Nhìn về một 'cuộc chiến'

Nhớ có buổi ngồi cùng con xem đoạn video về chiến tranh, tôi nói cho con nghe về sự khốc liệt của chiến tranh, nhấn mạnh đến việc trân trọng hiện tại cùng trách nhiệm giữ gìn cuộc sống này, có lẽ lời nói của người lớn hàn lâm quá, thằng bé 10 tuổi nhìn mẹ một hồi rồi nói: - Giờ có chiến tranh nữa đâu mà mẹ nói nhiều thế!

Đội lái xe tình nguyện với những “chuyến xe 0 đồng” tại huyện Tân Yên. (Ảnh: Hội Chữ Thập đỏ huyện Tân Yên).

Vậy mà ngay lúc này, một cuộc chiến trong thời bình giữa con người với một loài vi rút mắt thường không thể nào nhìn thấy đã diễn ra. Cuộc chiến này cũng khốc liệt không kém những cuộc chiến tranh lớn trên thế giới, đã lây lan tới hơn hai trăm quốc gia, vùng lãnh thổ, nó thậm chí làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu và theo như Tỷ phú Bill Gates - người sáng lập Microsoft, nó đã: “kéo lùi tiến độ phát triển của thế giới tới hàng chục năm”.

Việt Nam phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Kể từ đó đến nay đã có 4 đợt dịch. Lần này, dịch Covid-19 trở lại với tốc độ lây lan mạnh hơn, số ca nhiễm tăng rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đã lên đến hàng nghìn ca. Nhiều ổ dịch diễn biến phức tạp như ở Bắc Giang, Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh.

Những ngày này, cả một hệ thống chính trị đang gồng mình chống giặc. Lịch sử dân tộc ta đã trải qua bao cuộc trường kỳ chống xâm lược. Một dân tộc nhỏ bé đã đánh thắng những đế quốc sừng sỏ, một dân tộc kiên cường đã vượt qua bao gian khổ để xây dựng đất nước. Thử thách, khó khăn đã tạo nên trong dòng máu của người Việt những phẩm chất tốt đẹp, đó là ý chí, nghị lực bền bỉ, là tinh thần đoàn kết, là sự yêu thương, sẻ chia... Và giờ đây, giữa những ngày mà giặc Covid-19 đang hoành hành thì hơn bao giờ hết, ta càng thêm thấm thía và trân quý những gì cha ông đã để lại.

Từ khi có ca bệnh đầu tiên đến nay, sau những lời kêu gọi ủng hộ của chính quyền các cấp, của những tập đoàn, tổ chức, những nhà hảo tâm... hàng nghìn tỷ đồng, trang thiết bị bảo hộ y tế, nhu yếu phẩm... đã được huy động và phục vụ cho tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chính phủ luôn đồng hành với người dân bằng những chính sách cụ thể, thiết thực cùng thông điệp đầy nhân văn: Không một ai đứng ngoài và không một ai bị bỏ lại phía sau. Đã có bao câu chuyện xúc động về những cây ATM gạo, về siêu thị 0 đồng, những cháu bé đã dùng tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người, các cụ ông, cụ bà tuổi cao sức yếu nhưng đã dành những đồng tiền tiết kiệm để ủng hộ phòng, chống dịch...

Là người dân trong vùng dịch có những diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Tân Yên quê tôi cũng đang chạy đua để chống dịch Covid-19. Và trong đợt dịch này, vẫn là bao điều xúc động và trân quý như thế về sự hy sinh, sẻ chia, về tình người ấm áp. Sự hy sinh vất vả trước hết luôn là những chiến sĩ áo trắng. Bất kể ngày đêm, họ là những người lính xung trận trên tuyến đầu. Khi Bắc Giang, Bắc Ninh là tâm dịch thì bao chiến sĩ áo trắng ở các miền quê khác nhau đã tạm biệt gia đình, để lại cha mẹ già, con thơ sẵn sàng dấn thân vào nơi nguy hiểm... Chính quyền, nhân dân đồng sức đồng lòng. Truyền thống tương thân tương ái phát huy cao độ. Nhân dân cả nước đều hướng sự quan tâm và ủng hộ Bắc Giang, Bắc Ninh. Bao chuyến hàng chở nhu yếu phẩm đã đến đây chung tay cùng các y bác sĩ, lực lượng quân đội, người dân khu cách li, công nhân khu công nghiệp...

Và nông sản của Bắc Giang được người dân các nơi hỗ trợ thu mua giúp người nông dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh. Những hoạt động thiện nguyện diễn ra rộng khắp trong mọi tầng lớp, từ việc ủng hộ tiền của, vật chất đến góp công góp sức. Chưa khi nào người ta thấy xuất hiện thêm nhiều biển hiệu “0 đồng” đến thế. Đó là những “chuyến xe 0 đồng” của những bác tài tình nguyện đưa các y bác sĩ đến vùng dịch, đến nơi lấy mẫu xét nghiệm bất kể thời gian, chở lương thực, thực phẩm đến những điểm cách ly. Đó là những “Bữa ăn 0 đồng” mà “đầu bếp” là các thầy, cô giáo. Các đồng chí công an, dân quân, các chị phụ nữ, nông dân... sắp xếp công việc, không quản ngại cái nắng 39, 40 độ C đi thu hoạch nông sản cho những gia đình trong diện cách ly. Có những người dân tỉnh khác đã vượt hàng trăm cây số giữa những ngày nắng lửa để kề vai sát cánh với Bắc Giang, Bắc Ninh “chống giặc”. Sự sẻ chia, đoàn kết, tình người trong đại dịch ấm áp biết bao. Tất cả mọi người, không kể vị trí xã hội, công việc, lứa tuổi... đều xích lại gần nhau và cùng hành động vì một mục đích: Góp phần nhỏ bé của mình chung tay vào cuộc chiến đẩy lùi Covid-19.

Giữa hòa bình vẫn có những ngày giông bão. Những cuộc chiến với kẻ thù vô hình như Covid-19 có lẽ cũng chưa hết. Những gì đang diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, nhất là những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp đã minh chứng cho một điều rất rõ ràng: Chính khó khăn thử thách lại tạo ra một thứ keo kết nối mọi người trong tình Đồng bào thiêng liêng, đánh thức ở mỗi người tinh thần dân tộc và những lý tưởng sống cao đẹp, như lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, ngày 27/5/2021: “...Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện khí chất của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cùng hành động có trách nhiệm vì đất nước.”

Giữa thời bình, chúng ta vẫn đang đánh giặc - “giặc Covid-19”. Và cuộc chiến nào cũng khốc liệt, cũng gian khổ, có mất mát, hy sinh... Nhưng chúng ta có đủ niềm tin để khẳng định: Những ngày bình yên đang trở lại!.

Dung Thy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-ncov/362034/nhin-ve-mot-cuoc-chien-.html