và những dãy nhà phía sân sau vẫn nguyên vẹn hình dáng thuở A.Yesin tản bộ từ ngôi nhà trắng của mình đến viện làm việc. Rồi từ đây, cùng với những tòa biệt thự có thêm các công trình lớn như: Khách sạn Beau Rivage (sau này là Hải Yến), Grand Hotel (Nhà khách T78). Có lẽ bây giờ chỉ còn khách sạn này điển hình cho những ngôi nhà được xây thuở đầu Nha Trang với vóc dáng thanh thoát, hòa nhập với không gian, lùi xa với biển để cho sóng gió đại dương được thỏa thuê đùa giỡn với cát và bờ cây.

Chúng ta có thể hơi tiếc một chút về ngôi nhà được gọi là “Lầu ông Tư” được xây dựng gần như đầu tiên cùng thời với ga xe lửa Nha Trang. Từ cái bốt lô cốt trấn giữ cửa sông, nhà bác học mua lại để xây dựng một tòa nhà tây đúng nghĩa nhưng tràn đầy tình thân với dân Việt bản xứ nên không ngẫu nhiên mà người dân gọi tòa nhà trắng 2 tầng là “Lầu ông Tư” suốt gần 1 thế kỷ cùng với Nha Trang. Có thể sau này, khi phục dựng lại tòa nhà để thành bảo tàng phục vụ du lịch thì đó chính là tái tạo sự hoài nhớ về một phần những ngôi nhà xưa bên biển. Có thể nói, Nha Trang thuở đầu đã hoàn chỉnh những ngôi nhà kiểu Pháp chạy dọc theo bờ biển. Tiếc rằng, để phát triển mở rộng thì những kiến trúc này không phù hợp nữa nên phải thay thế.

Nha Trang đã thay đổi. Nhưng với ai đã biết thì vẫn nhớ, vẫn lưu giữ những kỷ niệm xưa cũ. Nha Trang cũng như Sorriento thành giai điệu lời ca và tâm hồn của bao người yêu nó.

DƯƠNG TRANG HƯƠNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2024/202402/nho-nhung-mai-nha-xua-cua-bien-647397c/