Nhìn lại loạt bê bối của Tân Hiệp Phát
Trước khi vướng vòng lao lý, Tân Hiệp Phát đã vướng không ít lùm xùm liên quan đến chất lượng sản phẩm và hoạt động làm ăn riêng.
Trước khi, ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích bị bắt vì hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 11/2020, Tân Hiệp Phát đã vướng không ít lùm xùm liên quan đến chất lượng sản phẩm và hoạt động làm ăn riêng.
Vụ án chai nước có ruồi
Lùm xùm lớn nhất của Tân Hiệp Phát có lẽ là câu chuyện "chai nước có ruồi giá 500 triệu đồng" năm 2015. Cụ thể, ngày 3/12/2014, ông Võ Văn Minh, chủ một quán bún tại huyện Cái Bè, Tiền Giang khi lấy chai nước ngọt Number One (sản phẩm của Tân Hiệp Phát) bán cho khách thì phát hiện chai nước ngọt có ruồi.
Nảy sinh ý định tống tiền, ông Minh gọi đến Tân Hiệp Phát yêu cầu chi 1 tỷ đồng, nếu không sẽ khiếu nại lên Ban bảo vệ người tiêu dùng. Phía công ty nhiều lần gặp ông để trao đổi và cho biết không giải quyết bằng tiền đối với sản phẩm lỗi mà chỉ đổi bằng một số sản phẩm. Ông MInh không đồng ý và sau nhiều lần thương lượng, ông hạ mức tiền xuống 500 triệu đồng.
Ngày 27/1/2015, các nhân viên của Tân Hiệp Phát đến quán giao tiền cho ông Minh. Tuy nhiên, khi viết xong giấy biên nhận và bỏ tiền vào cốp xe thì ông Minh bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ. Kết quả, ông Võ Văn Minh bị phạt 7 năm tù về hành vi "cưỡng đoạt tài sản".
Kết thúc vụ việc "chai nước có ruồi giá 500 triệu đồng", người dùng là ông Minh bị tòa tuyên án phạt 7 năm tù. Còn Tân Hiệp Phát, đại diện bên bị hại, cho biết đã thiệt hại 2.000 tỷ đồng.
Đây cũng không phải lần đầu Tân Hiệp Phát vướng phải nghi vấn về chất lượng sản phẩm. Trước đó, hồi tháng 3/2009, bà Nguyễn Thị Thu Hà (Biên Hòa, Đồng Nai) đã phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong.
Thời điểm đó, Đại diện Tân Hiệp Phát thừa nhận đó là những sản phẩm lỗi, nhưng khi đưa tiền bồi thường cho bà Hà thì Tân Hiệp Phát lại gọi công an đến bắt bà vì tội tống tiền. Do có đầy đủ giấy tờ nên công an đã trả tự do cho bà Hà.
Ba tháng sau đó, cơ quan điều tra phát hiện 26 tấn hương liệu chế biến nước giải khát do nước ngoài sản xuất đã hết hạn sử dụng. Hàng gắn nhãn gửi đến Công ty Tân Hiệp Phát. Tại kho hàng của Tân Hiệp Phát chi nhánh Bình Dương, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 60 thùng hương liệu có thời hạn sử dụng ngày 3/11/2008, quá hạn 6 tháng so với ngày phát hiện.
Hay cuối năm 2010, ông Trương Ngọc Tuấn (TP.HCM) cũng phát hiện 6 chai sữa đậu nành Number One Soya đã gợn đục có lớp kết tủa màu trắng. Lô hàng này được ghi trên chai là sản xuất vào tháng 9/2010, hạn sử dụng ngày 25/6/2011.
Là một đại gia trong ngành đồ uống nhưng năm 2018, ông Trần Quí Thanh gây bất ngờ với cương vị Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TPHCM. Trả lời báo chí thời điểm đó, ông Thanh cho biết mọi người, mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề đều liên quan tới bất động sản. Bất động sản cũng là ngành thú vị, nhất là trong giai đoạn đất nước đang phát triển, nhu cầu mở rộng thành phố, mở rộng kinh doanh rất lớn.
Nói đến vai trò của ngành này trong tập đoàn Tân Hiệp Phát, ông Thanh khẳng định "là ngành được quan tâm đặc biệt". Đồng thời, ông nhấn mạnh tập đoàn tham gia bất động sản không phải vì "nó đang lên, mà cảm thấy đang ở điểm rơi phù hợp với bản thân và thời cơ chín muồi để lấn sân sang mảng khác".
Sau đó, Tân Hiệp Phát đã nhanh chóng thành lập hơn 20 doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ gần 20.000 tỷ đồng để hiện thực tham vọng này.
Ông Thanh ít khi đứng tên sở hữu phần vốn góp trong các công ty thuộc hệ thống Tân Hiệp Phát, mà hầu hết do vợ là bà Phạm Thị Nụ và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đứng tên.
Bên cạnh những công ty có vốn tương đối lớn được thành lập gần đây, từ đầu năm 2018 đến nay gia đình ông Thanh cũng thành lập cả chục công ty khác. Một số cái tên đáng chú ý như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh có vốn 1.200 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản TQT (50 tỷ đồng)...
Tuy nhiên điều bất ngờ là chỉ vài tháng sau khi thành lập, vào tháng 8-9/2019, hầu hết các công ty trong số này đã đột ngột công bố giải thể với cùng lý do là "Không có dự án để đầu tư, phát triển và về việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả".
Sau khi cho ngưng hoạt động loạt doanh nghiệp thành lập năm 2019 thì sang năm 2021-2022, Tân Hiệp Phát lại cho thành lập khoảng chục công ty mới với vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng mỗi đơn vị, tất cả đều hoạt động ngành nghề bất động sản. Các doanh nghiệp này đều do các thành viên trong gia đình ông Thanh nắm vốn và làm đại diện pháp luật, trong đó phần lớn là do bà Trần Uyên Phương đứng tên.
Quỹ đất của gia đình ông Thanh trải rộng khắp cả nước và sở hữu nhiều lô "đất vàng" tại Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu.../.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhin-lai-loat-be-boi-cua-tan-hiep-phat/287572.html