Nhớ một thời hoa lửa

Mỗi dịp 30/4 hằng năm, những thành viên hội đồng ngũ 1972 (nhập ngũ năm 1972) lại gặp mặt để ôn lại truyền thống, cùng nhau nhớ về những năm tháng không thể nào quên. Cuộc gặp năm nay diễn ra trong không khí cả nước đang rộn ràng chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Cuộc hội ngộ không chỉ là dịp ôn lại những ký ức hào hùng mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình, độc lập, được đổi bằng máu xương của một thế hệ thanh niên anh dũng.

Ký ức một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước nhiều thành viên không thể đến được nhưng cuộc gặp hôm nay vẫn đầy ắp cảm xúc. Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Quân và dân miền Bắc dốc sức chi viện cho chiến trường miền Nam, tạo sức ép buộc đối phương phải chấp nhận đàm phán Hiệp định Paris. Lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong số ấy, có những người con ở quê hương Bảo Yên đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người như ông Trần Xuân Đồng, Nguyễn Văn Long, Hà Đình Dư, Nguyễn Văn Hoằng. Họ đã tạm gác lại chuyện học hành, gác lại giấc mơ lên đường chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Ông Trần Xuân Đồng nhớ lại những ngày tháng ấy, lời kêu gọi của Bác Hồ tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền nam ruột thịt đã thúc giục các thế hệ thanh niên lên đường chiến đấu. Ông Nguyễn Văn Long thì chia sẻ chúng tôi hiểu ra đi là có gian khổ, hy sinh nhưng chẳng ai có thời gian suy nghĩ nhiều bởi tất cả đều hiểu rằng đất nước có chiến tranh và đang cần mình.

Sau thời gian huấn luyện, họ được biên chế vào các đơn vị của của Bộ Tư lệnh B3, tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Sống và chiến đấu trong năm tháng cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất nhưng niềm tin vào một tương lai tươi sáng, vào ngày đất nước trọn niềm vui đã giúp họ vượt qua tất cả. Khi chiến tranh lùi xa, nghe lại câu chuyện của các ông, chúng tôi càng thấm những câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết về không khí hào hùng ngày ấy “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Ông Trần Xuân Đồng kể lại, trên đường hành quân vào Tây Nguyên, có không ít đồng đội bị sốt rét, kiệt sức phải trở lại tuyến sau. Nhưng tinh thần đồng đội là điểm tựa, giúp họ vượt qua muôn vàn khó khăn để tiến về phía trước. Các ông kể rằng, khi chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, dù ở những đơn vị khác nhau như bộ binh, pháo binh, trinh sát… họ vẫn có dịp gặp nhau giữa những trận đánh khốc liệt, tiếp tục chia sẻ những gian khó và động viên nhau tiến lên, đó thực sự là điều quý giá.

Ông Nguyễn Văn Long từng là chiến sĩ mũi nhọn trong đội hình đánh vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, chia sẻ những ký ức không thể quên. Đêm 29/4, đơn vị của ông đã áp sát mục tiêu, đến sáng 30/4, sau những giờ giao tranh căng thẳng, ông cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập lúc 12 giờ 30 phút. Ông kể lại cảm xúc choáng ngợp khi chứng kiến công trình đồ sộ của chế độ cũ và niềm vui vỡ òa khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đêm hôm đó, ông cùng đồng đội ngủ lại trong khuôn viên dinh, bên dưới ánh đèn xanh đỏ từ các cột đèn đường, ấy cũng là lần đầu tiên ông được ngủ ngon kể từ ngày nhập ngũ.

Những câu chuyện của các ông không chỉ là kỷ niệm của mỗi cá nhân mà còn là biểu tượng của lòng dũng cảm, sự hy sinh và lòng yêu nước. Ông Đồng kể về những trận đánh khốc liệt ở Tây Nguyên, nơi ông là pháo thủ số 1, thường xuyên phải đối mặt với tình huống hiểm nghèo. “Một khẩu đội có 5 chiến sĩ nhưng sau mỗi loạt đạn giao tranh thì chẳng khi nào còn đủ 5 người. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải giữ vững tinh thần, bởi nếu một người ngã xuống, đồng đội phía sau sẽ tiếp tục chiến đấu”.

Ông Hà Đình Dư thì nhớ về những ngày hành quân trên Trường Sơn, lần đầu tiên ăn Tết xa nhà với khẩu phần chỉ là vài nắm cơm khô. Những ngày trên chiến hào, ông kể lại cảm giác vừa hồi hộp, vừa sợ hãi khi không biết đạn pháo sẽ rơi xuống lúc nào nhưng tình đồng đội là động lực lớn nhất giúp họ vượt qua tất cả.

Mong thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống

Khi chiến tranh kết thúc, mỗi người lại rẽ sang một con đường khác nhau. Có người tiếp tục phục vụ trong quân ngũ, có người chuyển ngành sang công tác tại các cơ quan, ban, ngành của địa phương, có người phục viên trở về quê hương, bắt tay vào cuộc sống đời thường. Dẫu ở đâu, làm gì, các ông vẫn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ: cần cù, trách nhiệm, không ngại khó khăn.

Cách đây 20 năm, khi cuộc sống bớt khó khăn, các ông bắt đầu tìm kiếm liên lạc, tổ chức hội đồng ngũ để gặp gỡ nhau hằng năm, ôn lại những kỷ niệm một thời hoa lửa.

Trong buổi gặp mặt hôm nay, các cựu chiến binh không chỉ được sống lại những năm tháng chiến đấu mà còn gửi gắm những tâm tư, kỳ vọng đến thế hệ trẻ. Ông Hà Đình Dư nói: “Hạnh phúc của chúng ta hôm nay được đổi bằng máu xương của đồng đội, của cả dân tộc. Mong rằng thế hệ trẻ sẽ giữ gìn và phát huy truyền thống cha anh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Ông Nguyễn Văn Long thì mong rằng các bạn trẻ hôm nay, trong thời bình, sẽ tiếp nối tinh thần ấy, cống hiến hết mình cho đất nước.

Cuộc gặp gỡ khép lại trong niềm xúc động và tự hào. Những câu chuyện, những ký ức của các cựu chiến binh không chỉ là bài học lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng, nhắc nhở chúng ta luôn biết ơn và trân trọng những hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước. Họ chính là những người viết nên trang sử hào hùng của dân tộc để chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình và tự do.

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nho-mot-thoi-hoa-lua-post401034.html