Nhiều nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế không được Israel cấp thị thực
Trong bối cảnh cuộc xung đột Israel - Hamas tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thảm họa nhân đạo thảm khốc tại Gaza, nhiều nhân viên thuộc các tổ chức nhân đạo quốc tế đã không được Israel cấp thị thực vào Gaza và khu vực Bờ Tây.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Cairo ngày 18/3 với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Giám đốc Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc cho biết, ông dự kiến tới thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, nhưng đã bị Israel từ chối nhập cảnh. Theo Ngoại trưởng Ai Cập, đây là một động thái “chưa từng có” đối với người đứng đầu một cơ quan thuộc Liên hợp quốc.
Theo Hiệp hội các Cơ quan Phát triển Quốc tế (AIDA) - cơ quan đại diện cho hơn 80 tổ chức viện trợ nhân đạo, từ đầu tháng 3, hơn 100 thị thực của nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế đã không được gia hạn hoặc cấp mới, trong khi gần 50 thị thực khác sẽ hết hạn trong vài tuần tới.
Cũng theo Hiệp hội này, việc Israel ngừng gia hạn thị thực cho các nhân viên cứu trợ quốc tế ở dải Gaza và khu vực Bờ Tây, đã cản trở công việc viện trợ trong khi người dân tại đây đang cần nhất.
Thông thường, nhân viên Liên hợp quốc được Israel cấp thị thực dài hạn 1 năm, nhưng kể từ khi xảy ra xung đột Israel - Hamas, các nhân viên này chỉ được cấp thị thực có thời hạn 2 tháng.
Trong một diễn biến liên quan, hôm qua (19/3), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Vedant Patel kêu gọi Israel nhanh chóng phê duyệt thị thực của ông Lazzarini và các nhân viên cứu trợ quốc tế khác.
Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, các quan chức Mỹ và Israel dự kiến có cuộc gặp vào đầu tuần tới, để thảo luận về hoạt động quân sự của Israel ở Rafah, trước những lo ngại sâu sắc về các báo cáo cảnh báo nạn đói sắp xảy ra ở Gaza.