Nhớ lời Bác dặn, thêm động lực phấn đấu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc. Tình cảm, sự ân cần và những lời căn dặn của Người về tinh thần đoàn kết, bình đẳng, bác ái luôn khắc sâu và trở thành động lực vươn lên trong cộng đồng các dân tộc.
Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, những ký ức tươi đẹp về Bác Hồ trong buổi sáng Ba Đình lịch sử lại hiện về khiến bà Chu Chà Me, gần 80 tuổi, ở phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) bùi ngùi xúc động. Bà Me là một trong hai người được Huyện ủy Mường Tè (Lai Châu) chọn đi dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9-1960 ở Hà Nội.
Bà Me nhớ lại: “Sáng 2-9-1960, chúng tôi được ưu tiên ngồi trên lễ đài cánh phải, tầng thấp. Nhìn xuống quảng trường, người đông nghịt, hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ. Bỗng một tiếng nói vang lên: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Cả quảng trường hô theo như sấm dậy. Bác Hồ và các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước bước lên lễ đài".

Bà Chu Chà Me giới thiệu về tấm ảnh được chụp với Bác Hồ. Ảnh: QUANG PHẠM
Lễ mít tinh hùng tráng thiêng liêng kỷ niệm ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm ấy khiến Chu Chà Me tự hào, xúc động. Lúc ra về, ai cũng phấn khởi...
Sau lễ kỷ niệm, vào khoảng 9 giờ ngày 4-9-1960, một chiếc xe con màu đen chạy vào Nhà khách Trung ương. Chu Chà Me xúc động khi nhìn thấy Bác bước xuống. Các chị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mời Bác và chị em Khu tự trị Thái-Mèo và Việt Bắc vào hội trường. Chị em ngồi quây quần bên Bác. Được Bác cho phép phát biểu, mỗi người một ý kiến. Có chị nói, đàn ông còn nặng tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ. Có ý kiến, các tổ chức nhiều nơi không chú ý đào tạo, bồi dưỡng chị em... Bác chăm chú lắng nghe rồi nói (đại ý): Bác rất hiểu hoàn cảnh chị em là người bị áp bức bóc lột nhiều nhất dưới chế độ cũ. Đến nay, phụ nữ đã được giải phóng song tư tưởng của chế độ cũ còn nặng nề, không phải một lúc là xóa bỏ ngay được. Lúc nào các tỉnh về họp, Bác sẽ nhắc các chú, nhưng cái chính là các cháu phải tự đấu tranh với các chú nam giới một cách cương quyết để thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ...
Ghi sâu lời dạy của Bác, từ một cô gái Hà Nhì khi đó mới học lớp 3, Chu Chà Me đã phấn đấu tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Những năm còn công tác ở Huyện đoàn Mường Tè (Lai Châu), Chu Chà Me đã đem hết sức mình vận động phụ nữ đi học. Nhờ đó, nhiều chị em tốt nghiệp đại học, cao đẳng và giữ chức vụ trong các cơ quan, như tấm gương chị Lò Thị Tiêm, tốt nghiệp ngành sư phạm về dạy học ở xã Mường Mô, huyện Mường Tè (nay thuộc huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu); chị Lò Thị Tình, học ngành y, về làm Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện huyện Mường Tè...
Là người dân tộc Mông, bà Mùa Thị Dí, phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) cũng có vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Năm 1956, Mùa Thị Dí được cử đi học tại Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) ở Hà Nội. Tết Nguyên đán năm ấy, vì ở xa nên đoàn Lai Châu ở lại Thủ đô ăn Tết. Biết chuyện, Bác Hồ mời cả đoàn sang Phủ Chủ tịch. Khi đến nơi, Mùa Thị Dí được phân công ôm hoa lên tặng Bác Hồ. Vì chưa thạo tiếng phổ thông, Dí chỉ nói được một câu: “Tết năm mới, chúc Bác mạnh khỏe”. Lần thứ hai bà Dí được gặp Bác Hồ là năm 1958, khi tham gia Hội nghị phụ nữ các dân tộc miền núi. Cả hội nghị gần 300 người nhưng chỉ có 40 người được đến thăm Bác. Đến nơi, Bác bắt tay từng người, đến lượt Dí, Bác hỏi bằng tiếng Mông và căn dặn: “Khi trở về, cháu cố gắng vận động đồng bào tăng gia sản xuất nhiều, chăn nuôi nhiều để khi Tết đến, nhà nhà có lợn mổ ăn Tết”.
Để hiện thực hóa lời dạy của Bác, từ lúc công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho đến khi làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu rồi nghỉ hưu, bà Dí đã vận động chị em đẩy mạnh phong trào “3 gà, 2 lợn”; khai hoang ruộng nước, tăng gia sản xuất và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Bà Dí được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương và nhiều bằng khen.
Mới đây, chúng tôi nhận được tin bà Mùa Thị Dí đã về cõi vĩnh hằng. Chị Đặng Kim Dung, con gái bà Dí cho biết: “Những ngày cuối đời, mẹ tôi luôn để tấm ảnh chụp với Bác Hồ trên đầu giường bệnh. Dù ở nơi đâu mẹ tôi cũng luôn nhớ ơn Đảng và Bác Hồ vĩ đại”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/nho-loi-bac-dan-them-dong-luc-phan-dau-633673