Nhìn lại vụ rơi máy bay gây thiệt hại nghiêm trọng nhất cho Không quân Trung Quốc
Tai nạn của chiếc máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không KJ-200 diễn ra hồi năm 2006 chính là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Không quân Trung Quốc (PLAAF).
KJ-200 là chiếc máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) củaKhông quân Trung Quốcdo Tập đoàn hàng không Thiểm Tây (Shaanxi) chế tạo dựa trên khung thân máy bay vận tải hạng trung Y-8 (phiên bản sao chép An-12 của Liên Xô).
Thành phần chính của KJ-200 là một radar mảng pha quét chủ động (AESA) dạng thanh thẳng được gắn vào hai bệ đỡ trên lưng cùng các cảm biến gắn dưới bụng, cấu hình này tương tự như hệ thống Saab Erieye của Thụy Điển.
Theo tổng công trình sư Ouyang Shaoxiu, KJ-200 có nhiều thay đổi đáng kể (khoảng 80%) so với Y-8F-600, trong đó có việc trang bị động cơ turbine cánh quạt PW150B của Pratt & Whitney Canada cũng như hệ thống điện tử hàng không của Tập đoàn Honeywell - Hoa Kỳ.
Hiện tại, KJ-200 cùng với KJ-2000 đang là những phi cơ AWACS xương sống của PLAAF, đơn giá một chiếc KJ-200 vào khoảng 80 - 100 triệu USD tùy cấu hình.
Mặc dù chế tạo trên cơ sở vận tải cơ Y-8 đã rất quen thuộc và có độ tin cậy cao, tuy nhiên do được sửa đổi để tích hợp nhiều thiết bị điện tử tinh vi nên quá trình đánh giá, thử nghiệm KJ-200 tốn khá nhiều thời gian và tiềm ẩn nguy cơ lớn.
Vào ngày 3/6/2006, một chiếc KJ-200 đã bị rơi tại huyện Quảng Đức, tỉnh An Huy. Trên máy bay khi đó có tới 40 người gồm 5 thành viên phi hành đoàn cùng 35 cán bộ kỹ thuật, tất cả đều thiệt mạng.
Việc có quá nhiều người trên chiếc AWACS này đã dẫn tới nhận định rằng khi đó nó đang tiến hành một số bài kiểm tra, trong đó quan trọng nhất là tránh truyền dữ liệu theo thời gian thực trở lại mặt đất nhằm không cho tình báo nước ngoài có cơ hội khai thác.
Nguyên nhân của vụ tai nạn trên được công bố vào ngày 7/9/2006, lời giải thích chính thức là do sự hình thành băng trên cánh máy bay sau khi bay qua những đám mây giông trong thời tiết xấu.
Thông báo cũng cho biết đã có khoảng gần một chục sĩ quan cấp cao của Trung Quốc phải chịu kỷ luật từ khiển trách đến giáng chức, bao gồm cả Chỉ huy không quân và Phó tư lệnh của Quân khu Nam Kinh.
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng nhất lịch sử Không quân Trung Quốc, gây thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn nhân lực, đặc biệt hơn khi trên máy bay có những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực điện tử hàng không của nước này.
Như vậy có thể thấy trong hoạt động quân sự, những tai nạn hay điều đáng tiếc nào đó xảy ra là không thể tránh khỏi, cho dù đó là một quốc gia có tiềm lực tài chính và kỹ thuật hùng mạnh đến đâu chăng nữa.