Nhìn lại 2 tháng bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ tư tại thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 27-6 là tròn 2 tháng thành phố Hồ Chí Minh bước vào đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư với vi rút biến chủng Delta từ Ấn Độ, khiến cho khoảng 2.900 người nhiễm bệnh. Đợt dịch này cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể về tư duy và cách thức phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Biểu đồ số ca nhiễm Covid-19 theo ngày tại thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 1 tháng qua.

Đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay

Ngày 27-4-2021, sau chuỗi gần 50 ngày không phát sinh ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận ca nhiễm mới là nam thanh niên sinh năm 1993 từ ổ dịch Hà Nam bay vào thành phố (BN2910). Đây được coi là ca khởi đầu của đợt dịch thứ tư.

Sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, thành phố ghi nhận thêm một số chuỗi nhiễm Covid-19 tại thành phố Thủ Đức và quận 3. Các bệnh nhân mang vi rút biến chủng Anh. Với phản ứng nhanh, khoanh vùng triệt để, sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng kỹ lưỡng, các chuỗi nhiễm này chỉ phát triển vài ca nhiễm và nhanh chóng bị cắt đứt nguồn lây.

Chuỗi lây nhóm truyền giáo làm phát sinh hàng chục chuỗi lây nhiễm Covid-19 khác tại thành phố Hồ Chí Minh.

Làn sóng Covid-19 thứ tư chỉ thực sự ập đến khi ca nhiễm đầu tiên của chuỗi lây nhóm truyền giáo có trụ sở tại quận Gò Vấp xuất hiện ngày 26-5. Chỉ trong vòng một tuần sau đó, với tốc độ lây lan nhanh của vi rút biến chủng Delta (Ấn Độ), chuỗi nhiễm này tăng rất nhanh, với khoảng 500 ca nhiễm Covid-19. Ngoài ra, chuỗi nhiễm này còn làm xuất hiện 21 chuỗi nhiễm khác khắp 22 quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh.

Các chuỗi nhiễm đã khiến tổng số ca nhiễm Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh lên đến hơn 2.900 ca, trong đó có 5 ca tử vong. Ít nhất 5 bệnh viện đã phải phong tỏa có thời hạn do có nhân viên y tế nhiễm Covid-19. Chợ đầu mối Hóc Môn phải tạm ngừng hoạt động mua bán trực tiếp trong 7 ngày. Toàn thành phố có gần 500 điểm phong tỏa trong các khu dân cư.

Chợ đầu mối Hóc Môn phải tạm ngừng hoạt động mua bán trực tiếp từ 28-6 đến 4-7.

Từ ngày 31-5, thành phố Hồ Chí Minh đã phải áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15; riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 phải phong tỏa theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chống dịch. Sau đó, thành phố tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và ban hành Chỉ thị 10 của UBND thành phố trên quy mô toàn thành phố.

Tuy nhiên, trong nhiều ngày liền, số ca nhiễm vẫn tăng 3 con số. Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai 5.000 giường điều trị Covid-19 tại 11 bệnh viện; huy động ký túc xá của nhiều trường đại học và đơn vị quân đội để có hàng nghìn chỗ cách ly F1.

Một điểm phong tỏa phòng Covid-19 tại quận 7.

Thay đổi cách thức ứng phó

Trong 1 tháng đầu kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh vẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như đã từng áp dụng trong 3 đợt dịch trước, đó là: Cách ly tập trung triệt để F1, thần tốc xét nghiệm RT-PCR trong cộng đồng dân cư tiếp xúc gần các ca F0 để sàng lọc các ca nhiễm khác bằng mẫu đơn và mẫu gộp.

Tuy nhiên, từ ngày 27-5, chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo đã khiến các ổ dịch xuất hiện ngày càng nhiều, số ca nhiễm tăng cao, số lượng F1 đông hơn bao giờ hết. Một vài bệnh viện và khu cách ly tập trung có dấu hiệu quá tải. Thực tế này khiến ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh phải áp dụng cách ứng phó mới để phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Một là thay đổi trong áp dụng vùng phong tỏa. Từ ngày 15-6, thành phố Hồ Chí Minh không áp dụng phong tỏa diện rộng như từng làm với quận Gò Vấp mà thực hiện phương châm “phong tỏa nhỏ nhất có thể” nơi có ca nhiễm. Việc này nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ việc phong tỏa phòng dịch đến đời sống người dân.

Hai làthay đổi về cách thức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng. Nếu trước đây, ngành Y tế chỉ lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn, mẫu gộp) thì nay, với yêu cầu có kết quả xét nghiệm sàng lọc Covid-19 nhanh nhất có thể, cơ quan Y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên với mọi ca F1. Nếu dương tính với SARS-CoV-2, sẽ lấy mẫu đơn để xét nghiệm RT-PCR khẳng định. Các trường hợp khác lấy mẫu gộp để xét nghiệm RT-PCR. Với cách thức này, công suất lấy mẫu, xét nghiệm lên đến 500.000 mẫu/ngày; có kết quả trong vòng 24 giờ.

Ba làthay đổi về điều trị bệnh nhân. Người nhiễm Covid-19 được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm người nhiễm nhẹ, không triệu chứng, chỉ cần thu dung điều trị tại các cơ sở như bệnh viện dã chiến không yêu cầu trang bị quá nhiều nhân lực và thiết bị y tế. Nhóm 2 là người nhiễm Covid-19 có triệu chứng, có diễn tiến bệnh, được đưa vào các bệnh viện chuyên môn để điều trị. Nhóm 3 là người nhiễm Covid-19 diễn tiến nặng, nhiều bệnh nền, được thu dung điều trị tại các bệnh viện tuuyến cuối chuyên ngành, sẵn sàng hồi sức cấp cứu, chạy ECMO.

Khu ký túc xá Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) trở thành bệnh viện dã chiến quy mô 1.000 giường, tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nhóm 3 từ ngày 27-6.

Sau 2 tháng căng mình chống dịch, thành phố Hồ Chí Minh vẫn bảo vệ thành công nhịp sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Hàng hóa vẫn được cung ứng dồi dào theo nhu cầu thị trường. Các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tương trợ nhau và hợp tác cùng chính quyền chống dịch.

Ngày 26-6, nhận xét về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Chỉ thị 10 của UBND thành phố đã được ban hành đúng lúc, góp phần làm giảm tốc độ lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. Dù số ca nhiễm tăng cao, nhưng đây là kết quả của chiến dịch xét nghiệm diện rộng; các ca nhiễm mới được phát hiện trong vùng phong tỏa và khu cách ly. Số ca nhiễm ngoài cộng đồng bắt đầu giảm.

“Thành phố cần xác định chính xác nguy cơ lây nhiễm ở từng quận, thậm chí từng phường để tổ chức xét nghiệm đón đầu, tập trung làm sạch những địa bàn trọng điểm, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Thu Hoài – Phương Nam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1003899/nhin-lai-2-thang-bung-phat-dot-dich-covid-19-thu-tu-tai-thanh-pho-ho-chi-minh