Nhờ đam mê, chàng trai này đã đưa mặt hàng sáo trúc của mình sang tận Nhật Bản
Từ niềm đam mê với sáo trúc, Nguyễn Lê Hoàng Nhân (K40, trường ĐH Đà Lạt) đã xây dựng cho mình một thương hiệu riêng để kinh doanh. Không dừng lại ở đó, Nhân còn thành lập CLB Sáo trúc để tạo sân chơi cho những bạn trẻ yêu thích nhạc cụ dân tộc.
Nhân kể cái duyên đưa mình đến với tiếng sáo khi mới hơn 10 tuổi, loay hoay với cây sáo được mẹ mua về từ chợ. Lúc đầu, Nhân cũng nản khi suốt một thời gian dài tự tập mà chưa biết thổi sáo. Nhưng rồi, Nhân lại được mua cho cây sáo khác từ một thương hiệu sáo trúc uy tín ở Hà Nội, niềm đam mê như được đánh thức và Nhân đã gắn bó với sáo cho đến bây giờ.
Nhìn những nhà sản xuất mang nguyên liệu từ Lâm Đồng ra miền Bắc để sản xuất, Nhân thắc mắc “tại sao mình lại không làm giàu được từ chính vùng nguyên liệu sẵn có?”. Chính vì vậy, Nhân đã tập tành làm sáo.
Để có được những thanh nứa tốt nhất, Nhân đích thân tìm kiếm từ các khu rừng ở Đức Trọng, Lâm Hà... và vận chuyển về nhà mình ở Cát Tiên. Tại đây, nứa được phơi, uốn thẳng, ra khúc... Nhân cho biết, đến bây giờ, ngoài công đoạn dùng máy khoan để tạo lỗ ban đầu thì các công đoạn khác đều được Nhân tiến hành làm thủ công. Đặc biệt là công đoạn khoét lỗ bằng dao, Nhân cho rằng, ngoài yếu tố quyết định là chất lượng của nguyên liệu ống nứa thì không có bất cứ một chuẩn mực nào cho các cây sáo. Điều quan trọng nhất vẫn là tiếng sáo khi thổi lên phải hay, có hồn. Điều này tùy thuộc vào cảm nhận của chính người thổi nên Nhân cứ vừa làm vừa thổi thử để kiểm tra cho đến lúc cảm thấy hài lòng mới thôi.
Sau đó, Nhân mang sản phẩm cùng hoài bão đến các cửa hàng nhạc cụ nhưng chưa được cửa hàng chấp nhận ký gửi. Không nản chí, anh quay trở về nghiên cứu tìm ra cách chế tác ra cây sáo hay. Nhân tìm đến các nghệ nhân, nghệ sĩ để được học hỏi kinh nghiệm. Song song đó, Nhân cũng bắt đầu kinh doanh online.
Cuối cùng thì việc theo đuổi ước mơ đến cùng cũng "hái được quả ngọt". Năm 2018, cây sáo do chính Nhân dày công chế tạo cũng đã bắt đầu nhận được sự tin tưởng từ người chơi. Mỗi tháng, Nhân bán được trên 200 cây sáo trúc từ các cửa hàng nhạc cụ và bán online thông qua mạng xã hội. Năm 2019, Nhân đã đưa sáo trúc của mình đến được với thị trường nước ngoài (Nhật Bản). Hiện tại, “Sáo trúc Hoàng Nhân” cũng là một trong những địa điểm mua sáo được nhiều bạn bè cả nước biết đến. Không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh online, Nhân đã có cửa hàng riêng tại Cát Tiên (Lâm Đồng) và hứa hẹn trong tương lai sẽ có thêm nhiều chi nhánh trên khắp cả nước.
Ngoài việc kinh doanh sáo trúc, Nhân còn thành lập CLB Sáo trúc, trực thuộc Hội Sinh viên trường ĐH Đà Lạt. “Được sự hỗ trợ, khuyến khích của Đoàn trường, Hội Sinh viên trường, thầy Phan Tuấn Anh, mình mong muốn kết nối các bạn trẻ có chung niềm đam mê sáo trúc. Đồng thời, thông qua hoạt động của câu lạc bộ, mình cũng muốn bảo tồn, giữ gìn, lan tỏa nhạc cụ truyền thống dân tộc Việt Nam, đưa nhạc cụ truyền thống đến với các bạn trẻ. Và cuối cùng là tạo môi trường, sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ, các bạn sinh viên tại trường ĐH Đà Lạt nói riêng và các bạn học sinh, đoàn viên trong địa bàn TP. Đà Lạt nói chung”, Nhân chia sẻ.