Nhiều lợi ích sao vẫn khó triển khai?

Các chuyên gia cho rằng, quy định mô tô, xe máy đang lưu hành phải kiểm tra định kỳ về phát khí thải là cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường.

Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy không làm phát sinh chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Quốc Doanh

Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy không làm phát sinh chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Quốc Doanh

Xe máy cũng gây ô nhiễm rất lớn

Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 và chất lượng không khí năm 2017, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị. Trong đó xe máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất. Bên cạnh đó, thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 68 triệu mô tô, xe máy. Bộ GTVT cho biết, tại Hà Nội có hơn 6,1 xe máy, trong đó, có gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000. Từ những thông số trên có thể thấy, lượng khí thải do mô tô, xe máy thải ra môi trường hằng năm là rất lớn...

Quanh câu chuyện khí thải xe máy, ThS. Vũ Anh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực Giao thông đô thị cho biết: Ngành giao thông vận tải phát thải hơn 30 nghìn tấn CO2/năm. Theo kịch bản phát triển thông thường, lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực giao thông sẽ tăng 6-7% mỗi năm và đạt 90 triệu tấn vào năm 2030. Đáng chú ý, nếu như ô tô công tác này được kiểm soát định kỳ và có hình thức xử lý chặt chẽ nếu không tuân thủ thì ở xe máy lại ngược lại.

Chuyên gia này nêu dẫn chứng, một xe máy di chuyển quãng đường trung bình 16,7km/ngày, tương đương với 6.095km/năm, tiêu thụ nhiên liệu trung bình 0,0236 lít/km. Nếu thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo, mức tiêu thụ nhiên liệu bình quân của mỗi xe tiết kiệm được 10,07 lít/năm. Nếu tính trên toàn TP Hà Nội với hơn 6,1 triệu xe máy, lượng nhiên liệu hàng năm tiết kiệm được là gần 62 triệu lít và tổng chi phí nhiên liệu tiết kiệm ước tính hơn 1,8 nghìn tỷ đồng. Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy còn giúp giảm 35,55% tổng lượng CO, 40% tổng lượng HC phát thải, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, thực hiện khảo sát 3.867 người dân tại Hà Nội cho thấy đa số ủng hộ quy định này để bảo vệ chất lượng không khí. Họ cũng đề xuất mức phí kiểm tra khí thải từ 30-50 nghìn đồng/lần, tần suất đo 1 lần/năm. Ông Trần Đức Bình (trú tại quận Thanh Trì) cho biết, nếu xe không đạt kiểm định, ông sẵn sàng sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng xe, giảm ô nhiễm môi trường. “Mức phí kiểm định 35.000 đồng/lần cũng hợp lý vì chỉ tương đương bát phở” - ông Bình nói.

Tìm phương hướng xử lý?

Ủng hộ việc đưa quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy đang sử dụng vào dự án Luật Đường bộ, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc này không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp. Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng cần có cách thức thực hiện để hạn chế tối đa phiền phức cho người dân, tính toán xem phương tiện nào cần kiểm định, phương tiện nào không.

Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị, không bắt buộc toàn bộ xe máy đang lưu hành phải thực hiện kiểm định mà chỉ nên áp dụng đối với xe cũ nát, có thời gian sử dụng lâu, nhả khói đen trên đường. “Với những phương tiện dù bảo dưỡng vẫn không đạt, hướng xử lý sẽ thế nào? Nếu vẫn cố tình lưu thông, chế tài xử lý ra sao? Vấn đề này cần tính toán kỹ” - ông Tạo nói và đề xuất thực hiện thí điểm để đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng rãi.

Còn theo ThS. Trịnh Thị Bích Thủy - Chuyên gia tư vấn môi trường và phát triển bền vững, việc kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện định kỳ giúp giảm phát thải chất gây ô nhiễm không khí và nâng cao tính an toàn cho phương tiện.

Bản thân mỗi người tham gia giao thông cần có sự thay đổi ở thói quen và nhận thức trong việc lựa chọn phương tiện đảm bảo các tiêu chuẩn về khí phát thải, thường xuyên bảo dưỡng, bảo hành phương tiện định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không nên lưu hành các phương tiện cũ nát để môi trường đô thị thêm xanh. Rõ ràng, ở câu chuyện kiểm soát khí thải xe máy việc sớm áp dụng các biện pháp đăng kiểm và kiểm tra khí thải đối với xe máy là cần thiết.

Nên chăng xe máy cũng phải đưa vào “khuôn khổ” thông qua kiểm định định kỳ cả về độ an toàn và tiêu chuẩn khí thải. Không chỉ xe cũ mà ngay cả xe mới nếu xuống cấp, không đáp ứng an toàn về khí thải cũng nên khuyến cáo người dân không sử dụng...

“Phải có những đánh giá cụ thể về khí thải cũng như niên hạn sử dụng… Hơn nữa, cũng cần quan tâm đến việc vận động nhân dân. Có những người có phương tiện cũ nhưng bản thân họ không muốn đổi thì phải vận động ra sao. Đặc biệt, vấn đề ngân sách hiện nay được triển khai thế nào, lấy ở đâu ra? Nếu đã làm thì cần làm đến nơi đến chốn cho người dân đánh giá thật chuẩn về cái khí thải đã. Nên khảo sát trong người dân để xem xét mức độ phân bổ, từ đó có các giải pháp phù hợp” - PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhieu-loi-ich-sao-van-kho-trien-khai-345770.html